Lương giáo viên thời bão giá - Cận chuẩn... nghèo

Eo sèo lương giáo viên
Lương giáo viên thời bão giá - Cận chuẩn... nghèo

Chưa bao giờ đời sống của người giáo viên lại chật vật như hiện nay, khi mà vật giá liên tục leo thang đến chóng mặt. Không ai nghĩ mình sẽ giàu khi chọn nghề giáo nhưng cũng không ai nghĩ suốt hàng chục năm theo nghiệp đưa đò vẫn phải thiếu trước hụt sau. Liệu trước những khó khăn dễ nhận biết ấy, có học sinh nào “thương thầy em lại làm thầy”?

Giáo viên trong giờ dạy nhạc tại Trường Tiểu học Huỳnh Văn Chính (quận Tân Phú). Ảnh: Mỹ Hằng

Giáo viên trong giờ dạy nhạc tại Trường Tiểu học Huỳnh Văn Chính (quận Tân Phú). Ảnh: Mỹ Hằng

Eo sèo lương giáo viên

Một ngày làm việc của các cô giáo Trường Mầm non Bến Thành bắt đầu từ 6 giờ 30 sáng đến hơn 17 giờ chiều. Cả ngày làm việc quần quật với các cháu nhưng một số cô giáo vẫn tiếp tục ở lại nhận giữ trẻ đến gần 7 giờ tối để kiếm thêm thu nhập.

Cô Dương Thu Trang - giáo viên Trường THPT Mạc Đĩnh Chi Q6 hướng dẫn học sinh lớp 12 ôn thi môn Văn. Ảnh: Mai Hải
Cô Dương Thu Trang - giáo viên Trường THPT Mạc Đĩnh Chi Q6 hướng dẫn học sinh lớp 12 ôn thi môn Văn. Ảnh: Mai Hải

Một giáo viên (GV) cho biết: Mức lương khởi điểm của chúng tôi là 1,4 - 1,6 triệu đồng/tháng. Với mức lương này, ngày nghỉ chúng tôi cũng không dám ra khỏi nhà vì sợ tốn tiền xăng, lỡ xe hư lại càng tốn kém. Trong khi đó, TPHCM đã nâng mức chuẩn nghèo lên 12 triệu đồng/năm, tương đương 1 triệu đồng/tháng. Như vậy, lương giáo viên chỉ hơn chuẩn nghèo vài trăm ngàn đồng!

Cô L.T. Điệp, giáo viên Trường Tiểu học Lê Quang Định, huyện Nhà Bè, cho biết: “Dạy ngày 2 buổi nhưng lương thâm niên 10 năm của tôi cũng chỉ 2 triệu đồng/tháng, cộng thêm tiền dạy buổi thứ 2 được 700.000 đồng và tiền phụ cấp hàng tháng khoảng 500.000 đồng, thu nhập cũng chỉ được hơn 3 triệu đồng. Chỉ với ngần ấy tiền nhưng tôi phải nuôi 2 con nhỏ nên cuộc sống rất chật vật.

Cô Phạm Thị Lan, giáo viên một trường tiểu học ở quận Gò Vấp, cho biết: “Hơn 28 năm trong nghề mà lương của tôi cũng chỉ khoảng 4 triệu đồng. Hiện nay, gia đình tôi vẫn ở nhà thuê vì lấy đâu ra tiền để mua nhà? Lương cả hai vợ chồng cộng lại cũng chỉ được 7 triệu đồng, vật giá đắt đỏ, hàng tháng phải trả 1,5 triệu đồng tiền thuê nhà, rồi tiền học cho con. Đó là chưa tính đến các khoản ốm đau, cưới hỏi, chăm sóc bố mẹ già. Do đó, chẳng bao giờ chúng tôi tiết kiệm được tiền...”.

Những giáo viên từ nội thành ra ngoại thành giảng dạy còn gặp khó khăn gấp bội. Để được đứng trên bục giảng, cô L.T.H. (nhà ở quận 3) hàng ngày phải đi hơn 25km đến trường ở xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè để dạy học. Trong khi đó, tổng thu nhập hàng tháng của cô chỉ được gần 2 triệu đồng. Trừ đi tiền xăng xe (khoảng 20.000 đồng/ngày), ăn sáng, ăn trưa (30.000 đồng) xem như không dư được đồng nào.

