Lấy ý kiến nhân dân về sửa Luật Đất đai từ 3-1-2023

Chiều 13-12, sau khi thảo luận, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết, thông qua Nghị quyết về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Thời gian lấy ý kiến bắt đầu từ ngày 3-1-2023 đến ngày hết ngày 15-3-2023.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: VIẾT CHUNG
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: VIẾT CHUNG

Theo đó, Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

“Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân là sự kiện chính trị, pháp lý quan trọng, phải được tiến hành rộng rãi, dân chủ, khoa học, nghiêm túc, thực chất, khách quan. Việc tổ chức lấy ý kiến với các hình thức thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân ở trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia góp ý, hoàn thiện đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)”, dự thảo nghị quyết vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua yêu cầu.

Nội dung lấy ý kiến nhân dân phải toàn diện và có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số nội dung, chính sách lớn của dự án Luật, các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân được dư luận quan tâm.

Ý kiến đóng góp của nhân dân phải được tổng hợp đầy đủ, chính xác, khách quan và được nghiên cứu, tiếp thu, giải trình nghiêm túc để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và báo cáo Quốc hội.

Thời gian lấy ý kiến bắt đầu từ ngày 3-1-2023 đến ngày hết ngày 15-3-2023.

Các cơ quan thông tấn, báo chí có trách nhiệm đăng tải, tuyên truyền, phổ biến, phản ánh các nội dung liên quan đến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, trung thực, khách quan, phục vụ cho việc đóng góp ý kiến của nhân dân; tổng hợp các ý kiến nhân dân gửi về Chính phủ (qua Bộ TN-MT).

Kinh phí phục vụ cho việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định hiện hành.

Lấy ý kiến nhân dân về sửa Luật Đất đai từ 3-1-2023 ảnh 1 Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Lê Quang Huy. Ảnh: VIẾT CHUNG
Trước đó, sau khi nghe tờ trình của Chính phủ về nội dung này, đại diện cho cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị bổ sung yêu cầu tiết kiệm, hiệu quả, tránh triển khai mang tính hình thức trong quá trình lấy ý kiến nhân dân, đồng thời kéo dài thời gian lấy ý kiến đến hết ngày 15-3-2023. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý có những hình thức đăng tải phù hợp để người dân dễ dàng tiếp cận và thực sự hiểu được những quy định của luật, nhất là những quy định liên quan đến quyền lợi sát sườn của mình.
"Có những vấn đề mà giới chuyên gia còn không hiểu rõ thì làm sao mà người dân hiểu được”, Chủ tịch Quốc hội nhận xét và gợi ý 63 tỉnh, thành sử dụng báo cáo viên để nêu vấn đề “hiện đang có vướng mắc thế này, đã bàn sửa thế nào, sửa như thế thì tác động ra sao”… Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, quá trình lấy ý kiến nhân dân phải có sự giám sát của các cơ quan Quốc hội, vì có khi ý kiến rất xác đáng lại không được tổng hợp hoặc tổng hợp khác đi.
Lấy ý kiến nhân dân về sửa Luật Đất đai từ 3-1-2023 ảnh 2 Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VIẾT CHUNG

Cùng quan điểm, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, để tránh tình trạng có thể có những ý kiến rất sắc sảo, đúng đắn, nhưng gây khó cho cơ quan quản lý nhà nước không được tổng hợp, kết quả lấy ý kiến cần được gửi đến Quốc hội song song với gửi về Chính phủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Lê Quang Huy cũng cho rằng, không thể chỉ có một kênh tổng hợp duy nhất; đồng thời cần xây dựng thêm cơ chế phản hồi. "Các chuyên gia phản ánh với chúng tôi là rất không bằng lòng vì không có cơ chế phản hồi, không minh bạch. Tôi góp ý cho anh bao nhiêu nhưng sau đó anh không có phản hồi gì, cái này tiếp thu hay không tiếp thu, không tiếp thu thì lý do vì sao...”, ông nói.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị tổ chức lấy ý kiến theo từng loại đối tượng, mỗi đối tượng nêu rõ các vấn đề trọng tâm cần xin ý kiến.

Tin cùng chuyên mục