Lebanon bên bờ vực cuộc nội chiến mới

Lebanon bên bờ vực cuộc nội chiến mới

Tình hình Lebanon đang diễn biến hết sức phức tạp sau vụ Bộ trưởng Công nghiệp Pierre Gemayel bị ám sát. Đám tang của ông Gemayel, với sự tham gia của hàng trăm ngàn người ở thủ đô Beirut, đã biến thành cuộc biểu tình phô trương thanh thế của cả 2 phái chống Syria và phái ủng hộ Hezbollah được Syria hậu thuẫn. Căng thẳng trên chính trường bắt nguồn từ chia rẽ tôn giáo và phe phái có thể đẩy Lebanon vào một cuộc nội chiến mới.

Lebanon bên bờ vực cuộc nội chiến mới ảnh 1
Đám tang biến thành biểu tình phô trương thanh thế ở Beirut.

Những người tham gia biểu tình, trong đó có cựu Tổng thống Lebanon Amin Gemayel (và là cha của Bộ trưởng Công nghiệp vừa bị sát hại), cùng nhiều thành viên trong chính phủ có đa số chống Syria, đòi Tổng thống đương nhiệm Emil Lahoud từ chức.

Hiệp hội doanh nhân Lebanon kêu gọi tiến hành tổng bãi công trong hai ngày 24 và 25-11 để phản đối vụ sát hại ông Gemayel. Cùng lúc này, hàng trăm người thuộc dòng Shia cũng xuống đường ở thủ đô Beirut để bày tỏ ủng hộ Hezbollah.

Những người biểu tình mang biểu ngữ và hô khẩu hiệu ủng hộ Hezbollah trong khi tiến về khu vực ngoại ô phía Nam, phong tỏa tuyến đường chính dẫn đến sân bay Beirut.

Trong diễn biến liên quan, Thủ tướng Lebanon Fuad Al Siniora tại cuộc họp nội các đêm 23-11 đã đề nghị các bộ trưởng từ chức tập thể để tổ chức lại chính phủ. Tuần trước đã có 6 trong tổng số 24 bộ trưởng trong nội các từ chức.

Tối 24-11, Bộ trưởng Nội vụ Lebanon chủ trương chống Syria, ông Hassan Sabaa, tuyên bố sẽ tiếp tục nhiệm vụ của mình, 9 tháng sau khi ông đệ đơn từ chức do các vụ bạo động đẫm máu, nhằm nâng cao uy thế của Chính phủ Lebanon thân phương Tây.

Lebanon là một đất nước có nền chính trị phức tạp và phân lập tôn giáo nhất ở Trung Đông, đây là những yếu tố tiềm ẩn những bất ổn ngay ở khu vực đã rất nhạy cảm. Hiện nay, ở Lebanon có 60% người theo đạo Hồi, 40% người theo đạo Cơ đốc. Có 18 giáo phái được chính thức công nhận và việc chia xẻ quyền lực giữa họ luôn luôn là một cuộc đấu tranh phức tạp. Người Hồi giáo ở Lebanon có khuynh hướng nhắm tới phía Đông để tìm kiếm sự ủng hộ từ những quốc gia Arập khác và cả Iran. Người Cơ đốc giáo lại quay về phía Tây tìm nâng đỡ của châu Âu và Mỹ. Xung đột kéo dài đã tàn phá đất nước này suốt từ năm 1975 đến 1990 trong cả cuộc nội chiến lẫn chiến tranh khu vực.

 V.A. (Theo Reuters, BBC, AFP)

Tin cùng chuyên mục