Từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng thế giới như đang ngồi trên đống lửa sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo điện thoại di động (ĐTDĐ) gây ung thư. Nhóm 31 chuyên gia từ 14 quốc gia trên thế giới đã xếp điện thoại di động vào danh sách các tác nhân có thể gây ung thư như thuốc trừ sâu và khói thải từ các phương tiện giao thông.
Các nhà sản xuất ĐTDĐ cho rằng, nghiên cứu của WHO “không mang tính kết luận” và họ sẽ tiếp tục công việc kinh doanh của mình. Trong khi đó, người tiêu dùng ít nhiều đã có dấu hiệu hoang mang. Không ít người hạn chế việc kè kè điện thoại bên người, thậm chí có người còn tuyên bố ngưng hẳn.
Thực tế, người sử dụng điện thoại thật sự đang sống trong một mớ bòng bong các thông tin. Chỉ năm ngoái, một nghiên cứu quy mô về điện thoại di động và sức khỏe con người với sự tham gia của 13 quốc gia trên thế giới đã kết luận: Không tìm thấy bất cứ một chứng cứ rõ ràng nào cho thấy sự liên quan giữa điện thoại với ung thư não. Các dữ liệu phân tích từ Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy, Thụy Điển, Anh… đều khẳng định, không có mối quan hệ nào giữa u xơ thần kinh với việc sử dụng ĐTDĐ trong thời gian dài. Các nhà nghiên cứu tại Đan Mạch và Phần Lan còn tiến hành thêm các nghiên cứu về u màng não (meningioma) và khối u thần kinh đệm (glioma-ung thư não) rồi đều kết luận: Không có mối liên hệ nào với ĐTDĐ. Tất cả đều là những nghiên cứu quy mô lớn hết sức nghiêm túc.
Về bệnh ung thư não, theo một số chuyên gia y tế, đây là căn bệnh hiếm gặp và hiện chưa có bằng chứng cho thấy có xu hướng gia tăng của căn bệnh này. Tại bán đảo Scandinavia, một trong những khu vực sử dụng công nghệ không dây nhiều nhất trên thế giới, từ giữa những năm 1970 đến nay tỷ lệ người mắc bệnh ung thư não rất thấp. Từ 1974 đến 2003, tỷ lệ mắc bệnh glioma là 0,5%/năm đối với nam giới và 0,2%/năm đối với phụ nữ. Theo Isabelle Deltour thuộc Hội nghiên cứu ung thư Đan Mạch, trong 30 năm qua chỉ có gần 60.000 người/25 triệu người tại khu vực Scandinavia bị chẩn đoán u não.
Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể trả lời câu hỏi: Làm thế nào bức xạ di động có thể gây ung thư? Một số loại bức xạ mạnh như tia X gây ra ung thư khi phá vỡ một phần chuỗi ADN. Trong khi đó, loại bước sóng ngắn của ĐTDĐ không đủ năng lượng để làm việc này. Cũng cần phải thấy rõ hơn một số thông tin đáng lưu ý trong tuyên bố của WHO. Theo tờ Los Angeles Times, các nhà khoa học của WHO xếp ĐTDĐ vào “nhóm chất gây ung thư 2B”. Với nhóm chất này thì việc gây ung thư là chuyện “có thể” hoặc “không có thể”. Điều này có nghĩa nghiên cứu của WHO không mang tính kết luận, tính khẳng định về mối quan hệ giữa ĐTDĐ và ung thư. Cà phê cũng được xếp vào nhóm này nhưng người mê cà phê chẳng một ai quan tâm và ngừng sử dụng loại đồ uống đặc biệt này.
Báo cáo của WHO có thể là một hồi chuông báo động về mức độ nguy hiểm của ĐTDĐ. Tuy nhiên, trong xã hội thông tin hiện nay, những thông tin mang tính nhạy cảm như sức khỏe trong trường hợp này cần phải rõ ràng hơn để người dân không phải lo lắng, tránh những hoảng loạn không đáng có thể gây bất ổn xã hội.
Đỗ Văn