Lan tỏa những giá trị nhân văn

Sáng 28-8, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM phối hợp Sở VH-TT TPHCM, Đài Truyền hình TPHCM tổ chức lễ tổng kết và trao giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh” đợt II giai đoạn 2015-2020, trên địa bàn TPHCM.
Lan tỏa những giá trị nhân văn ảnh 1 Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê trao giải Quảng bá tập thể và 2 giải B cho đại diện Báo SGGP. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Mạch nguồn cảm hứng vô tận

Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt cuộc đời là tấm gương phấn đấu, hy sinh không mệt mỏi vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người là mạch nguồn cảm hứng vô tận cho hoạt động sáng tác văn học, nghệ thuật (VHNT), báo chí. Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, nhận định, nhiều năm qua, hoạt động sáng tác, quảng bá các tác phẩm VHNT, báo chí chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM phát động đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của không chỉ đông đảo văn nghệ sĩ, phóng viên, đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, các cơ quan báo chí mà cả cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên và các tầng lớp nhân dân. Hàng ngàn tác phẩm VHNT, báo chí đã góp phần lan tỏa, tăng tính thuyết phục và hiệu quả của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong từng cấp, từng ngành, từng giới và toàn xã hội. 

Từ năm 2008 đến nay, TPHCM đã tổ chức 6 đợt phát động và tổ chức lễ trao giải. Đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê nhận định: Giải thưởng thực sự lan tỏa sâu rộng trong đội ngũ văn nghệ sĩ, các hội viên hội VHNT thành phố; nhiều tác phẩm có tính tư tưởng, nghệ thuật cao, được thể hiện dung dị, gần gũi với đời sống xã hội, dễ đi vào lòng người. 

Giải thưởng thu hút sự quan tâm tham gia, hưởng ứng của các địa phương, cơ quan, đơn vị với đối tượng đa dạng về ngành nghề, độ tuổi thể hiện tình cảm yêu kính Bác qua những vần thơ, câu hò, điệu lý, chập cải lương, tiểu phẩm tuyên truyền với những cảm xúc chân thành, sâu lắng, xuất phát từ trái tim. Mỗi tác phẩm đoạt giải đều có nét khắc họa riêng nhưng đều có chung cảm xúc, thể hiện tình cảm, lòng kính yêu vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhiều tác phẩm được biên tập, dàn dựng đưa vào các chương trình nghệ thuật, biểu diễn nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của dân tộc, của thành phố; đưa về các địa phương, đơn vị để lưu diễn, triển lãm, giới thiệu, giúp các tác phẩm đến gần với các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, góp phần đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng lan tỏa sâu rộng.

Giàu giá trị tư tưởng và nghệ thuật

Giải thưởng đợt II giai đoạn 2015-2020 có 163 tác phẩm tham gia, trong đó 97 tác phẩm đoạt giải, chia thành 2 khối: khối chuyên nghiệp (các hội viên các hội VHNT, phóng viên các cơ quan báo chí); khối không chuyên (các quận, huyện, đảng ủy cấp trên cơ sở). Tính đến nay, giải thưởng giai đoạn 2015-2020 đã trao cho 162 tác phẩm, 209 tập thể, cá nhân; biểu dương 26 tập thể, 21 cá nhân có nhiều thành tích trong hoạt động quảng bá. 

Các tác phẩm vừa nhận giải được đánh giá cao bởi giàu tính tư tưởng, nghệ thuật và được thể hiện gần gũi, dễ đi vào lòng người. Các ca khúc Lời Bác sáng mãi muôn đời, Sáng một niềm tin, Con tàu năm ấy... là những nhạc phẩm được viết ra từ trái tim chân thành kính yêu lãnh tụ Hồ Chí Minh. Những câu chuyện bất tận trong trường ca thơ Nơi khôn thiêng của biển khiến nhiều người thấy tự hào, lắng đọng và nghiêng mình trước sự anh dũng của cha ông trong lịch sử chống giặc ngoại xâm. Vở cải lương Thành phố buổi bình minh, Những con sóng vô hình… ca ngợi những con người năng động sáng tạo, dũng cảm đổi mới xây dựng thành phố mang tên Bác ngày càng phát triển và luôn hướng yêu thương về biển đảo quê hương. Những bộ phim tài liệu Còn in bóng Bác, Miền Nam thấm lời Bác dạy mang lại nhiều cảm xúc, tạo được nhiều sự đồng cảm của công chúng thưởng ngoạn. Chương trình nghệ thuật Từ làng Sen của Đài Truyền hình TPHCM; Chương trình phát thanh “Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4” (khóa XII) trong lực lượng vũ trang TPHCM; Những cách làm hay của Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM… đã phản ánh rõ nét về một thành phố luôn khát vọng vươn cao, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình… 

“Qua các tác phẩm, chúng ta càng trân trọng những tâm hồn đẹp, những tình nghĩa yêu thương xung quanh muôn màu, muôn sắc. Và còn rất nhiều, những tác phẩm văn chương, vần thơ, những bức ảnh nghệ thuật, tranh mỹ thuật, vở diễn sân khấu, phim tài liệu hay những câu chuyện xúc động được tái hiện trong các bài báo, trong các chương trình phát thanh, truyền hình... đã dẫn dắt người xem, người đọc đắm mình vào những giá trị nghệ thuật đặc sắc, tinh tế mang tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mỗi ngày thêm thấm sâu, lan tỏa”, đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê nhận định.

Tại buổi lễ, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tiếp tục phát động giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm VHNT, báo chí chủ đề “Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2020-2025.

°6 giải A khối chuyên nghiệp:

Ca khúc Lời Bác sáng mãi muôn đời Nhạc sĩ Bảo Huy (Hội Âm nhạc TPHCM); vở cải lương Thành phố buổi bình minh - đạo diễn Phan Quốc Kiệt, tác giả Xuân Đức, chuyển thể cải lương Hoàng Song Việt (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang); Tượng gỗ vụ mùa - họa sĩ Nguyễn Điển Thảo (Hội Mỹ thuật TPHCM); bộ ảnh Lực lượng gìn giữ hòa bình làm theo lời Bác - Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Trung Trực (Hội nhiếp ảnh TPHCM); phim tài liệu Còn in bóng Bác - NSƯT Lý Quang Trung, Huỳnh Ngọc Thảo, Lê Ngô Chí, Nguyễn Thanh Sơn, Phan Văn Hiếu (Đài Truyền hình TPHCM); tác phẩm báo chí (4 kỳ) Di chúc Bác sáng lòng ta - nhóm tác giả Phạm Phương Thảo, PGS-TS Nguyễn Trọng Phúc, PGS-TS Nguyễn Thế Thắng, Đức Ngọc, Công Tuấn, Trường Huy, Trọng Đức, Thanh Hiệp (Báo Người Lao động)

°4 giải A khối không chuyên: Tập thơ Học tập và làm theo Bác - Ban Tuyên giáo Huyện ủy huyện Nhà Bè; truyện ngắn Độc Ẩm - tác giả Đông Hà (Huỳnh Ngọc Cường - khu phố 3, phường 12, quận 6); tiểu phẩm kịch Niềm tin - Đạo diễn: Lê Hoàng Châu (Đảng bộ Công an Quận 1); chặp cải lương Bác ơi - tác giả Nguyễn Thị Phương Linh (Trường THPT Bình Chánh, huyện Bình Chánh).

°Báo SGGP nhận giải Quảng bá tập thể và 2 tác phẩm báo chí đoạt giải B.

Tin cùng chuyên mục