Lan tỏa niềm vui

Bằng những hành động nhỏ, như tham gia nấu suất ăn cho bệnh nhân, chăm lo bữa ăn cho người dân khi dịch bệnh xảy ra, tổ chức lễ cưới tập thể cho công nhân khó khăn…, họ đã lan tỏa niềm vui, hạnh phúc đến nhiều người. Với họ, việc gì trong khả năng, mang lợi ích cho cộng đồng thì ráng hết sức mà làm. Họ là những người đã và đang lan tỏa tinh thần sống đẹp, sống có ích đến nhiều người khác.
Lễ cưới tập thể hàng năm diễn ra vào ngày Quốc khánh 2-9 tại TPHCM đã biến ước mơ của nhiều đôi thanh niên công nhân thành hiện thực
Lễ cưới tập thể hàng năm diễn ra vào ngày Quốc khánh 2-9 tại TPHCM đã biến ước mơ của nhiều đôi thanh niên công nhân thành hiện thực

Rưng rưng ngày chung đôi

Hôm nay, ngày Quốc khánh 2-9, cũng là ngày vui của 100 đôi thanh niên công nhân khó khăn. Họ nắm tay nhau, tận hưởng một ngày hạnh phúc khi được nên duyên trong lễ cưới tập thể do Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TPHCM tổ chức. “Trong cuộc sống với bộn bề lo toan, vất vả, đâu phải ai cũng có cơ hội được tổ chức một lễ cưới trọn vẹn như ước mơ cuộc đời”, anh Đào Nguyễn Minh Quân (ngụ quận 3, TPHCM) tâm sự. Sống cùng nhau hơn 10 năm, có với nhau một cô con gái, nhưng ước mơ được mặc áo cô dâu với cô gái vùng cao tỉnh Quảng Nam A Lăng Thị Béch nay mới thành hiện thực. “Ngày được thông báo có tên trong danh sách tổ chức lễ cưới tập thể, em mừng rơi nước mắt. Vậy là ước mơ làm cô dâu của vợ em đã thành hiện thực”, anh Quân vui mừng khoe.

Còn với chị Nguyễn Thị Lành (giáo viên) thì ngày được khoác áo cô dâu sau 7 năm sống cùng chồng là ngày vui lớn của cuộc đời. Chị Lành cho biết, vì hoàn cảnh khó khăn nên gia đình 2 bên chỉ làm lễ dạm hỏi nhỏ để vợ chồng chị về sống chung một nhà. “Giờ này năm ngoái, vợ chồng tôi tất bật chống dịch, mang thực phẩm đến cho người dân khó khăn trong khu cách ly. Năm nay cũng tất bật, nhưng là để chuẩn bị lễ cưới cho mình. Người vui nhất là con gái tôi, vì bé được chứng kiến ba mẹ trong ngày trọng đại của cuộc đời”, chị Lành bày tỏ.

Hạnh phúc ấy không chỉ riêng vợ chồng chị Lành, vợ chồng anh Quân mà với tất cả 100 đôi được mặc áo cô dâu chú rể trong lễ cưới tập thể đúng vào ngày Tết Độc lập. Họ - người vì hoàn cảnh khó khăn, người vì tham gia phòng chống dịch mà bỏ mất cơ hội trọng đại của đời mình. Nỗi lòng, ước mơ của những thanh niên công nhân khó khăn, xa quê ấy đã được Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TPHCM thực hiện. Ông Lê Thanh Vũ, Giám đốc trung tâm, chia sẻ, lễ cưới tập thể là hoạt động truyền thống, tôn vinh nét đẹp của đám cưới Việt. Qua đó, chương trình khuyến khích công nhân tổ chức lễ cưới tiết kiệm, đầm ấm, đồng thời tiếp sức cho các đôi công nhân có hoàn cảnh khó khăn được nên duyên. 13 năm qua, chương trình đã giúp 922 đôi thanh niên công nhân khó khăn có một lễ cưới ý nghĩa, ấm cúng. 

