Lũ nguy hiểm, diễn biến phức tạp

Quảng Trị: Lật đò, 2 người chết
Lũ nguy hiểm, diễn biến phức tạp
  • Ít nhất 10 người chết và mất tích do lũ cuốn trôi

Tại cuộc họp bàn giải pháp ứng phó với tình trạng lũ hiện nay, diễn ra ngày 17-10, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương nhận định: Tình hình lũ rất nguy hiểm và diễn biến phức tạp, vì vậy người dân tại các địa phương cần tập trung đối phó, không được chủ quan gây ra những thiệt hại về người và của không đáng có.

Quảng Trị: Lật đò, 2 người chết

Tin từ UBND xã Hải Dương (Hải Lăng), cho biết lúc 11 giờ ngày 17-10 đã xảy ra một vụ lật đò tại tỉnh lộ 68, đoạn thuộc địa phận thôn An Nhơn, xã Hải Dương làm 2 người chết đuối. Bà Nguyễn Thị Lan ở thôn Đông Dương (Hải Dương) chở 2 người con đi chợ Điền Hương (xã Điền Hương, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế), khi về lại Hải Dương thì tỉnh lộ 68 bị ngập sâu. Con rể bà Lan ở Điền Hương dùng đò nhôm chở 5 người gồm bà Lan, 2 con của bà Lan và một người hàng xóm, nhưng do nước lũ chảy xiết, đến địa phận trên thì lật đò. Anh Lê Quang Tiệp và con gái của bà Lan là Trần Thị Luyến không may bị chết đuối.

Thừa Thiên-Huế: 860 tấn lúa giống bị ướt

Lũ nguy hiểm, diễn biến phức tạp ảnh 1

Đoạn Đập Đá (thành phố Huế) chìm trong nước lũ (ảnh chụp ngày 16-10). Ảnh: TTXVN

Tính đến 13 giờ ngày 17-10, nhiều vùng dân cư trên địa bàn tỉnh đang trong tình trạng ngập sâu từ 0,5 đến 1,5m. Nhiều tuyến đường vẫn ngập sâu, gây trở ngại trong giao thông đi lại.  Ông Hồ Đăng Vang, Phó chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, toàn tỉnh có 860 tấn lúa giống bị ướt; 528 ha sắn, 931 ha rau màu các loại và khoai lang bị ngập. Đặc biệt, khoảng 150 ha nuôi trồng thủy sản  bị ngập và thiệt hại lớn và hơn 30 tấn cá bị trôi.

Quảng Nam: 5 người chết và mất tích do bị lũ cuốn 

Tính đến 16 giờ chiều ngày 16-10, Quảng Nam đã có chết 5 người chết do lũ quét cuốn trôi, đều ở các huyện vùng cao trên địa bàn tỉnh. Các nạn nhân gồm: Nguyễn Văn Hay, giáo viên Trường Tiểu học Kim Đồng, huyện Hiệp Đức; Nguyễn Quang Tuấn, giáo viên Trường THCS bán trú cụm xã Lý Tự Trọng, huyện Tây Giang; bà Võ Thị Lê, ở thôn 10, xã Trà Đông, huyện Bắc Trà My và 2 công nhân công trình thủy điện ZaHung, huyện Đông Giang. Hiện mới tìm được thi thể của thầy Nguyễn Văn Hay.

Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu xuất 500 tấn gạo hỗ trợ bà con vùng lũ tỉnh này.

Đà Nẵng: 14.000 học sinh Hòa Vang tiếp tục nghỉ học

Trong ngày 17-10, mặc dù lượng mưa đã giảm mạnh nhưng do mực nước ở các sông vẫn trên mức BĐ2 nên các  xã Hòa Phong, Hòa Ninh, Hòa Bắc… huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng vẫn bị ngập chìm trong lũ. Hơn 14.000 học sinh các cấp thuộc 2 địa phương này vẫn phải tiếp tục nghỉ học.

Quảng Ngãi: Mưa lũ làm 3 người chết, sập và hư hỏng 53 ngôi nhà

Lũ nguy hiểm, diễn biến phức tạp ảnh 2

Người dân vùng lũ Thanh Hóa nhặt lại những gì đã bị lũ nhấn chìm. Ảnh: MINH PHONG

Sáng 17-10, một cơn lốc mạnh đi qua địa bàn hai xã Nghĩa Thương và Nghĩa Phương, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) đã làm hư hỏng 53 nhà, cơ sở sản xuất của dân.