Thầy Lê Đình Hoe, Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung (Củ Chi), cho biết: Một giáo viên tốt nghiệp đại học với hệ số lương cơ bản 2.34, cộng thêm 30% phụ cấp được khoảng 2 triệu đồng, làm sao đủ sống ở những TP lớn thế này?

Giải pháp: Chờ tăng học phí?!

Năm 2010, Công đoàn ngành giáo dục TPHCM đã hỗ trợ cho Trường THPT Lê Minh Xuân (Bình Chánh) và các xã Long Thới, Hiệp Phước, Nhơn Đức (huyện Nhà Bè) xây nhà công vụ cho GV ở với tổng số tiền hơn 700 triệu đồng; chuẩn bị xây 14 căn nhà tình thương cho GV có hoàn cảnh khó khăn.

Với những giáo viên chấp nhận đi xa, về với các huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh, đời sống cũng không khá giả hơn. Ông Dương Văn Thư, Trưởng phòng GD-ĐT Cần Giờ, cho biết: Với những GV dạy ở ngoại thành sẽ được TP hỗ trợ thêm 500.000 đồng/tháng, riêng huyện Cần Giờ tự hỗ trợ thêm 250.000 đồng để giữ chân thầy cô. Nếu ra xã đảo Thạnh An sẽ được hưởng chính sách đặc thù của TP thêm 500.000 đồng/tháng. Nhưng ở đây, GV không thể làm cách nào để tăng thêm thu nhập. GV ở nội thành có thể mở lớp dạy thêm tại nhà hoặc dạy thêm ở các trung tâm, còn thầy cô ở ngoại thành phải đến nhà từng học sinh năn nỉ ra lớp thì làm gì có chuyện học sinh tìm thầy học thêm…

Còn tiền công dạy buổi thứ hai? Một lớp 30 học sinh thì có tới 20 em thuộc diện xóa đói giảm nghèo, diện chính sách nên được miễn, giảm tiền học phí. 10 em còn lại, tháng nào may mắn, 8 em đóng tiền, nhưng thường chỉ có 5 – 6 em có điều kiện để đóng tiền. Với mức học phí 30.000 đồng/tháng/học sinh, giáo viên chỉ được lãnh 70%, làm một phép tính đơn giản sẽ thấy nếu dạy cả tháng mỗi thầy cô chỉ nhận trên dưới 100.000 đồng.

Ông Nguyễn Hữu Hùng, Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục TPHCM, chia sẻ: So với các nơi khác, thu nhập của GV ở TPHCM có cao hơn nhưng giá cả ở TP đắt đỏ nên GV vẫn gặp nhiều khó khăn. Ở 41 xã khó khăn, trường tiểu học chỉ học 1 buổi, không đóng học phí, GV không có thu nhập tăng thêm; bậc THCS không có bán trú, GV chỉ biết sống bằng lương. GV dạy những môn phụ không thể làm thêm nên GV mới ra trường chỉ nuôi sống được bản thân chứ không thể nuôi con, phụ giúp gia đình.

Theo thống kê của ngành giáo dục, TPHCM có 9.783 CB-NV đã lập gia đình nhưng chưa có nhà ở, phải ở nhà thuê hoặc ở chung với gia đình. Bên cạnh đó, có 9.709 người có nhu cầu mua nhà trả góp. Ông Hùng cũng cho biết, 3 năm gần đây nhờ Nghị định 43 về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, khoán kinh phí xây dựng chi tiêu nội bộ, tiết kiệm để tăng thu nhập cho giáo viên, nhờ vậy mà mỗi tháng tùy theo trường mỗi GV đã nhận thêm từ 500 ngàn - 1 triệu đồng.

Trong một cuộc họp mới đây với ngành giáo dục TP, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận cho biết: Với nghị định về đổi mới cơ chế tài chính cho giáo dục đã được Chính phủ phê duyệt, TPHCM sẽ có đề án tăng học phí vào năm 2011. Đề án này sẽ được đưa ra tại kỳ họp HĐND TP. Nếu được thông qua, đời sống giáo viên sẽ được cải thiện. Bên cạnh đó, TP sẽ tiếp tục hỗ trợ xây nhà công vụ cho giáo viên tình nguyện đi dạy ở vùng xa.

Lê Linh - Tiêu Hà

Tin cùng chuyên mục