Giá gas không ngừng tăng đang là một trong những gánh nặng lớn đối đời sống người dân, bởi hiện nay gas đã trở thành mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày. Giải pháp nào để hạn chế tình trạng biến động trên thị trường gas?
- Liên tục biến động
Khí dầu mỏ hóa lỏng (gọi tắt LPG) được sử dụng ngày càng rộng rãi trên thế giới. LPG được xem như nguyên liệu cho công nghiệp hóa dầu hay loại nhiên liệu sạch trong dân dụng, công nghiệp, giao thông vận tải. Ở Việt Nam, số liệu từ Hiệp hội Gas cho thấy, nhu cầu tiêu thụ LPG tăng nhanh chóng: năm 1991 nhu cầu LPG cả nước 50.000 tấn, năm 2000: 400.000 tấn và năm 2010: 1,2 triệu tấn. Dự báo năm 2015 nhu cầu sử dụng LPG cả nước khoảng 1,5 triệu tấn và năm 2020 đạt 2 triệu tấn.
Cùng với sự gia tăng mạnh mẽ nhu cầu gas, những năm gần đây thị trường gas trong nước cũng thường xuyên biến động với mức giá bán lẻ liên tục thay đổi với chiều giá ngày càng tăng. Mới đây, ngày 1-11-2010, giá một bình gas 12kg đã lên đến gần 300.000 đồng (tăng thêm 25.000 đồng so với trước đó). Dự báo nhiều khả năng vào đầu tháng 12 tới, giá gas còn tiếp tục tăng và thực sự trở thành gánh nặng lớn đối với đời sống người dân, bởi hiện gas đã trở thành mặt hàng tiêu dùng quen thuộc trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày.
Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân khiến giá gas liên tục biến động theo chiều hướng tăng. Trong đó nguyên nhân chính do thị trường gas trong nước vẫn phụ thuộc vào thị trường gas thế giới. Hiện nay, sản lượng gas trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu thị trường (nguồn sản xuất từ Nhà máy khí Dinh Cố và Nhà máy lọc dầu Dung Quất), 60% còn lại phải nhập khẩu. Do đó, giá gas trong nước luôn thay đổi, biến động theo giá thế giới. Một nguyên nhân khác, khả năng dự trữ gas của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam còn kém. Hệ thống kho chứa LPG ở Việt Nam hiện nay rất hạn chế.
| |
TS Nguyễn Sĩ Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam cho biết, toàn quốc hiện có 31 kho LPG, nhưng sức chứa chỉ đạt từ 500 – 4.000 tấn/kho (chỉ có 4 kho sức chứa trên 3.000 tấn). Điều này khiến các DN kinh doanh LPG ở Việt Nam không không chủ động được nguồn hàng, khi gas rẻ không trữ được nhiều và cũng không có khả năng nhập khẩu trực tiếp với khối lượng LPG lớn từ các nguồn như Trung Đông, Australia…, hiện chỉ có thể mua lại LPG của các nước trong khu vực như Trung Quốc, Singapore... Đây là điểm yếu lớn nhất của thị trường LPG ở Việt Nam.
- Đầu tư kho, cảng quy mô lớn
Ngoài biến động về giá với các lý do trên, thị trường gas hiện nay còn diễn biến rất phức tạp, gây rối loạn với các tình trạng sang chiết, vận chuyển, tiêu thụ gas lậu, kìm hàng, ép giá khi giá gas thế giới tăng cao và nguồn hàng chưa nhập về kịp.
Theo ước tính của ngành chức năng, tình trạng gas giả và gian lận thương mại hiện nay chiếm khoảng 30%, gây thất thu ngân sách Nhà nước trên 80 tỷ đồng. Nghiêm trọng hơn, tình trạng gian lận thương mại còn gây mất an toàn cho người tiêu dùng. Trước thực trạng trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định 107/2009/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng có hiệu lực từ ngày 15-1-2010. Đến nay, qua kiểm tra bước đầu, cả nước chỉ có 24 DN kinh doanh gas đạt tiêu chuẩn và đủ điều kiện theo đúng tinh thần của Nghị định 107.
Cùng với động tác xiết chặt quản lý thị trường gas, việc đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng các kho chứa quy mô lớn cũng đang được quan tâm. Giữa tháng 11-2010, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cùng với Công ty CP Năng lượng VinaBenny (liên doanh với Nhật Bản) đã khởi công xây dựng dự án Kho cảng LPG Long An. Với tổng vốn đầu tư gần 250 triệu USD, dự án này khi đi vào hoạt động sẽ góp phần tăng sức chứa LPG với quy mô 1 triệu tấn và có thể nhập khẩu LPG trực tiếp từ Trung Đông, Australia… góp phần giảm chi phí và giá bán đến người tiêu dùng...
NGUYỄN THU TUYẾT
| |