
Có lẽ lâu lắm rồi mới có một vở diễn gây xôn xao người Hà Nội đến thế! Vở cải lương Lễ mở xiêm áo do Nhà hát cải lương Hà Nội dàn dựng và ra mắt trong dịp Tết Kỷ Sửu 2009 (tác giả kịch bản: Nguyễn Khắc Phục, chuyển thể cải lương: Đình Tư, đạo diễn NSƯT Trần Quang Hùng) là bản tráng ca hào hùng của nước Đại Việt, do toàn thể con dân Đại Việt tấu lên bằng lòng yêu nước quật cường.
Cái tên “Lễ mở xiêm áo” nghe thật giản dị, nhưng ít ai biết đó là nghi thức của nghiệp hát ca trù – nghệ thuật hát xướng được sinh ra trên đất Thăng Long xưa. Làm lễ mở xiêm áo để chính thức được công nhận là đào nương ca trù.
Lễ mở xiêm áo là tác phẩm được viết bằng chất liệu lịch sử và cảm hứng văn hóa của nhà văn Nguyễn Khắc Phục. Bối cảnh và không gian trải từ kinh thành Thăng Long nước ta đến kinh thành Kim Lăng của đế chế phương Bắc. Lúc đó, đế chế này cậy là nước lớn uy quyền, dùng mọi âm mưu xảo quyệt muốn hủy diệt cả nền văn hiến Đại Việt ta. Chúng dùng mọi thủ đoạn mua chuộc và sử dụng những kẻ ham danh lợi, tiền tài trong triều đình nước ta làm nội gián cho chúng.
Đại diện cho tinh thần tận trung, tận hiếu, bất khuất trước kẻ thù có Chánh Sứ Đại Việt Hoàng Cương, Thiền sư Tuệ Minh, ca nương Đào Mây, nghĩa sĩ Cả Nhĩ... và đặc biệt nhân vật Lê Thái sư là người con tài trí, trung nghĩa, đức độ của Đại Việt.

Một cảnh trong vở diễn “Lễ mở xiêm áo”.
Trong hoàn cảnh đất nước đang dầu sôi lửa bỏng, Lê Thái sư đã ra lệnh xử chém con trai mình là Đô thống Thượng tướng quân Lê Anh Tuấn, khi người con để giặc xâm lấm bờ cõi biên ải của ta. Cậu học trò Hoàng Cương ôm mối thù giết cha đã sống trong hận thù, vì không hiểu sự thật về cái chết của cha mình, luôn rình cơ hội giết Thái sư.
Nhưng khi Hoàng Cương hiểu rõ sự thật cha mình dù làm quan đại thần nhưng đã dâng 59 tấc đất cho kẻ thù thì cậu bừng tỉnh. Hoàng Cương thề hy sinh vì đại nghĩa, chàng lên đường đi sứ làm việc trọng đại.
Cũng trong cơn nguy biến của dân tộc, vì ghen ghét với Hoàng Cương là anh kết nghĩa, Nguyễn Chính (đại diện cho quần thần xu nịnh, hiểm ác cam tâm làm nội gián cho giặc) đã bí mật sai quân thủ tiêu Đào Mây trước Lễ mở xiêm áo. Nhưng Đào Mây được dân chài lưới cứu thoát, rồi bị bán sang thành Kim Lăng làm ca nương.
Thiền sư Tuệ Minh (bị cống nạp cho thiên triều), ca nương Đào Mây, Sứ thần Hoàng Cương và Nguyễn Chính gặp nhau ở thành Kim Lăng là cảnh đưa kịch tính lên đến đỉnh điểm. Trắng, đen, thật, giả rõ ràng nhưng không tránh được tổn thất, âu là điểm chung của mọi cuộc chiến trong mọi thời đại.
Ê kíp dàn dựng, biểu diễn là các nghệ sĩ trẻ không trải qua sóng gió chiến tranh, nhưng họ đã thực sự thăng hoa khi diễn đạt khúc tráng ca của dân tộc.
Khi tên giặc già Ngụy Cao nói: “Phải làm cho dân An Nam không ca, không vũ...”, tên phản bội Nguyễn Chính cúi đầu hèn hạ tuân phục đã làm khán giả sôi lên căm hận. Chứng kiến cảnh Lê Thái sư xử con mình theo phép nước, khán phòng lắng xuống vài phút rồi ran ra tiếng sụt sịt, đâu đó có tiếng nức nở.
Khán giả xót xa, quặn lòng dõi theo Lê Thái sư đau đớn nhìn con ra pháp trường, đồng thời cảm thông với tướng quân Lê Anh Tuấn trước lúc chết vẫn tỏ lòng hiếu thuận với cha bằng cử chỉ quỳ lạy cha và nhắn nhủ cha hãy bảo trọng, dặn dò em gái Bạch Liên hãy thay mình chăm sóc cha già. Dù vai chính hay vai nghịch, các nghệ sĩ trẻ đều tạo được nhiều xúc cảm.
Tối 16 và 17-2-2009, Lễ mở xiêm áo diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đôi câu đối rộng 3m, dài 12m thả hai bên tường cổng chính của Nhà hát Lớn “Đại Việt Hiếu hòa Thượng võ Ngàn năm không chịu khuất – Thăng Long Hùng khí Tôn văn Vạn kiếp chẳng hề lui”, cũng gây xúc động người qua lại.
Nội dung đôi câu đối thể hiện khí phách người dân Đại Việt giàu tinh thần thượng võ, hiếu hòa trong mối bang giao, tôn trọng nền văn hiến dân tộc, nêu cao ý chí kiên cường bảo vệ từng tấc đất của nước mình.
Hà Nội nắng ấm, khách du lịch nước ngoài đứng chụp đôi câu đối lừng lững ngang trời. Buổi diễn ngày 16 kết thúc, có hai mẹ con phụ nữ dìu nhau ra về, áng chừng bà cụ hơn 80 tuổi, con gái cụ chắc cũng gần 60, cả hai tóc trắng muốt đang bước xuống bậc tam cấp vẫy taxi, cụ bà nói: “Tại sao xem 5 lần rồi vẫn không chán nhỉ, mai đi xem nữa”. Hỏi tên và địa chỉ cụ không cho biết, chỉ nói “mai tôi lại nhờ cháu đưa đi xem nữa”.
Lễ mở xiêm áo cho thấy khán giả không quay lưng với sân khấu đề tài lịch sử, thậm chí người dân mong muốn các nghệ sĩ dùng nghệ thuật khơi dậy lòng yêu nước và phát huy truyền thống bất khuất của cha ông mình tới thế hệ trẻ ngày nay.
Bằng chứng là sau khi Lễ mở xiêm áo mới ra mắt 3 tuần, một số doanh nghiệp và cá nhân giấu tên đã ủng hộ khoảng 200 triệu đồng cho nhà hát biểu diễn, vì “Chúng tôi mong nhân dân được xem và đồng lòng bảo vệ Tổ quốc khi bị xâm lăng”.
THỦY VÂN