Lực lượng chi viện vào TPHCM bằng cả lương tâm và sự hy sinh

Lực lượng chi viện vào TPHCM bằng lương tâm, trách nhiệm, cả sự hy sinh. Trước khi vào trận, nhiều người chưa kịp hình dung mức độ khốc liệt của dịch bệnh nhưng đã sát cánh bên nhau, kiên cường chiến đấu.
Ngày 8-10, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đã tổ chức Lễ tuyên dương đoàn công tác tăng cường và tham gia hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.
Đến tham dự buổi lễ có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, Chủ tịch HĐND TPHCM.
Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM: Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Lê Thanh Liêm, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy; Dương Ngọc Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy; Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an; Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy; Trần Kim Yến, Bí thư Quận ủy quận 1. Các đồng chí Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan và Dương Anh Đức. Phó Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng Lê Văn Thuận; Thiếu tướng Phan Văn Xựng, Chính ủy Bộ Tư lệnh TPHCM cùng lãnh đạo các sở ban ngành, tập thể cá nhân được tuyên dương.
Lực lượng chi viện vào TPHCM bằng cả lương tâm và sự hy sinh ảnh 1 Lãnh đạo TPHCM cùng các đại biểu đã dành một phút tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19. Ảnh: VIỆT DŨNG
Trước khi buổi lễ bắt đầu, lãnh đạo TPHCM cùng các đại biểu đã dành một phút tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong đại dịch Covid-19.
Trân trọng mời trở lại TPHCM với tư cách là khách quý, là ân nhân
Tại lễ tuyên dương, thay mặt Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân TPHCM, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM đã nhiều lần bày tỏ gửi lời cám ơn sâu sắc đến các lực lượng chi viện hỗ trợ thành phố chống dịch.
Lực lượng chi viện vào TPHCM bằng cả lương tâm và sự hy sinh ảnh 2 Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM gửi lời cám ơn sâu sắc đến các lực lượng chi viện hỗ trợ thành phố chống dịch. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đồng thời gửi lời cám ơn đến gia đình, cơ quan đơn vị đã tạo mọi điều kiện để các lực lượng an tâm làm nhiệm vụ trong suốt hơn 100 ngày vừa qua. Đặc biệt là đồng bào cả nước, đồng bào thành phố cùng nhau đồng cam cộng khổ, thắt lưng buộc bụng cùng với chính quyền TPHCM vượt qua đại dịch Covid-19.
Lực lượng chi viện vào TPHCM bằng cả lương tâm và sự hy sinh ảnh 3 Đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, lực lượng chi viện vào TPHCM bằng lương tâm, trách nhiệm, cả sự hy sinh. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đồng chí Nguyễn Văn Nên bày tỏ xúc động, các lực lượng tại chỗ của TPHCM đã chiến đấu đến gần hết sức và khả năng của mình. Lúc này lực lượng chi viện xuất hiện, lao thẳng vào mặt trận, chấp nhận gian khổ hy sinh để kịp thời chia lửa cùng đồng đội. Sau nhiều tháng ròng rã vượt qua biết bao khó khăn vất vả, đau đớn nhiều lúc đã chạm sâu vào trái tim và lòng trắc ẩn của từng người, không kể hết được bằng lời bởi vì thử thách chưa từng có trong đời.
Lực lượng chi viện vào TPHCM bằng cả lương tâm và sự hy sinh ảnh 4 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trao Huy hiệu TPHCM cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đồng chí nhấn mạnh, các lực lượng tăng cường đã trở thành những chiến sĩ dũng cảm, kiên cường. Lực lượng chi viện vào TPHCM bằng lương tâm, trách nhiệm, cả sự hy sinh. Trước khi vào trận, nhiều người chưa kịp hình dung mức độ khốc liệt của dịch bệnh nhưng đã sát cánh bên nhau, kiên cường chiến đấu. Đến giờ này, các lực lượng đã góp phần quan trọng cùng với Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân TPHCM làm nên kết quả rất đáng trân trọng.
