Ly nông bất ly hương

Trời mờ sáng, ngoài bờ đê cánh đồng Tân An Hội dẫn vào chợ huyện Mang Thít (Vĩnh Long) nhộn nhịp bước chân người đi vội vã, nhưng đó không phải là bước chân của bà con nông dân ra đồng buổi sớm mà là công nhân của Công ty May Ngân Đình và Công ty Xây dựng Mang Thít trên đường đến nơi làm việc.

Trời mờ sáng, ngoài bờ đê cánh đồng Tân An Hội dẫn vào chợ huyện Mang Thít (Vĩnh Long) nhộn nhịp bước chân người đi vội vã, nhưng đó không phải là bước chân của bà con nông dân ra đồng buổi sớm mà là công nhân của Công ty May Ngân Đình và Công ty Xây dựng Mang Thít trên đường đến nơi làm việc.

Chị Đặng Thị Thu Thủy, ngụ tại ấp 1, xã Mỹ An, huyện Mang Thít, không ngờ hôm nay mình lại trở thành công nhân may xuất khẩu. Chị Thủy nhớ lại, mới hôm nào còn bám lấy đồng ruộng nhưng vợ chồng với 2 đứa con không sống nổi. Những ngày nông nhàn, vợ chồng tranh thủ lên TPHCM làm thêm đủ thứ việc để kiếm sống. Khi Phòng Công thương huyện Mang Thít thông báo tuyển công nhân ngành may. Ai biết may vào thử tay nghề, hưởng lương từ 2,5 triệu đồng/tháng trở lên. Ai chưa có tay nghề thì được đào tạo tại Trung tâm Dạy nghề huyện và hưởng 1,1 triệu đồng/tháng. Bây giờ Thủy đã trở thành công nhân có tay nghề khá giỏi, có thể nhận thực hiện các kiểu áo quần. Cuộc sống ổn định, được làm gần nhà, hạnh phúc nào bằng.

Còn anh Mai Thanh Phương sống tại xã Tân An Hội, anh làm phụ hồ ngót 4 năm mà chỉ biết trộn hồ với khiêng gạch ngói. Vậy mà sau 3 tháng được học nghề, anh đã biết xây tô, làm khung sắt, sắp xếp công việc phù hợp, an toàn lao động. Anh còn đọc được bảng vẽ công trình xây dựng. Nhờ vậy, từ một phụ hồ, anh Phương đã được làm tổ trưởng thi công công trình. Hay như em Tạ Kim Kiều, hơn 10 năm theo cha về quê nội ở Cà Mau, phụ bán cà phê cho người hàng xóm, một tháng lương cao nhất cũng không quá 1 triệu đồng. Hay tin quê ngoại bây giờ có công ty, xưởng may công nghiệp, em xin về học nghề, rồi trở thành công nhân lành nghề, lương hơn 3 triệu đồng/tháng. Công ty may mới thành lập ở huyện chỉ hơn 1 năm mà đã đào tạo gần 100 công nhân lành nghề.

Lý giải vì sao Mang Thít thay đổi nhanh như vậy, ông Nguyễn Văn Nghiệm, Chủ tịch UBND huyện Mang Thít cho biết: “Để dần xóa khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, chúng tôi dựa vào 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) của Chính phủ. Muốn xây dựng mô hình NTM, cần phải có hệ thống thủy lợi đảm bảo nhu cầu sản xuất cho nhân dân. Rồi phải có nhà văn hóa đạt chuẩn, có điểm bưu điện phục vụ bưu chính viễn thông, internet nông thôn… Điều quan trọng là phải biết tổ chức lại hình thức sản xuất, bồi dưỡng trình độ, chuyên môn cho nông dân để họ trở thành công nhân có tay nghề, có kỹ thuật, có kỷ luật và có nhà máy, công ty, xí nghiệp ở địa phương để họ tham gia sản xuất. Đây là điều kiện tiên quyết để kéo bà con trở về với mái nhà thân yêu, với đồng ruộng bao đời nay họ đã gắn bó. Trước kia, vì cuộc sống khốn khó, nông dân bỏ ruộng vườn, quê nhà lên thành phố mưu sinh, nay họ được tạo điều kiện để trở về nông thôn một cách tự nguyện. Bây giờ, cái cốt lõi nhất là con người. Mọi sự thành công hay thất bại cũng đều do con người. Chúng tôi đang đào tạo con người để xây dựng NTM”.

Trịnh Hải

Tin cùng chuyên mục