Phòng mạch tư

Lo từ nhiều phía

Lo từ nhiều phía

Chưa bao giờ vấn đề chất lượng khám chữa bệnh của các phòng mạch tư (PMT) lại nhiều bức xúc như hiện nay. Và mặc dù có những đóng góp hữu ích trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng, song các PMT vẫn còn quá nhiều bất cập về chất lượng chữa trị, nhất là trước lương tâm và trách nhiệm của những người khoác trên mình chiếc áo blue trắng. Trong ghi nhận dưới đây, nhóm PV báo SGGP đã thử tìm hiểu thực chất hoạt động của một số PMT tại TPHCM nhằm gióng lên tiếng chuông cảnh báo: Đã đến lúc phải có những biện pháp tổ chức, quản lý mang tính cách tân để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và bảo vệ sức khỏe người dân.

  • Giờ nào cũng là “giờ vàng”
Lo từ nhiều phía ảnh 1

Toa thuốc và 2 túi thuốc (đã bóc vỏ, không tên thuốc, không hạn dùng) mà phóng viên nhận được tại phòng khám BS B. đường Âu Dương Lân quận 8. Ảnh: T.Đ.

16 giờ ngày 9-5, trong vai người bệnh, chúng tôi tới PMT của bác sĩ (BS) B. và BS P. đều là BS của bệnh viện (BV) C. tại đường Âu Dương Lân, P3, Q8. Một người đàn ông trung niên mặc quần soóc, mình trần đứng tại quầy dược lên tiếng: “Tôi là BS B. đây, khám bệnh hả?”. Nói xong, ông hướng dẫn tôi vào phòng khám sau quầy thuốc. Khác hẳn sự bề thế của quầy thuốc bên ngoài, PMT của BS B. đơn sơ và bé tẹo, chừng 1,8m x 2m, đủ kê một chiếc giường hẹp, một cái bàn nhỏ và hai chiếc ghế. Phương tiện khám chỉ có ống nghe, dụng cụ đo huyết áp, ống chích và cặp nhiệt độ.

Chúng tôi trở lại PMT này hai lần nữa vào khoảng 14 giờ 30 ngày 10 và 11-5 và rất ngạc nhiên là cả hai lần đều gặp BS B. Tôi hỏi: “BS làm ca đêm hay sao mà chiều nào cũng có ở nhà?”. Sau một thoáng ngập ngừng, BS B. đáp: “Tuy không phải xuống ca, nhưng vẫn có thể ở nhà làm dịch vụ được”.

Cách đó không xa, PMT của BS N.H.P. (cũng công tác tại BV C.) ở đường Nguyễn Văn Luông và PMT của BS V.N.H. thuộc BV T. ở đường Hậu Giang, Q6 cũng mở cửa khám bệnh, bán thuốc từ lúc nào. Nếu không tính thời gian di chuyển từ BV về PMT thì các BS này đã bỏ BV từ trước 16 giờ. Trường hợp BS V.N.H., từ BV đóng ở quận 3 về PMT ở quận 6 gần 30 phút.

Điều đó có nghĩa: BS này đã bỏ “trận địa” trước một giờ! Thậm chí có những PMT còn tiếp bệnh nhân vào buổi sáng, chiều hay bất cứ lúc nào có khách như PMT của BS T. (ở đường Cao Thắng, Q3); PMT của BS C. (BV C.T.) ở cư xá Đô Thành. Trong số này, PMT của BS N. thuộc BV M. ở đường Võ Văn Tần, P6, Q3, nhận bệnh từ 8 đến 10 giờ sáng và từ 16 đến 20 giờ đêm. Như vậy BS N. chỉ có mặt tại BV mỗi ngày chừng 4/8 tiếng giờ hành chính.

