Sẽ sai lầm nếu nghĩ rằng trong tình hình nền kinh tế suy giảm hiện nay thì tình trạng đình công sẽ giảm. Đây là nhận định của các đại biểu tại buổi làm việc với Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai về tình hình thực hiện pháp luật lao động trên địa bàn TPHCM vào ngày 10-2.
Ông Lâm Văn Tiếp, Phó ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TPHCM (HEPZA) nhận định: Trong 968 doanh nghiệp tại các KCX – KCN TP có 618 doanh nghiệp có công đoàn cơ sở (chiếm 64%). Hoạt động công đoàn cơ sở dù đã có những bước đổi mới nhưng ở một số nơi vẫn còn hình thức, chưa phát huy được vai trò đại diện cho người lao động. Đặc biệt, do 100% cán bộ công đoàn là kiêm nhiệm, họ chủ yếu tập trung cho công tác chuyên môn nên không còn thời gian dành cho hoạt động công đoàn.
Chưa kể, trong quá trình hoạt động, nhiều công đoàn cơ sở phát hiện những mâu thuẫn trong quan hệ lao động, những vi phạm của doanh nghiệp về pháp luật lao động nhưng do tâm lý lo sợ mất việc nên đã không mạnh dạn đề xuất lãnh đạo doanh nghiệp giải quyết. Điều đáng lo là pháp luật lao động về đình công chưa thực sự đi vào cuộc sống. Trình tự để thực hiện một cuộc đình công đúng luật phức tạp, người lao động vì bức xúc quyền lợi của mình bị vi phạm nên tiến hành ngừng việc tập thể để gây áp lực mà không thực hiện đúng các thủ tục về đình công.
Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Văn Bé, Phó Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh Khu chế xuất Sài Gòn – Linh Trung thẳng thắn: “Hầu như 100% các cuộc đình công xảy ra không thấy bóng dáng công đoàn ở đâu”. Đánh giá về tình hình đình công hiện nay, ông Trần Thanh Hồng, Phó Tổng giám đốc Công ty Khu chế xuất Tân Thuận, cho rằng: Sẽ sai lầm nếu nói đình công sẽ giảm trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, công nhân mất việc hàng loạt. Theo báo cáo của HEPZA, năm 2008 đã xảy ra 95 vụ tranh chấp lao động tập thể, tăng 35 vụ so với năm 2007. Nguyên nhân do doanh nghiệp chậm công bố thang bảng lương, chậm điều chỉnh lương tối thiểu theo quy định mới…
Từ thực tế trên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng: Cần phải tiếp tục nghiên cứu thêm vai trò của tổ chức công đoàn cơ sở và đại diện giới chủ để giải quyết các vướng mắc (cơ chế, đội ngũ cán bộ…) để vai trò công đoàn cơ sở đủ mạnh để đứng ra đấu tranh bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động. Công đoàn cơ sở phải thể hiện vai trò của mình ngay “từ trong trứng” (khi chuẩn bị nổ ra đình công) để can thiệp, giải quyết chứ không phải chờ đến khi xảy ra đình công mới “nhảy vào” giải quyết.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Thu Hà cũng đề nghị các sở - ngành chức năng điều tra, đánh giá xem trong 618/968 doanh nghiệp có công đoàn cơ sở thì thực chất các tổ chức công đoàn này hoạt động hiệu quả tới đâu, có thực sự là chỗ dựa của người lao động chưa? Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Huỳnh Thị Nhân cho biết: TPHCM sẽ cố gắng triển khai một số mô hình thí điểm như: thỏa ước lao động tập thể đối với ngành dệt may; xây dựng hệ thống chính trị trong các khu công nghiệp nhằm tác động trong mối quan hệ giữa giới chủ và người lao động…
Riêng hệ thống pháp luật về quan hệ lao động còn thiếu và chưa phù hợp, TP sẽ tiếp tục nghiên cứu để đề xuất bổ sung, sửa đổi. Ngược lại, có nhiều điều pháp luật đã quy định cụ thể thì lại chưa tổ chức thực hiện (ví dụ: quy định về sa thải lao động, cơ sở nói chưa được hướng dẫn trong khi đó luật đã quy định rất rõ). Do vậy, tất cả các vấn đề đều phải được nghiên cứu kỹ.
Phải đảm bảo các chế độ cho người lao động bị mất việc |
VÂN ANH