Lực lượng chi viện vào TPHCM bằng cả lương tâm và sự hy sinh ảnh 5 Đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TPHCM trao Huy hiệu TPHCM cho nữ chiến sĩ quân y. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đó là kéo giảm số ca mắc, số ca trở nặng và đặc biệt số người tử vong, từng bước giúp thành phố kiểm soát được dịch để bước vào giai đoạn “bình thường mới”. Đồng chí Nguyễn Văn Nên bày tỏ: “Chúng tôi trân trọng mời các bạn trở lại thành phố lần sau với tư cách là những vị khách quý, những ân nhân yêu quý của mình”.
“Không chiến thắng dịch không về”
Đó là những chia sẻ đầy quyết tâm của các lực lượng chi viện vào TPHCM hỗ trợ chống dịch trong thời gian qua. Nhiều người có tuổi đời còn rất trẻ, còn ngồi trên ghế nhà trường, đã tạm gác bút nghiên lên đường vào TPHCM chống dịch. Có những cán bộ, chiến sĩ tạm gác lại công việc, xa gia đình với quyết tâm “không chiến thắng dịch không về”.
Lực lượng chi viện vào TPHCM bằng cả lương tâm và sự hy sinh ảnh 6 Các chiến sĩ quân y tại buổi lễ. Ảnh: VIỆT DŨNG
Xúc động khi xem lại những thước phim đồng đội, đồng nghiệp ngày đêm gồng mình chống dịch tại buổi lễ tuyên dương, học viên Vũ Kim Khánh (Học viện Quân y) nhớ lại, ngày 20-8 nhận lệnh vào TPHCM chi viện. Ngày 21-8, Khánh cùng đồng đội đã có mặt tại TPHCM. Thời gian đầu rất gian nan, vất vả và có chút lo lắng khi thời điểm này dịch bùng phát mạnh nhưng ai cũng quyết tâm vượt qua.
“Lúc đó chúng em nhận lệnh là gác bút nghiên lên đường, quyết tâm khi nào chiến thắng dịch mới trở về”, Vũ Kim Khánh nói và bày tỏ vui mừng, đến nay tình hình dịch bệnh đã kiểm soát nên mọi người rất vui và phấn khởi. Mọi người hẹn một ngày gần nhất sẽ quay trở lại thăm bà con thành phố khi TPHCM “khoẻ mạnh”.
Lực lượng chi viện vào TPHCM bằng cả lương tâm và sự hy sinh ảnh 7 Học viên Vũ Kim Khánh (Học viện Quân y) hẹn một ngày gần nhất sẽ quay trở lại thăm bà con thành phố khi TPHCM “khoẻ mạnh”. Ảnh: VIỆT DŨNG
Ngồi ở hàng ghế cuối cùng trong hội trường, bồi hồi nhớ lại khoảng thời gian đầy gian khó, vất vả tại Bệnh viện dã chiến số 6 (TPHCM), chị Đồng Thị Thư (Trung tâm y tế huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu) cho biết, được tăng cường vào thành phố từ ngày 28-8. Thời gian đầu vào đây thời tiết nóng bức, lại mặc thêm đồ bảo hộ cả ngày nên mọi người gặp rất nhiều khó khăn.
“Lúc đó chúng em xác định tinh thần cứu chữa người bệnh là trên hết, mọi khó khăn phải vượt qua. Đến hôm nay, em rất vui khi TPHCM đã kiểm soát được dịch. Vào một ngày không xa, em sẽ quay trở lại thành phố yêu thương này”, chị Đồng Thị Thư xúc động.
Thượng úy Phan Thị Hậu (Học viện Quân y) chia sẻ, khi đang học cao học thì nhận được lệnh vào TPHCM hỗ trợ chống dịch. Từ ngày 21-8, chị đã lên đường vào TPHCM công tác tại Trạm y tế lưu động của phường 15 (quận 8). Chị cho biết, thời gian đầu rất bối rối vì không nghĩ đại dịch Covid-19 lại phức tạp đến vậy, địa bàn có nhiều F0. Chị và đồng đội vừa làm, vừa tìm hiểu thêm kiến thức để hỗ trợ, chăm sóc người dân.
Lực lượng chi viện vào TPHCM bằng cả lương tâm và sự hy sinh ảnh 8 Thượng úy Phan Thị Hậu. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đến nay hôm, chị và đồng đội rất vui khi quận 8 đã kiểm soát được dịch, số F0 và tỷ lệ tử vong đã giảm. “Chúng em xác định tinh thần không chiến thắng dịch không về. Trong thời gian tới, em chờ phân công từ đơn vị để hỗ trợ tiếp cho địa phương khác, đến hết tháng 11 tụi em với rút về”, Thượng úy Phan Thị Hậu bày tỏ quyết tâm.