  • Bán thuốc công khai với giá…”vàng”

Chúng tôi đến khám tại PMT của BS T.V.B. Sau khi tôi khai bị đau bụng, BS hỏi đúng 3 câu: Đau ở đâu? Đi cầu thế nào? Lâu chưa? Rồi đưa tay ấn vào bụng tôi 3 cái và đo huyết áp, đo nhiệt độ. Tất cả diễn ra chừng 2 - 3 phút. Cuối cùng BS B. kết luận tôi bị đau dạ dày lẫn tá tràng, phải uống và chích thuốc 1 tuần, chi phí trọn gói 600.000 đồng. Lấy cớ chưa chuẩn bị, tôi xin cắt thuốc theo từng ngày. BS B. đồng ý. Sau đó chích cho tôi một mũi rồi ra quầy thuốc “bốc” một nắm gồm 12 viên thuốc… xanh, đỏ, trắng không có bao bì và lấy giá 100.000 đồng. Tôi mang mẫu lần lượt đến 5 nhà thuốc hỏi, những người bán đều lắc đầu, không thể “đoán” đó là thuốc gì.

Trở lại lần sau, tôi mới được BS đưa kèm toa khi bán thuốc. Trong số thuốc hôm ấy có 3 viên Spasfon giá bên ngoài: 500 đồng/viên; 2 viên Lomac 20mg (1.800 đồng/viên); 3 viên Dogmantin 50mg (1.000 đồng/viên); 3 viên Mylanta II (2.000 đồng/viên); 1 lọ Buscopan (8.000 đồng/viên). Tổng cộng khoảng 22.000 đồng/ngày. Vậy là không kể công khám và chích, số tiền thuốc chênh lệch là 78.000 đồng cho một ngày uống thuốc.

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại nhiều PMT, các BS vừa khám vừa bán thuốc theo quy trình “khép kín”: khám xong thì bán thuốc luôn (thường không kê toa; xé bỏ bao bì, thậm chí... cà thành bột, không cho bệnh nhân biết đó là thuốc gì, nhằm tránh việc họ ra mua ngoài, và hơn nữa là nhờ đó mà “kê” giá “trên trời”). Dạng thứ hai là “liên minh 2 trong 1”: BS “bắt tay” với dược sĩ mở cửa hàng thuốc “phục” ngay trước PMT để bán thuốc và “cưa đôi” lợi nhuận… Với nhiều chiêu thức, giá thuốc ở các PMT này đều “đắt như vàng”.

Đó là những điều chúng tôi trực tiếp thấy trong “vai” bệnh nhân.

  • Lời kể của người trong cuộc

Có những “chiêu” mà người ngoài không thể biết, nếu không do chính người trong cuộc kể ra. BS M. - một nữ BS đã… dẹp PMT vì “ế khách” kể rằng, nhiều người có bệnh nhẹ nhưng lại cứ yêu cầu BS M. cho “vô nước biển”, “chích thuốc bổ”. Dù BS M. đã giải thích chỉ cần uống một ít thuốc theo chỉ định và ăn thêm rau quả, thịt bò, hột vịt lộn là… khỏe ngay, nhưng bệnh nhân không tin và tỏ ý… không hài lòng.

Trong khi đó, PMT của một đồng nghiệp rất thân của chị thì ngày nào cũng nườm nượp bệnh nhân. Người này cũng thường “chia sẻ” với chị nhiều bí quyết: Có những bệnh nhân chỉ cần sau 7 ngày mới tái khám, nhưng cứ bảo họ tái khám sau… 2 ngày, hoặc cứ “tranh thủ” chỉ định… truyền đạm hay bán các loại vitamin vô thưởng vô phạt. Điều này vừa làm tăng lưu lượng khách, BS vừa có thêm tiền công khám và tăng… doanh số bán thuốc.

  • Thanh tra cũng phải... giật mình

Đầu năm 2006, đoàn thanh tra liên ngành thanh kiểm tra các cơ sở hành nghề y dược tư nhân trên địa bàn TPHCM. Trong một lần, vào kiểm tra PMT của BS N.V.T (đường Cách Mạng Tháng Tám phường 13 quận 10), cả đoàn kiểm tra bất ngờ bởi cả 3 bác sĩ có liên quan đến phòng khám đều có sai phạm. Thứ nhất, BS N.V.T đứng tên phòng khám nhưng lại không có mặt khi đoàn kiểm tra đến. BS thứ hai N.V.Đ đang làm việc tại phòng khám nhưng… không có chứng chỉ hành nghề. BS thứ ba N.N.T cũng chỉ mới ra trường được hơn 1 năm (quy định đủ 5 năm làm việc tại BV). Cả ba BS bị Thanh tra Sở Y tế xử lý hành chính 6,65 triệu đồng.

