Ba năm trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin là nguyên thủ quốc gia đầu tiên gọi điện thoại cho Tổng thống Recep Tayyip Erdogan bày tỏ mong muốn tình hình “nhanh chóng ổn định trở lại”. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã không quên điều đó. Ông cũng không quên sự “bỏ rơi” của các đối tác phương Tây cùng những lời chỉ trích của họ đối với những hành động trừng phạt những kẻ liên quan tới đảo chính. Và, cũng kể từ mùa hè năm đó, mối quan hệ giữa Moscow và Ankara ấm dần lên.
S-400 là biểu tượng của liên minh Nga - Thổ Nhĩ Kỳ rất mới này. Cách đây 3 ngày, Nga đã bắt đầu chuyển lô thiết bị đầu tiên của các hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Moscow và Ankara đã ký thỏa thuận cho vay để cung cấp các hệ thống tên lửa S-400 hồi tháng 12-2017.
Tất nhiên, cái giá phải trả sẽ không nhỏ.
Thương vụ S-400 là một vấn đề gây tranh cãi lớn giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ - hai đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Washington đã nhiều lần cảnh báo việc Ankara tích hợp công nghệ tên lửa của Nga cùng các máy bay chiến đấu của Mỹ sẽ gây ra mối đe dọa cho F-35, máy bay chiến đấu tàng hình đa năng thế hệ mới và “nguy hiểm” cho nền quốc phòng phương Tây, đồng thời cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ có thể đối mặt với các biện pháp trừng phạt liên quan tới vấn đề này. Chính quyền ông Trump cho thời hạn đến ngày 31-7 để Ankara từ bỏ thương vụ mua lại này, nếu không sẽ trừng phạt kinh tế có thể gây tổn thất nặng nề cho nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ vốn đã suy yếu. Washington cũng đe dọa sẽ rút Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình xây dựng F-35, loại các phi công của nước này ra khỏi khóa đào tạo và trục xuất ra khỏi Mỹ.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn thể hiện quyết tâm theo đuổi hợp đồng với Nga, tạo ra một thách thức chưa từng có đối với NATO và Mỹ. Lúc này, nếu ông Donald Trump lên tiếng, các thành viên khác của liên minh có lẽ sẽ do dự bởi nó vượt ra ngoài “mối quan tâm” của họ. NATO có thể hy vọng sự thất bại gần đây của đảng ông Erdogan trong cuộc bầu cử thành phố sẽ dẫn đến thất bại của ông trong cuộc bầu cử tổng thống tiếp theo... vào năm 2023. Luật của NATO không quy định về khả năng khai trừ một quốc gia thành viên. Nhưng vì Thổ Nhĩ Kỳ đã không nhận được sự đồng cảm từ các đồng minh phương Tây, đặc biệt là vì các cuộc thanh trừng trong quân đội sau cuộc đảo chính thất bại năm 2016 thì rõ ràng S-400 là sự lựa chọn chiến lược. Không những thế, đối với Thổ Nhĩ Kỳ, việc mua tên lửa của Nga được ví như một tuyên bố độc lập. Tổng thống Erdogan từng tuyên bố: “Việc mua này có thể có lợi cho đất nước chúng ta, khu vực chúng ta và thế giới”, và khẳng định “thế giới rộng hơn năm quốc gia”, ám chỉ các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Ngày giao hàng chỉ cách 3 ngày so với ngày 15-7 cũng không phải lựa chọn ngẫu nhiên. Với quyết tâm thay đổi trục chính sách an ninh và đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách đưa đất nước của mình tiến xa hơn trong mối quan hệ với Nga, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ muốn phá vỡ truyền thống, cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ không phải chỉ có duy nhất một con đường hướng về phương Tây, về hệ thống an ninh, giá trị và thị trường tài chính của nó.