"Toàn bộ nhân viên ngành y tế TPHCM sẽ nhớ mãi những hình ảnh thân thương khi được cùng làm việc chung với các bạn đồng nghiệp trên cả nước vì sức khoẻ của người dân thành phố và sẽ tiếp tục nỗ lực hết mình để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm được lãnh đạo TPHCM giao qua Chỉ thị 18 về việc tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội"

Giám đốc Sở Y tế TPHCM Tăng Chí Thượng
Thay mặt cho gần 10.000 cán bộ, chiến sĩ quân đội tham gia chống dịch, Đại tá Nguyễn Vân Giang, Phó Cục trưởng Cục Quân y (Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng) bày tỏ xúc động và tự hào khi nhớ lại thời gian chống dịch tại TPHCM. Đến thời điểm này, TPHCM và các tỉnh phía Nam cơ bản đã chặn đứng và khống chế thành công làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4.
Tuy nhiên, đại dịch đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống xã hội, đến sự phát triển kinh tế và cả những mất mát. “Đã có hơn 15.000 người con của TPHCM vĩnh viễn nằm lại, trong đó có cả những y bác sĩ, chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch”, Đại tá Nguyễn Vân Giang bày tỏ xúc động.
Lực lượng chi viện vào TPHCM bằng cả lương tâm và sự hy sinh ảnh 9 Đại tá Nguyễn Vân Giang, Phó cục trưởng Cục Quân y phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: VIỆT DŨNG
Phó Cục trưởng Cục Quân y nhấn mạnh, lực lượng quân đội luôn là lực lượng đi đầu trong phòng chống dịch. Ngay từ đầu tháng 7-2021, Cục Quân y đã tham mưu thành lập Sở Chỉ huy tiền phương của cục tại TPHCM. Từ đó qua nhiều đợt chi viện, các lực lượng bác sĩ, y sĩ, học viên quân y tạm xếp công việc, gác bút nghiên lên đường vào TPHCM hỗ trợ chống dịch với tinh thần “không chiến thắng dịch không về”.
Tất cả đã không quản ngại khó khăn vất vả, nguy hiểm để sẵn sàng bám trụ địa bàn cứu chữa cho bệnh nhân mắc Covid-19, chăm lo hỗ trợ an sinh cho người dân. Trong thời gian tới, quân đội và ngành quân y vẫn luôn sát cánh cùng TPHCM tiếp tục triển khai các hoạt động chăm sóc điều trị F0 tại nhà, củng cố các bệnh viện dã chiến, duy trì các trung tâm hồi sức và hệ thống xe cứu thương hỗ trợ vận chuyển bệnh nhân.
Tại buổi lễ, TPHCM đã trao Bằng khen của UBND TPHCM cho 55 tập thể và Huy hiệu TPHCM cho 115 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19.

Tổ chức lễ tưởng niệm người mất vì dịch Covid-19

Chia sẻ với báo chí sau buổi lễ, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM cho biết, TPHCM đã có tính toán tổ chức lễ tưởng niệm cho người không may qua đời vì dịch Covid-19. Tuy nhiên việc này cần tính toán, làm như thế nào cho tương xứng, phù hợp và có chiều sâu. Theo kế hoạch năm 2021, những tháng còn lại của năm, TPHCM tri ân những đóng góp trong quá trình phòng chống dịch của người dân và các lực lượng tuyến đầu. 

Tin cùng chuyên mục