Lồng ghép kết quả thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 trong nhận xét, đánh giá cán bộ

Lồng ghép kết quả thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 trong nhận xét, đánh giá cán bộ

Phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM về nhiệm vụ trọng tâm trên, gắn với giải pháp đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên để từng cá nhân thể hiện rõ hơn trách nhiệm của mình và đóng góp tích cực vào nhiệm vụ chung.

Đồng chí có thể chia sẻ đôi nét về nỗ lực của Đảng bộ TPHCM từ đầu năm đến nay đã mang lại kết quả cụ thể gì, nhất là góp phần xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố?

Ngay từ đầu năm, thành phố đã tập trung, khẩn trương tổ chức triển khai, quán triệt một cách nghiêm túc các nội dung, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố năm 2023 theo Kết luận 496-KL/TU gắn với chủ đề “Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư; thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội” và Nghị quyết 15-NQ/TU về công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và công tác dân vận năm 2023.

Đặc biệt, thành phố đã tích cực, chủ động, phối hợp các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất Trung ương các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của thành phố.

Kết quả của quá trình chủ động vươn lên, bền bỉ tìm kiếm các đột phá của thành phố được ghi nhận tại các nghị quyết như Nghị quyết 24-NQ/TW, Nghị quyết 29-NQ/TW, Nghị quyết 31-NQ/TW và Nghị quyết 98/2023/QH15.

Đến nay, các nghị quyết trên đã được thành phố cụ thể hóa bằng các chỉ thị, nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch, quyết định… nhằm cụ thể hóa thành những công việc, cách làm, giải pháp cụ thể, chặt chẽ, bảo đảm theo tiến độ thời gian, lộ trình đề ra.

Đó là Chương trình hành động 34-CTrHĐ/TU thực hiện Nghị quyết 24, Chương trình hành động 35-CTrHĐ/TU thực hiện Nghị quyết 29, Chương trình hành động 36-CTrHĐ/TU thực hiện Nghị quyết 31. Nghị quyết 98 của Quốc hội cũng đã được Thành ủy cụ thể hóa bằng Chỉ thị 27-CT/TU, HĐND TPHCM ban hành Nghị quyết 18/NQ-HĐND, UBND TPHCM ban hành Quyết định 2856/QĐ-UBND và Kế hoạch 3600/KH-UBND... để cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện.

Qua đó đã tạo ra những kết quả nổi bật trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị của thành phố như thế nào, thưa đồng chí?

Đến nay, qua triển khai thực hiện, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của Đảng bộ TPHCM đã đạt nhiều kết quả tích cực. Nổi bật là hoàn thành việc đánh giá sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ Thành phố và Nghị quyết Đại hội Đảng cấp cơ sở.

Cùng với đó là tập trung tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, nhất là tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đối với các công trình, dự án trọng điểm; tập trung, quyết liệt, thực hiện các giải pháp kéo giảm, tiến tới giải quyết dứt điểm những vụ việc tồn đọng, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân.

Thành phố thực hiện nghiêm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đảm bảo thực hiện 4 mục tiêu “không thể, không dám, không muốn, không cần” tham nhũng. Công tác kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo cũng đã kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm từ sớm, từ xa.

Ngoài ra, tình hình tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân ổn định; công tác nắm bắt dư luận xã hội được duy trì. Công tác đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch đã có sự tập trung; đặc biệt là việc định hướng các cơ quan báo chí thành phố về phương hướng, nhiệm vụ công tác phối hợp truyền thông.

Thành phố cũng tiếp tục thực hiện tinh giản biên chế, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động bộ máy và triển khai hiệu quả các giải pháp củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Cùng với đó là tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, phân công nhiệm vụ cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với vị trí việc làm, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả…

Bối cảnh mới đặt ra nhiều thách thức lớn, nhất là thực hiện hiệu quả Nghị quyết 24, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 98 của Quốc hội. Vậy, Đảng bộ TPHCM tập trung triển khai những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm gì để xứng đáng với vai trò, nhiệm vụ mà Trung ương giao phó?

Như đã nêu, ngay khi có Nghị quyết 24, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 98 của Quốc hội, thành phố đã ban hành nhiều văn bản tổ chức triển khai thực hiện. Trong đó, tại kỳ họp lần thứ 10, HĐND TPHCM đã thông qua Nghị quyết 18 về triển khai thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội.

Đây là một trong những cơ sở mà Đảng bộ Thành phố đề ra nhiều giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm xứng đáng với vai trò, trách nhiệm mà Trung ương đã tin tưởng, giao cho thành phố.

Cụ thể, thành phố tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thực hiện các nội dung chỉ tiêu, chương trình trọng điểm, trong đó quan tâm thực hiện đảm bảo lộ trình hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu. Cùng với đó là đề ra phương hướng, giải pháp thực hiện một cách chủ động, không chậm trễ, không chờ đợi để thực hiện thắng lợi chỉ tiêu năm 2023, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ Thành phố.

Thành phố cũng triển khai quyết liệt, hiệu quả, chặt chẽ, nghiêm túc, nhằm cụ thể hóa nội dung Nghị quyết 98 của Quốc hội và Chỉ thị 27 của Ban Thường vụ Thành ủy về lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 98 gắn với tình hình cụ thể từng địa phương và đi vào thực tiễn cuộc sống người dân. Đồng thời gắn với chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung (theo Kết luận 14 của Bộ Chính trị) và 4 chương trình trọng điểm, đột phá phát triển thành phố.

