Làng Cót, một ngôi làng nằm ở cửa ngõ phía Tây thủ đô Hà Nội, ven sông Tô Lịch, từ nhiều năm nay nổi tiếng là trung tâm sản xuất vàng mã lớn nhất nước. Trong làng có đến hàng trăm chủ lớn và hàng ngàn người làm vàng mã. Bởi thế, nhiều người còn ví đây là “tổng kho” đồ đạc cho người âm phủ cũng như “đại nhà máy” in tiền vàng. Nhưng thật ra, giờ đây không khí làm đồ vàng mã ở làng Cót không còn như xưa...
Máy móc đắp chiếu
Chị Lê Thị Hằng, 49 tuổi, một người dân ở làng Cót đã gắn bó nhiều năm với những sản phẩm vàng mã, kể: “Cách đây vài năm, cả làng chúng tôi vẫn còn hàng trăm nhà làm vàng mã. Nhưng bây giờ, rất nhiều gia đình đã bỏ nghề, số còn lại cũng đang lần lượt bỏ”. Đi dọc đường làng, cảnh làm hàng mã vẫn còn. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là không còn sôi động và sầm uất như 2-3 năm trước.
Ông Lê Khắc Cầu, ngoài 60 tuổi, cũng là một người làng Cót, kể rằng trước đây, người làng Cót làm đủ thứ đồ cõi âm, nào xe máy, ô tô, ti vi, điện thoại cho đến những món lạ đời như hình nộm, ô sin giấy… nhưng sau đó, người làng Cót đã chuyển sang chuyên tâm sản xuất một loại là tiền âm phủ.
Trước đây, tiền in cho người cõi âm thường là vàng nén. Sau đó, có người đã nghĩ đến việc thay vàng nén (làm rất tốn kém nguyên liệu, lại mất khá nhiều thời gian gói, dán, buộc) bằng tiền mã giấy (chủ yếu là đô la Mỹ), bằng việc “vẽ” mẫu rồi in mộc bản đến việc cải tiến kỹ thuật bằng công nghệ in máy, cho ra sản phẩm hàng loạt với công suất cao. Ngay sau đó, công nghệ này đã bị những người khác “đánh cắp bản quyền”. |
Để làm ra tiền âm phủ, mỗi gia đình sắm một “cỗ máy in tiền” trị giá vài chục triệu đồng. Thế nhưng bây giờ, nhiều gia đình lại đang thanh lý những cỗ máy này và các thiết bị sản xuất vàng mã “công nghệ cao” như vậy.
Trong căn nhà của anh Trần Đức Cảnh, 2 cỗ máy in tiền trị giá khoảng 90 triệu đồng nằm phủ bạt. Trong góc nhà, mấy chồng giấy Bãi Bằng cũng phủ bụi. Anh bảo: “Chúng tôi đang tìm khách để chuyển nhượng lại hai cỗ máy nhưng chưa tìm được”. Anh còn bảo: “Làm vàng mã giờ khó khăn lắm. Chúng tôi chưa biết sẽ chuyển sang làm gì nhưng không muốn làm vàng mã nữa”.
Nhà chị Hằng cũng đang rao thanh lý cỗ máy in. 2-3 năm trước, cả nhà chị lúc nào cũng có 4-5 người làm vàng mã. Hai đứa con và mẹ già chuyên đứng máy in tiền âm phủ. Hai vợ chồng thì chạy ngược chạy xuôi lo tìm đầu ra tiêu thụ. Thời cao điểm, gia đình chị phải thuê thêm khoảng 8-10 người làm thuê mới kịp. Nhưng bây giờ, chị không còn thiết tha với sản phẩm này nữa.
Vì nợ nần và “mất cắp bản quyền”
Tình trạng người dân lần lượt xa rời vàng mã không phải vì mặt hàng này đang mất giá, ế ẩm trên thị trường mà ngược lại, còn rất “sốt” và lãi lớn là đằng khác. Hiện tại, một “đinh” tiền vàng giá tăng gấp đôi năm ngoái, làm vàng mã đã lãi nay còn lãi hơn. Thế nhưng người dân vẫn đành ngoảnh mặt. Vì sao?
Anh Cảnh giải thích: “Nguyên nhân do hiện nay làng Cót không còn độc quyền sản phẩm vàng mã nữa. Vì lợi nhuận nên hàng chục làng quanh Hà Nội cùng bung ra làm vàng mã, trong đó, nhiều nhất là ở Sơn Tây, Hà Tây”. Tuy nhiên, làng làm quy mô lớn nhất hiện nay là làng Đông Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh). Rồi khắp nơi cũng đều làm vàng mã, từ Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nam cho đến vùng cao Lào Cai, Yên Bái…
Chị Hằng buồn bã, kể: “Trước đây, vì thiếu nhân công nên người làng Cót đã thuê hàng trăm người ở Hà Tây về làm thuê. Sau vài năm, nhiều người làm thuê đã tự mở cơ sở riêng, tự làm chủ. Trong khi đó, mức tiền công 50.000đ/ngày hiện nay ở làng Cót đã không giữ chân được người ngoại tỉnh vào làm thuê.
Hiện nay, giá cả tăng cao, cộng với phương thức mua bán, giao nhận hàng không chặt chẽ, nên người làm vàng mã liên tục bị các đại lý kinh doanh vàng mã nợ đọng tiền hàng, thậm chí quỵt hàng chục triệu đồng.
Theo chị Hằng, khi chỉ có người làng Cót làm vàng mã thì làm ra bao nhiêu cũng bán sạch. Nhưng từ khi hàng loạt làng cùng bung ra làm thì người làm hàng phải đến từng đại lý để “gạ”, “gửi”. Nhiều khi còn phải “đánh” hàng vào tận miền Trung, miền Nam tiêu thụ.
Tuy nhiên, khi “đánh” hàng đi xa, chủ hàng thường mang ra gửi các tài xế ở bến xe. Sau vài giờ, chỉ cần một cú điện thoại, hàng đã được giao tận nơi rồi cũng thông qua tài xế để nhận tiền về. Thông thường, vài bữa đầu các đại lý trả tiền đầy đủ. Sau đó, họ sẽ viện lý do hàng còn tồn đọng, chưa thu đủ tiền nên xin nợ. Đến khi số nợ lên đến vài chục triệu đồng thì họ “xù”, “chuồn”, chuyển địa điểm.
“Rất nhiều người dân làng tôi bị xù như thế. Riêng gia đình tôi, cho đến nay đã bị quỵt mất hơn 100 triệu đồng rồi. Làm ăn ngày càng khốn khó. Mỗi lần bị xù nợ là cả vốn liếng bay đi mất”, chị Hằng ngán ngẩm.
Nhiều gia đình khác trong làng đang tìm cách bỏ dần vàng mã, nhà nào đất còn rộng rãi thì chuyển sang xây nhà cho sinh viên thuê, mỗi tháng cũng kiếm được 5-7 triệu đồng. Còn chị Hằng thì chuyển sang mở một cửa hàng bia hơi để phục vụ công nhân đang thi công khu đô thị mới ở đầu làng….
Văn Phúc Hậu
SGGP 12 giờ