Thêm một bất ngờ khác, Thanh tra Sở Y tế TPHCM tiếp nhận đơn phản ánh của một phụ huynh tại TPHCM, con chị đưa đến BS Đ.N.T (đường Nguyễn Thiện Thuật phường 2 quận 3) điều trị chàm ở chân - tay. Sau nhiều ngày điều trị, chẳng những bệnh không hết mà trên cơ thể đứa trẻ bắt đầu xuất hiện thêm… nhiều lông? Da cũng bắt đầu nứt, bong tróc. Sau khi kiểm tra truy cứu, Sở Y tế phát hiện ông Đ.N.T là BS khoa chấn thương chỉnh hình của một BV công. BS này chữa bệnh sai chuyên khoa, đã sử dụng thuốc có nhiều corticoid nên mới xảy ra biến chứng cho bệnh nhân.

  • Ngoài tầm kiểm soát

Dù pháp lệnh Hành nghề y tế tư nhân quy định rõ BS PMT không được phép vừa kê toa vừa bán thuốc, nhưng hầu hết BS ở các PMT đều có bán thuốc, và tiền lời cũng như hoa hồng từ các công ty dược mới là thu nhập chính của các PMT. Thế nhưng, đến nay, nhiều sai phạm của các PMT vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của ngành y tế.

Riêng đối với ngành thuế, dù dễ dàng thu thuế thu nhập của những công nhân bốc vác ở các bến cảng, nhưng còn lâu họ mới đụng được “hầu bao” của BS ở các PMT. Theo những người am hiểu trong ngành y tế, thu nhập của mỗi BS ở PMT có nhiều “thang bậc”. Tùy tên tuổi BS, quy mô PMT và “chiêu thức”, con số này từ trên 10 triệu đến cả trăm triệu đồng mỗi tháng.

NHÓM PV KHOA GIÁO

Chánh Thanh tra Sở Y tế - Bác sĩ Nguyễn Đức An cho biết, nếu nhìn trên diện rộng thì các phòng mạch tư hiện đáp ứng được phần nào công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân tại cộng đồng. Nhiều BS làm việc lâu năm sẽ có những “thân chủ” ổn định, người bệnh được theo dõi sức khỏe liên tục trong thời gian dài, lựa chọn thuốc phù hợp. Một yếu tố quan trọng là trong khi lương của nhà nước chưa đáp ứng được nhu cầu cơ bản nhất thì có phòng mạch tư cũng góp phần đáng kể trong việc nâng cao đời sống y BS. Tuy nhiên, vẫn còn không ít BS “ôm” bệnh để chữa, khám không đúng chuyên khoa và cắt vụn thuốc ra để bán cho bệnh nhân.

Đến nay cả nước có 30.000 phòng mạch tư (PMT) và 50 BV tư nhân. Riêng TPHCM có trên 4.000 PMT.

Kết quả thanh tra hành nghề y dược tư nhân toàn quốc của Bộ Y tế năm 2005 có 420 đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh chất lượng điều trị kém, gây tai biến phẫu thuật, sốc thuốc, thậm chí gây chết người, tại các PMT.

Tại TPHCM, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2006, Sở Y tế đã ra quyết định xử phạt hành chánh trên 100 PMT với số tiền trên 251 triệu đồng. Tuy vậy, BS Nguyễn Đức An, Chánh Thanh tra Sở Y tế TPHCM cho rằng “việc thanh - kiểm tra chưa đi vào thực chất”, số PMT vi phạm trên thực tế còn lớn hơn.

Tin cùng chuyên mục