Lo chuyện an cư cho người lao động

Một số nhà lưu trú cho công nhân ở TPHCM
Lo chuyện an cư cho người lao động

Hiện nay, một số doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM đang xây dựng mô hình nhà lưu trú cho công nhân (NLT) có thu nhập thấp nhằm giúp họ sớm ổn định chỗ ở để tập trung nâng cao năng suất lao động...

  • Xây nhà lưu trú: không phải để kinh doanh

Dù chỉ mới đi vào hoạt động cuối năm 2004 nhưng khu NLT Công ty Giày Gia Định với 130 phòng đã chật kín. Toàn bộ 100% công nhân của công ty đều ở tại khu nhà này với giá tương đối rẻ, chỉ 50.000đ/tháng bao gồm cả điện, nước. Trước đây, gần 800 công nhân của công ty phần lớn đến từ các tỉnh miền Trung và miền Bắc phải ở tại các khu nhà trọ tự phát với điều kiện sinh hoạt rất thấp.

Lo chuyện an cư cho người lao động ảnh 1

Một góc nhà lưu trú Linh Trung, quận Thủ Đức.

Trước tình hình đó, Đảng ủy và Ban giám đốc công ty đã chủ trương xây dựng một khu NLT với giá rẻ nhằm giúp công nhân ổn định cuộc sống, nâng cao hiệu quả làm việc. Ông Lê Xuân Hùng, Phó Giám đốc kiêm Chủ tịch công đoàn công ty cho biết: “Ông bà ta vẫn nói: có an cư mới lạc nghiệp. Nhằm giúp công nhân ổn định cuộc sống, từ giữa năm 2004, chúng tôi mua lại khu nhà của Công ty Việt Quốc để sửa chữa, nâng cấp thành NLT”.

Ngay sau khi khu NLT được nâng cấp sửa chữa, công đoàn công ty đã thông báo rộng rãi đến toàn bộ công nhân. Chỉ trong vòng 1 tháng, tất cả công nhân của công ty đã dọn vào ở khu nhà mới khang trang.

Nhiều công nhân tâm sự: “Lúc trước, phải ở trong những khu nhà trọ tư nhân nhỏ bằng bao diêm, điện nước chập chờn, lại luôn lo lắng sợ chủ nhà đòi tăng giá, bây giờ chúng tôi thấy yên tâm hơn nhiều”. Theo Ban quản lý khu NLT, an ninh ở đây luôn được bảo đảm, từ khi đi vào hoạt động, chưa có vụ việc gì lớn xảy ra trong khu NLT.

Hiện nay, mức lương cho công nhân Công ty Giày Gia Định trung bình từ 1,3 triệu - 1,5 triệu đồng/tháng, khá cao so với công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp và chế xuất tại TPHCM. Với mức lương này và điều kiện ăn ở tốt, những công nhân nhập cư chắc chắn sẽ sớm nâng cao tay nghề và năng suất lao động.

Có dịp đến một số NLT ở Thủ Đức, Bình Chánh chúng tôi cũng ghi nhận điều kiện sống của công nhân khá tốt. Ông Phan Thế Dũng, Trưởng Ban quản lý khu NLT ở phường Linh Trung cho biết: “Chúng tôi xây NLT chủ yếu là để phục vụ công nhân có thu nhập thấp, tạo điều kiện tốt nhất về cả vật chất cũng như tinh thần cho công nhân”.

  • Tạo điều kiện sống tốt nhất cho công nhân

Khu NLT ở phường Linh Trung, quận Thủ Đức được xây dựng trên khuôn viên rộng 9.000m2 trong một khu vực khá yên tĩnh ngay phía sau KCX Linh Trung. Đây là khu NLT do Công ty Dịch vụ du lịch Thủ Đức và Công ty Cổ phần dịch vụ địa ốc Sài Gòn xây dựng và đưa vào sử dụng từ tháng 12-2002. Ngoài 5 dãy nhà A, B, C, D, E với 104 phòng, NLT này còn có một sân xi măng rộng và gần chục bàn bi-da để công nhân có thể chơi cầu lông, giải trí sau những giờ làm việc vất vả.