Nghị quyết 98 của Quốc hội có nhiều cơ chế, chính sách nhưng để đưa nghị quyết vào cuộc sống hiệu quả thì đòi hỏi sự nhập cuộc trách nhiệm của cán bộ, công chức, đảng viên. Vậy, trong đánh giá, xếp loại chất lượng từ năm 2023 tại thành phố có điểm mới nào để mỗi cán bộ, đảng viên thể hiện trách nhiệm, phát huy năng lực, đóng góp vào thành quả chung trong thực hiện nghị quyết?

Nghị quyết 98 có nhiều cơ chế, chính sách mới sẽ tạo ra sự thay đổi về phương thức, hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức, viên chức, gắn với thay đổi về cơ chế đánh giá cán bộ.

Để khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, thành phố đang xây dựng đề án thí điểm một số chính sách để triển khai thiết thực, hiệu quả và tạo động lực cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc.

Song song đó, mỗi cán bộ, công chức, viên chức cũng phải thể hiện tinh thần trách nhiệm, phát huy năng lực, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Do đó, trong công tác đánh giá xếp loại chất lượng hằng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kiểm điểm các nội dung cụ thể. Việc này nhằm góp phần làm cho công tác kiểm điểm tự phê bình và phê bình, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm ngày càng đi vào thực chất.

Trung ương vừa ban hành Quy định 124 về kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị với nhiều điểm mới, như yêu cầu tăng tính định lượng thông qua sản phẩm cụ thể trong đánh giá hay đánh giá đa chiều. Điều này sẽ được thành phố thực hiện như thế nào trong thời gian tới, thưa đồng chí?

Ngày 4-10, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy định 124-QĐ/TW về kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị, với nhiều điểm mới. Đó là bổ sung quan điểm, nguyên tắc trong đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên; bổ sung căn cứ kiểm điểm, đánh giá, xếp loại; điều chỉnh, bổ sung đối tượng kiểm điểm; bổ sung nội dung kiểm điểm; kiểm điểm rõ nhiều nội dung với người đứng đầu; điểm mới về nơi kiểm điểm đảng viên…

Thành phố sẽ lồng ghép những điểm mới này liên thông với việc thực hiện Nghị quyết 24, Nghị quyết 31, Kết luận 14 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 98 của Quốc hội để triển khai thực hiện chung trong Đảng bộ Thành phố trong việc đánh giá, kiểm điểm, tự phê bình và phê bình trong năm 2023.

Điểm mới của Quy định 124 cũng yêu cầu trong kiểm điểm lãnh đạo, quản lý cần chú trọng kiểm điểm tinh thần trách nhiệm trong công việc; tinh thần năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; xử lý những vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm trong thực hiện nhiệm vụ. Theo đồng chí, với điểm mới này, thành phố có thuận lợi như thế nào trong đánh giá cán bộ?

Những năm qua, công tác đánh giá cán bộ khi bố trí, đề bạt, bổ nhiệm và kiểm điểm, phân tích chất lượng hằng năm được thực hiện đúng theo hướng dẫn và quy trình, quy định của Trung ương.

Trước khi Bộ Chính trị ban hành Kết luận 14 và Quy định 124, thành phố đã triển khai việc cán bộ, công chức khi được đề bạt, bổ nhiệm phải xây dựng và trình bày Chương trình hành động của cá nhân mình. Đây được xem là một cam kết chính trị của người được đề bạt, bổ nhiệm và cũng là cơ sở xem xét, đánh giá cán bộ đó trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Đến nay, bên cạnh việc quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị, Thành ủy TPHCM đã yêu cầu các cơ quan có liên quan tham mưu công tác đánh giá cán bộ phải lượng hóa được tất cả các tiêu chuẩn đánh giá cán bộ hằng năm, để đánh giá cán bộ thực chất, toàn diện. Trong đó, có quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu trong việc động viên, khơi nguồn sức sáng tạo tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình.

Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm chính về việc lãnh đạo, quản lý, điều hành của mình đối với tất cả các hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị mà cá nhân mình phụ trách. Khi đánh giá cán bộ, công chức thuộc thẩm quyền quản lý chính là đánh giá năng lực điều hành, quản lý của bản thân người đứng đầu. Việc đánh giá công tâm, khách quan như thế nào phản ánh năng lực điều hành, lãnh đạo của người đứng đầu ở mức độ đó.

Thực tế, việc nêu gương của người đứng đầu đồng nghĩa với việc bản thân người đứng đầu phải tự rèn luyện, phấn đấu và thi đua với những người cùng cấp ở các cơ quan, đơn vị khác; thậm chí là cấp trên để thực thi chức trách của mình một cách tốt nhất, hiệu quả nhất.

Trước việc Trung ương vừa ban hành Quy định 124, thành phố sẽ căn cứ vào đó để xây dựng những tiêu chí cụ thể, rõ ràng để đảm bảo được những yêu cầu mà công tác đánh giá cán bộ đặt ra. Đó là công khai, minh bạch, tránh cào bằng và tránh tình trạng nể nang.

Tin cùng chuyên mục