Lỗi từ gốc rễ

Trước việc các buổi lễ trao giải Oscar ngày càng nhạt nhòa, tờ New York Times đã “mổ xẻ” các nguyên nhân và đưa ra nhiều gợi ý giúp các nhà tổ chức giải thưởng điện ảnh đình đám này thu hút lại sự chú ý của công chúng.
Lỗi từ gốc rễ

Trước việc các buổi lễ trao giải Oscar ngày càng nhạt nhòa, tờ New York Times đã “mổ xẻ” các nguyên nhân và đưa ra nhiều gợi ý giúp các nhà tổ chức giải thưởng điện ảnh đình đám này thu hút lại sự chú ý của công chúng.

Kéo dài 3 tiếng rưỡi, lễ trao giải Oscar ngày nay dài gấp đôi lần đầu tiên tổ chức năm 1953. Với hơn 20 hạng mục khác nhau, có đến 25% số giải thưởng không hề được công chúng đoái hoài. Khoảng 10 triệu người theo dõi truyền hình trực tiếp chỉ để mong chờ các hạng mục chính được công bố. Năm ngoái, lượng người xem Oscar đã giảm 18% so với năm trước đó.

Năm nay, đội ngũ sản xuất mới quyết định cắt bớt những lời cảm ơn dài lê thê khi giảm thời gian phát biểu của người đoạt giải xuống còn 45 giây. Theo đó, bảng danh sách những người cần cảm ơn sẽ được Ban tổ chức lễ trao giải Oscar cho hiện lên màn hình, thay vì để người chiến thắng đọc một lượt như trước. Với thay đổi này, Oscar đã quyết định ngả theo nhu cầu của công chúng; cảnh Angelina Jolie và Brad Pitt tình cảm trên hàng ghế khán giả thì đáng quan tâm hơn lời cảm ơn của người thắng giải Biên tập âm thanh.

Theo các chuyên gia, Oscar ngày nay thiếu những bất ngờ khiến khán giả phải xuýt xoa vì ngạc nhiên. Các chuyên gia thời trang làm việc cật lực để các sao xuất hiện lộng lẫy trên thảm đỏ, nhưng họ lại thiếu mạo hiểm. Đến nay, người ta vẫn nhắc đến bộ váy da của nữ ca sĩ Cher năm 1986 và bộ váy thiên nga của nữ ca sĩ Bjork năm 2001 như những bất ngờ thú vị khó lặp lại. Mặc dù vậy, thảm đỏ vẫn là nơi hấp dẫn, Cynthia Swartz, một chuyên gia truyền thông các giải thưởng, nhận định đôi khi phần thảm đỏ còn hấp dẫn hơn lễ trao giải.

Nhiều người xem cũng mong Oscar sẽ tương tác với khán giả nhiều hơn, cả khán giả bên ngoài Nhà hát Dolby lẫn khán giả truyền hình. Các chuyên gia đề xuất về một người dẫn chương trình ở ngoài nhà hát và phỏng vấn khán giả về cảm tưởng của họ. Bài báo của tờ New York Times cũng nhắc đến sự kiện đặt pizza đưa thẳng vào khán phòng để mời các ngôi sao của MC Ellen DeGeneres năm 2014 như một điểm nhấn cho sự bình dị và thoải mái ít thấy ở lễ trao giải Oscar. Có ý kiến cho rằng Oscar nên bớt trang trọng mà nên học hỏi cung cách bình dân của Quả cầu vàng khi mời các ngôi sao thưởng thức rượu và bữa tối.

Tuy nhiên, một trong những điều lẽ ra phải thay đổi thì lại giữ nguyên đó là việc phân biệt màu da trong các đề cử giải Oscar. Đạo diễn nổi tiếng Spike Lee và nữ diễn viên Jada Pinket Smith tuyên bố tẩy chay lễ trao giải Oscar do Viện Hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh Hoa Kỳ (AMPAS) không đề cử nhiều gương mặt da màu xứng đáng. Theo Reuters, đạo diễn Spike Lee lớn tiếng chỉ trích: “Tại sao trong hai năm liên tiếp toàn bộ 20 đề cử giải diễn xuất đều là người da trắng?”. Nữ diễn viên Pinket Smith cũng bức xúc: “Đây là lúc chúng ta (người da màu) nên rút nguồn lực của mình và đưa những nguồn lực đó vào cộng đồng của mình”. Cô là vợ của nam diễn viên lừng danh Will Smith, người không được đề cử Oscar dù diễn xuất sắc trong phim Concussion. Chủ tịch AMPAS Cheryl Boone cho biết bà “rất buồn bã và thất vọng” và hứa sẽ có những “thay đổi lớn” một cách chung chung. Nhà phê bình điện ảnh Thelma Adams nhận xét: “Chừng nào chúng ta có nhiều người da màu được đề cử hơn thì mới thay đổi được, bằng ngược lại thì giải Oscar vẫn sẽ tiếp tục dành cho người da trắng. Gốc rễ là ở đó chứ lỗi không phải ở giải Oscar”.

VIỆT LÊ

Tin cùng chuyên mục