Lấy phiếu tín nhiệm: ĐBQH “chấm điểm” cả vấn đề tài sản

"Kiểm điểm về thời gian 3 năm, nhưng trong đó ít người nói về vấn đề tài sản. Nếu có hỏi về vấn đề tài sản, có chất vấn gì thì các vị đó phải trả lời. Vấn đề này rất quan trọng, nó thể hiện trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu", ông Vũ Trọng Kim nêu quan điểm.
Hoạt động lấy phiếu tín nhiệm diễn ra trong 2 ngày 24 và 25-10
Hoạt động lấy phiếu tín nhiệm diễn ra trong 2 ngày 24 và 25-10

Hôm nay, 24-10, từ 15 giờ 45, Quốc hội sẽ tiến hành nội dung lấy phiếu tín nhiệm đối với các thành viên được Quốc hội bầu và phê chuẩn.

Trong chiều nay,  Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy trình bày Tờ trình về dự kiến danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm.

Quốc hội thông qua danh sách những người được lấy phiếu tín nhiệm bằng hệ thống biểu quyết điện tử. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở Đoàn về các vấn đề liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm.

Sáng mai, 25-10, Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bằng bỏ phiếu kín.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn sẽ được công bố vào chiều mai, 25-10.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, hiện có tất cả 50 chức danh thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm, trong đó nhân sự Chủ tịch nước và Bộ trưởng Bộ TT-TT lần này sẽ không lấy phiếu do mới được bầu, phê chuẩn. Các chức danh còn lại dự kiến sẽ được lấy phiếu gồm: Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch nước, các thành viên Chính phủ, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội...

Trước kỳ họp 30 ngày, các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm đã gửi hồ sơ đánh giá kết quả công tác đến từng đại biểu để nghiên cứu.

Việc lấy phiếu tín nhiệm diễn ra vào đầu kỳ họp, trước khi có hoạt động chất vấn tại Quốc hội để "bảo đảm sự bình đẳng giữa những người được lấy phiếu tín nhiệm”. Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của những người được lấy phiếu, các mức độ: tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp (ba mức).

Theo quy định, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức. Trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số đại biểu trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban Thường vụ trình cấp có thẩm quyền khởi động quy trình bỏ phiếu tín nhiệm (2 mức tín nhiệm hoặc không).

Bên hành lang Quốc hội,  SGGP đã ghi nhận ý kiến một số ĐBQH về lần lấy phiếu tín nhiệm này

* Đại biểu Vũ Trọng Kim, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Lấy phiếu tín nhiệm không phải điều bất ngờ mà đó là điều chúng ta đã có theo dõi cả một quá trình những người thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm. Hay nói cách khác, đó là trách nhiệm giám sát ngay từ kỳ đầu tiên khi được Quốc hội bầu giữ chức vụ.

Bản báo cáo của 48 người được lấy phiếu tín nhiệm lần này đã  gửi cho ĐBQH. Kiểm điểm về thời gian 3 năm, nhưng trong đó ít người nói về vấn đề tài sản. Nếu có hỏi về vấn đề tài sản, có chất vấn gì thì các vị đó phải trả lời. Vấn đề này rất quan trọng, nó thể hiện trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu. Anh có công tâm, thật thà, là tấm gương trung thực hay không, điều đó rất quan trọng. Quốc hội lần này nên chú ý mặt đó.

Cá nhân tôi sẽ bỏ phiếu cho từng người một. Mỗi người tôi sẽ nhận diện một cách đầy đủ rồi mới bỏ phiếu. Phương châm của tôi là thận trọng. Làm sao sau khi quyết định rồi mình không thấy ân hận.

Phương châm bỏ phiếu của tôi cũng rõ ràng, đầu tiên là anh được Quốc hội bầu ở vị trí có nhiệm vụ quyền hạn đó thì nhiệm vụ đó anh có hoàn thành, quyền hạn có sử dụng hết không.

Thứ hai là người đại biểu của dân, anh phục vụ nhân dân thế nào trong điều kiện Chính phủ kiến tạo, liêm chính.

Thứ ba là đạo đức, lối sống. Ở điểm này tôi đánh giá cao sự nhiệt tình, hết sức vì dân. Người nhiệt tình khác, người làm cho lấy lệ để lấy phiếu thì không ổn.

Thứ tư là xung quanh vấn đề tài sản, có điều tiếng gì không. Cái này phải quan sát lối sống, nhân dân đều biết.  

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng):

Những người được Quốc hội phê chuẩn qua 2 nhiệm kỳ thì được đòi hỏi cao hơn những người mới làm từ nhiệm kỳ này. Đối với những người nhiệm kỳ này mới bắt đầu làm Bộ trưởng, mới có hơn 2 năm, có những khó khăn nhất định cần được hiểu và chia sẻ. Tuy nhiên, cần xem xét người lãnh đạo đó làm được những gì, việc nào liên quan trực tiếp đến trách nhiệm của họ.

* ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre):

Đây là thời điểm giữa kỳ của kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm. Vì vậy, lấy phiếu tín nhiệm thời điểm này rất quan trọng, nhằm đánh giá lại những việc làm được và chưa làm được của các Bộ trưởng, trưởng ngành và những chức danh do Quốc hội bầu. Qua đánh giá, cần có giải pháp khắc phục những hạn chế nửa nhiệm kỳ qua.

Việc lấy phiếu tín nhiệm này để chúng ta nhắc nhở, thông báo, cảnh báo, thậm chí có thể thay đổi, để những người ngồi chiếc ghế đó họ biết rằng phải cố gắng nhiều lần so với những người khác.

Để lấy phiếu tín nhiệm, chúng tôi không chỉ đánh giá dựa trên cơ sở báo cáo của các thành viên, chúng tôi dựa trên toàn bộ những vấn đề chúng tôi giám sát thời gian qua.

* Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình):

Việc lấy phiếu tín nhiệm là giải pháp đánh giá năng lực, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của các chức danh được Quốc hội bầu. Việc đánh giá đó cần phân tích phạm vi nhiệm vụ thế nào, nếu không tốt Quốc hội và Chính phủ sẽ có những giải pháp, hoặc sửa chữa, hoặc là miễn nhiệm.

Kết quả phiếu tín nhiệm sẽ thể hiện năng lực phẩm chất và uy tín của người được lấy phiếu. Điều đó giống như thang điểm để đánh giá năng lực đạo đức phẩm chất và khả năng điều hành nhiệm vụ. Đánh giá để giúp anh biết đến tầm nào, cần khắc phục điểm gì trong thời gian tới. Đồng thời cũng là cơ sở cho quy hoạch sắp tới, nếu còn đủ tuổi thì có đào tạo cho nhiệm kỳ tới...

Tin cùng chuyên mục