Lừa đảo thương mại

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa đưa ra lời cảnh báo, doanh nghiệp nên cẩn trọng với Công ty Klion Co,. Ltd  (Ukraina), Công ty Renton Industries Corporation (Panama) và Công ty Treasure Group Ltd (Hồng Công - Trung Quốc).

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa đưa ra lời cảnh báo, doanh nghiệp nên cẩn trọng với Công ty Klion Co,. Ltd  (Ukraina), Công ty Renton Industries Corporation (Panama) và Công ty Treasure Group Ltd (Hồng Công - Trung Quốc).

Sự việc bắt đầu từ Công ty Chế biến thủy sản Việt Nam xuất bán cho Công ty Klion Co,. Ltd và Công ty Renton Industries Corporation theo phương thức thanh toán TTR (chuyển đổi hoàn tiền bằng điện - Telegraphic Transfer Reimbursement). Theo cách thanh toán này, bên mua phải trả đầy đủ cho bên bán sau 15 ngày kể từ ngày nhận hàng.

Thế nhưng khi nhận hàng, bên mua không thanh toán 2,247 triệu USD còn lại từ tháng 10-2008 đến nay. Dù công ty trong nước nhiều lần gửi thư, điện thoại, thậm chí cử người sang để thương lượng nhưng bất thành.

Trường hợp khác, tháng 12-2008, Công ty Treasure Group Ltd, sau khi nhận hàng từ một công ty thủy sản Việt Nam, cũng theo phương thức thanh toán TTR, đã đặt cọc 30% sau khi ký hợp đồng, nhưng 70% còn lại đến nay vẫn chưa thanh toán.
 
Năm 2009, Bộ Công thương có công văn gửi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và VASEP cho biết, Đại sứ quán Bénin tại Maroc (2 quốc gia châu Phi) và Thương vụ Việt Nam tại Maroc khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam ngừng giao dịch với doanh nghiệp không có trong danh bạ của Phòng Thương mại – Công nghiệp Bénin, nơi các doanh nghiệp địa phương bắt buộc phải đăng ký.

Tháng 8-2009, theo Bộ Công thương, 2 doanh nghiệp Việt Nam đã ký hợp đồng mua 500 tấn bột thịt xương với Công ty Carling Hongkong Ltd. và trả một phần tiền theo phương thức TTR, nhưng cho đến lúc đó vẫn chưa nhận thông tin gì về lô hàng đã mua và cũng không thể liên lạc với người bán.

Trước đó, tháng 10-2007, Thương vụ Việt Nam tại Pakistan xác định có một nhóm người giả danh lừa đảo các doanh nghiệp nước ngoài… Lợi dụng sự thiếu kinh nghiệm của doanh nghiệp nước ngoài, những nhóm lừa đảo này đề nghị đối tác sau khi giao hàng đề nghị đổi tên người nhận hàng trên vận đơn, gửi thẳng chứng từ cho khách không qua ngân hàng hoặc đổi điều kiện thanh toán.

Không ít trường hợp giao dịch chỉ được thực hiện qua mạng, chưa kiểm tra đối tác, nên thực hiện phương thức thanh toán TTR có khả năng gặp rủi ro cao. Nhóm lừa đảo còn lợi dụng kẽ hở pháp luật, như Luật Hồng Công cho phép người nước ngoài thành lập công ty, không nhất thiết phải có văn phòng riêng, chỉ cần có cá nhân hoặc công ty Hồng Công đứng ra làm công ty, làm đầu mối giao dịch giấy tờ, nhưng công ty này không chịu trách nhiệm liên đới…

Những hành vi lừa đảo này không mới, chủ yếu đưa ra những điều kiện khá hấp dẫn… để lừa doanh nghiệp vào bẫy. Nhóm lừa đảo ở Pakistan đối đầu với các cơ quan pháp luật với thủ đoạn sử dụng tên, địa chỉ, số điện thoại… khó xác định trên thực tế.
 
Bộ Công thương khuyến cáo, trước khi giao dịch với thương nhân nước ngoài, cần nhờ Thương vụ VN nước sở tại thẩm tra lai lịch, xác định có hay không doanh nghiệp tại nước sở tại để tránh  rủi ro.

CÔNG PHIÊN

Tin cùng chuyên mục