Không tạo được tên tuổi vì hạn chế về năng khiếu, giọng hát nên không ít ca sĩ trẻ vội vàng kiếm tìm mô hình, phong cách của giới nghệ sĩ châu Âu, châu Á để sao y. Nhưng đáng lo ngại hơn cả là sự xuất hiện ngày càng nhiều các ca khúc “ăn xổi ở thì” nhảm nhí, thiếu tính nghệ thuật, thiếu thẩm mỹ… lưu hành rộng rãi trên thị trường âm nhạc, gây lệch lạc thị hiếu thẩm mỹ của giới trẻ. Đặc biệt, dư luận đang xôn xao việc một số ca sĩ chấp nhận đánh bóng tên tuổi mình bằng việc hát và diễn những ca khúc gây sốc dư luận. Các ca khúc đang được một số kênh thông tin âm nhạc qua Internet ví là những sản phẩm… khủng khiếp nhất của năm qua, đó là: Da nâu, Vọng cổ teen, Đừng yêu em…
Giới trẻ thường thích loại nhạc dễ nghe dễ nhớ, dễ thuộc. Thị hiếu đó nhanh chóng được đáp ứng bằng nhiều ca khúc có nội dung nhảm nhí, trong đó có ca khúc mang tên Vọng cổ Geisha. Khán giả từng nghe bài hát này đều có chung nhận xét: “Âm nhạc vui nhộn, nhưng nội dung ca khúc thì… quá nhảm nhí”. Lời phần 2 ca khúc viết rằng: “Anh mang chiếc phone gì nè. Đôi giày mà anh thường mang không biết nó tên gì. Ôi làn da của anh ta nó đen sì à. Mặt funny… Người ta còn thương đó. Còn biết nấu món mì udon. Làm anh thấy vui suốt ngày. Ngốc ơi, ngốc ơi…”.
Còn ca khúc Da nâu với chỉ mấy câu được ca sĩ P.T.V hát lặp đi lặp lại trong một chương trình có tên tuổi trên truyền hình: “Em sống trong khát khao. Em sống trong ước ao. Mang đến những ước ao. Mang đến những khát khao. Làn da nâu, làn da nâu, làn da nâu...”. Người mẫu, diễn viên, ca sĩ P.T.V từng phân trần với thái độ tự tin rằng: “Ca khúc Da nâu có mấy câu là hoàn toàn bình thường với người nước ngoài và với cả những người có suy nghĩ… nước ngoài. Nó chỉ không bình thường với người Việt Nam…”. Và để tiếp nối, kéo dài sự “nổi tiếng” của ca khúc này, Da nâu 2 đã ra đời…
Các ca khúc “lạ” và nhảm nhí đó đã tung hoành ngang dọc trên thị trường, trong một số chương trình ca nhạc biểu diễn phục vụ đông đảo công chúng như thế, nghĩa là ca khúc đã được cấp phép. Vậy vấn đề đặt ra là đơn vị cấp phép đã nghe và thẩm định những ca khúc này như thế nào? Nếu không, sao những ca khúc vô bổ, thiếu chất lượng ấy… lại được phát hành rộng rãi trên thị trường, được biểu diễn trong các chương trình ca nhạc? Dư luận rất bức xúc, các bậc phụ huynh lắc đầu ngao ngán… bởi thị hiếu thẩm mỹ, tư duy nghệ thuật của chính những người sáng tác, người biểu diễn, người xét duyệt cho tác phẩm tung ra thị trường để phục vụ công chúng đang dần đi vào ngõ hẹp… Điều này khiến rất nhiều người quan tâm đến sự phát triển của âm nhạc Việt Nam đang lo lắng, trăn trở.
Bảo Lâm