Vì lợi ích cộng đồng

Những ngày qua, người dân ấp 3, xã Phước Lộc (huyện Nhà Bè) thường xuyên thấy Đại úy Nguyễn Thành Phương, cảnh sát khu vực, khi thì nhắc người dân treo cờ Tổ quốc, lúc lại phụ bà con bê chậu kiểng rồi sẵn thăm hỏi tình hình an ninh trật tự trong khu vực. Không chỉ đến dịp lễ tết mà từ lâu, hình ảnh người cảnh sát khu vực vui vẻ, luôn nở nụ cười tươi trên môi đã rất thân quen và để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân. 

Em Hoàng Hải Quỳnh (thứ 3 từ phải qua) chuẩn bị bong bóng tặng bệnh nhi đang nằm viện

“Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát vào năm ngoái, anh Phương luôn sát cánh với chúng tôi, thông qua việc tuyên truyền, vận động người dân phòng chống dịch, cũng như mang thực phẩm đến cho người dân. Quý nhất là anh đã vận động chủ nhà trọ giảm giá thuê, miễn tiền phòng cho người ở trọ khó khăn như chúng tôi. Anh ấy là hình ảnh chuẩn mực của người cán bộ gần dân”, chị Trần Thanh Tâm, ngụ ấp 3, bày tỏ. 

Cũng nghĩ cho dân, làm vì dân nên nhiều năm qua, Trung úy Phan Đình Linh, cảnh sát khu vực KP1, phường 1 (quận 5) đã hết lòng hỗ trợ người dân trong khu vực. Hầu hết người dân trong khu phố đều quen thuộc với hình ảnh anh cảnh sát vào từng hẻm, đến từng nhà dân thăm hỏi, chuyện trò. Biết nhà nào đang gặp khó, lần sau ghé đến, trên tay anh luôn có phần quà nhỏ gửi tặng. Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát vừa qua, nhờ sự gần gũi trực tiếp và qua nhóm trò chuyện Zalo, anh Linh đã gửi hàng tấn rau củ quả, thực phẩm, mì gói đến hỗ trợ những hộ khó khăn. Anh Linh tâm sự, chính nhờ những lần gặp gỡ, gắn bó với người dân nên anh hiểu người dân cần gì, từ đó nghĩ cách hỗ trợ thiết thực. 

“Việc trong khả năng mình thì sẵn lòng làm”, với suy nghĩ như vậy nên những ngày cuối tuần, Hoàng Hải Quỳnh, học sinh lớp 12, Trường THPT Gia Định (quận Phú Nhuận) tham gia cùng nhóm các thầy cô giáo để nấu những bữa ăn nóng tặng các em nhỏ đang nằm viện tại Bệnh viện Nhi đồng 2. Dù tuổi còn nhỏ, hoàn cảnh gia đình khó khăn, Quỳnh vẫn luôn dành thời gian tham gia các việc làm thiện nguyện. “Em may mắn được nhận học bổng Nguyễn Thị Minh Khai nhiều năm qua nên có cơ hội tiếp tục đến trường. Em muốn lan tỏa những điều tốt đẹp từ những hành động nhỏ đến mọi người. Em biết xung quanh mình còn rất nhiều bạn có hoàn cảnh khó khăn, nên em mong muốn các bạn sẽ nhận được sự hỗ trợ như em. Đó cũng là động lực để em hoàn thiện bản thân và có thể cùng các cô các chú giúp đỡ lại các bạn không may mắn”, Quỳnh chia sẻ.

Cũng với ý nghĩ “giúp được ai thì sẵn lòng” nên nhiều năm nay, ông Mai Văn Phước, ngụ phường Long Thạnh Mỹ, TP Thủ Đức, đã giúp đỡ nhiều nông dân khó khăn trên địa bàn. Nhất là trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, ông đã có nhiều hoạt động chăm lo thiết thực người gặp khó khăn, kết nối cùng địa phương để không bỏ sót gia đình nào lúc bệnh tật. Ông cũng là người tích cực trong trao học bổng, xây cầu cho người dân vùng nông thôn. 

Hay cô giáo về hưu Nguyễn Thị Kim Dung, ngụ quận 3, dù đã 80 tuổi vẫn miệt mài truyền đạt kiến thức, kỹ năng sống cho học trò nghèo thông qua lớp bồi dưỡng văn hóa miễn phí. Cô Dung còn đỡ đầu nhiều học trò nghèo để các em có thêm điều kiện đến lớp, trong đó nhiều em thi đậu vào trường chuyên và thành đạt.

Tin cùng chuyên mục