Ông Nguyễn Huy Cận, Chủ tịch LĐLĐ TPHCM:
Cần xây thêm nhiều NLT chất lượng tốt
Hiện nay có rất ít NLT với chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người lao động nhập cư tại TPHCM. Số lượng các NLT so với nhu cầu thực tế vẫn như “muối bỏ biển”. Về phía LĐLĐ TP, chúng tôi luôn mong muốn kết hợp cùng với các doanh nghiệp xây dựng NLT có chất lượng tốt, thích hợp với các đối tượng công nhân có thu nhập thấp. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đề xuất với TP sớm ban hành quy chế hoạt động của các nhà trọ tư nhân, đặc biệt là chính sách thuế phải phù hợp với quy mô của từng nhà trọ để người cho thuê lẫn người thuê đều được đảm bảo các quyền lợi.

Một căn phòng ở đây rộng 32 m2 cho 8 công nhân, gồm 1 phòng ở, 1 nhà bếp, 2 nhà tắm và 2 nhà vệ sinh tương đối tiện nghi. Ngoài 80.000 đồng/tháng tiền thuê nhà, mỗi công nhân trả thêm khoảng 10.000 đồng/tháng tiền nước và điện.

Theo nhiều công nhân hiện đang sống trong khu NLT, với mức lương trung bình từ 700.000 đến 900.000 đồng/tháng thì tiền thuê nhà như trên là có thể chấp nhận được. Dạo một vòng xung quanh khu NLT chúng tôi nhận thấy các phòng cho thuê tại đây khá sạch sẽ và tiện nghi.

Chị Phạm Thị Ngọc Sương, quê ở Bến Tre tâm sự: “Tại đây, mỗi người trong chúng tôi đều có góc riêng tư của mình để sinh hoạt sau những giờ làm việc mệt nhọc”.

Còn chị Phan Thị Thành, công nhân Công ty Nissei (KCX Linh Trung) cho biết thêm: “Không giống như ở những nhà trọ tư nhân khác, ở đây giá thuê không cao, lại rộng rãi thoáng mát và an ninh. Từ lúc vào ở trong đây chúng tôi không còn mang nỗi lo mất đồ mỗi khi đi làm. Còn nếu làm biếng nấu cơm, chỉ cần ra căn-tin vì giá cả cũng không mắc hơn bên ngoài”.

Nội quy tại khu NLT được niêm yết rất rõ ràng và được tất cả công nhân tại khu NLT chấp hành khá tốt. Ngoài việc chăm lo đời sống tinh thần cho công nhân nhập cư, vào những dịp lễ Tết, ban quản lý NLT phối hợp với LĐLĐ quận Thủ Đức còn tổ chức giao lưu văn nghệ, tặng quà tết cho các công nhân không có điều kiện về quê ăn Tết.

THẠCH THẢO
 

 Một số nhà lưu trú cho công nhân ở TPHCM
– Khu NLT đầu tiên cho công nhân ở TPHCM do Công ty Trường Thịnh (LĐLĐ TPHCM) xây dựng ở phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân. Có gần 400 công nhân đang sống tại đây.
– Khu NLT cho công nhân tại phường Phước Long B, quận 9 do Công ty Quản lý và Phát triển đô thị quận 9 xây dựng và quản lý.
– Khu NLT của công ty May Liên hiệp (quận Thủ Đức) đáp ứng chỗ ở cho hơn 100 công nhân.
– Công ty TNHH May thêu Ngọc Bích hiện đang xây dựng khu NLT cho người lao động nhập cư với 250 chỗ ở, dự kiến cuối năm sẽ đưa vào sử dụng.
– Công ty TNHH Hùng Vương (quận 10) vừa đưa vào sử dụng khu NLT cho 200 công nhân tại Khu công nghiệp Thạnh Phú (Đồng Nai).
– Công ty Phát triển Nam Sài Gòn hiện đang xây dựng khu NLT cho công nhân tại Khu chế xuất Tân Thuận bao gồm 9 lốc nhà với sức chứa 8.000 người.

Tin cùng chuyên mục