Chiều 17-10, địa bàn tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục có mưa to đến rất to, mực nước các sông Trà Bồng, Trà Khúc, sông Vệ  đều trên mức BĐ3, đã có 3 người chết là ông Nguyễn Xuân Quang (phường Quảng Phú, TP Quảng Ngãi), Phạm ngọc Viễn, 3 tuổi (xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành) và chị Phạm Thị Hạ, 23 tuổi (xã Ba Trang, huyện Ba Tơ) bị nước lũ cuốn trôi.   

Quảng Bình: Cứu 19 người thoát chết do chìm đò

Ngày 17-10-2007, UBND xã An Thủy, Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình cho biết, có 6 thuyền làm nghề chài lưới với 17 người dân của xã An Thủy thả lưới ở phá Hạc Hải bị lũ và sóng lớn đánh chìm. Rất may lực lượng cứu hộ huyện Lệ Thủy đã có mặt kịp thời và cứu hộ thành công 17 người dân bị sóng lũ đánh chìm thuyền. Sau đó, lực lượng cứu hộ huyện Lệ Thủy cũng nhận tin thuyền của ông Lê Đinh bị chìm, sóng đánh trôi cả hai vợ chồng ra phía đồng An Sơn, huyện Lệ Thủy, may mắn là hai vợ chồng đã bám vào một bụi tre giữa đồng. Lực lượng cứu hộ của huyện tiến hành lùng tìm giữa biển nước mênh mông, sau gần một ngày đã cứu được 2 vợ chồng thoát chết.

Cán bộ y tế bám sát dân sơ tán lũ lụt

Ngày 17-10, Bộ Y tế đã có công điện khẩn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi và các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khu vực Trung bộ khẩn trương triển khai các phương án phòng chống mưa lũ. Trong đó, Bộ Y tế yêu cầu phân công cán bộ y tế bám sát phục vụ và hướng dẫn công tác vệ sinh môi trường và phòng chống dịch bệnh cho nhân dân khi có lệnh sơ tán. Các cơ sở điều trị tổ chức trực cấp cứu 24/24 giờ, sẵn sàng thu dung và cấp cứu miễn phí cho nạn nhân do mưa lũ gây ra.

Cùng này, Bộ Y tế cũng đã yêu cầu Công ty Dược Trung ương III chuyển ngay cho Sở Y tế các tỉnh  Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và Đà Nẵng mỗi đơn vị 100 áo phao cứu sinh. Riêng Sở Y tế tỉnh Sơn La là 30 cơ số thuốc và 100 áo phao cứu sinh.

Nhóm PV

Công điện khẩn

Hồi 18 giờ 30 phút ngày 17-10, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương - Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã có Công điện khẩn số 94 gửi Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc và các cơ quan truyền thông. Hiện tại lũ các sông ở Quảng Ngãi, Bình Định đang lên nhanh, dự báo lũ các sông từ Quảng Ngãi đến Phú Yên và khu vực Bắc Tây Nguyên tiếp tục lên. Đêm nay và sáng sớm 18-10, mực nước sông Trà Khúc tại Trà Khúc lên mức 7m (trên BĐ3 1,3m); sông Vệ tại trạm sông Vệ lên mức 5,6m (trên BĐ3 1,5m); các sông ở Bình Định, Phú Yên và khu vực bắc Tây Nguyên lên mức BĐ2-BĐ3.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan làm việc với
tỉnh Ninh Bình về khắc phục hậu quả lũ  lụt

Chiều 17-10, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND cùng nhiều sở, ban ngành tỉnh Ninh Bình về công tác khắc phục hậu quả lũ lụt.
Phó Chủ tịch nước đề nghị tỉnh cần đặc biệt quan tâm, sớm khắc phục khó khăn về trường lớp học, sách vở, đồ dùng học tập, bố trí thời gian học thêm của học sinh một cách hợp lý, đảm bảo chương trình, không để học sinh vùng lũ thiệt thòi, nhất là ở các lớp cuối cấp sắp đến kỳ thi tốt nghiệp.

Tin cùng chuyên mục