Trong chuyến thăm chiến sĩ tại các đảo Trường Sa và nhà giàn DK1 cùng đoàn đại biểu TPHCM, mọi người cảm nhận và ghi nhớ sâu sắc nhất chính là chuyện tiết kiệm nước ngọt giữa trùng khơi mênh mông nước mặn.
“Mời các đồng chí đại biểu rửa tay bằng nước ngọt cho khỏi rít tay vì nước mặn”, đó là lời mời của chiến sĩ khi cả đoàn vừa đặt chân lên các đảo Trường Sa và nhà giàn DK1. Trong những buổi họp đoàn trước chuyến đi, ai cũng được nghe phổ biến là nước ngọt trên các đảo rất quý hiếm. Thế nên khi nhìn thấy hai thau nước ngọt trong vắt các chiến sĩ chuẩn bị cho đoàn rửa tay, ai nấy đều xúc động và quyết định không rửa tay dù khi ấy tay mình còn lớp nhớp vì nước biển.
Trên đảo, lượng nước ngọt dùng cho sinh hoạt cá nhân và ăn uống được cấp theo định mức và rất ít. Nhiều khi nước ngọt gần như khan hiếm nhưng cán bộ, chiến sĩ vẫn có nhiều cách tiết kiệm nước ngọt để tăng gia sản xuất như nuôi heo, gà, vịt và trồng rau cải thiện dinh dưỡng bữa ăn. Dù diện tích đất rất ít, lại thường xuyên thiếu nước ngọt nhưng trên đảo An Bang, cây xanh, hoa và rau được trồng phủ khắp đảo, tạo nên màu xanh mơn mởn tràn đầy sức sống cho nơi này.
Anh Võ Văn Thành (quê Nam Định) ở đảo An Bang chia sẻ: “Chiến sĩ nào khi mới ra đảo cũng phải học cách tiết kiệm nước ngọt như tắm giặt cần bao nhiêu nước, rửa mặt thì thế nào… Ngoài cách chung thì mỗi người sẽ có một cách tiết kiệm nước ngọt khác nhau để trồng thêm rau cho tổ”.
Để có nước ngọt tưới cây và rau, khi tắm các anh ngồi vào một cái thau để hứng lại phần nước ngọt vừa tắm. Khi rửa mặt, thì chỉ dùng tay nhúng vào nước chứ không xối ào ào như hồi còn ở đất liền và phần nước này cũng được tận dụng lại để dùng. Đảo còn có bể lọc nước lợ để dùng cho một số sinh hoạt hàng ngày. Mọi người cũng nhìn thấy những chiếc khăn của chiến sĩ rất mỏng bay phất phơ trong gió. Các anh bảo, khăn mỏng để tiết kiệm nước khi giặt. Có khi mùa khô kéo dài, nhà giàn hết nước, cán bộ, chiến sĩ chỉ dùng tay nhúng vào nước rồi thoa lên người cho đỡ rít. Khó khăn là thế, nhưng khi lên được nhà giàn, ập vào mắt tôi là mầm xanh của cây và rau giúp nơi đây thêm sức sống.
Trên đảo Đá Đông A, một đảo chìm rất nhỏ của quần đảo Trường Sa, các chiến sĩ nơi này dù phải thường xuyên thiếu nước ngọt vào mùa khô nhưng vẫn sẵn sàng nhường phần nước quý hiếm ấy để giúp ngư dân. “Nước trên đảo chủ yếu được dự trữ từ mùa mưa. Nên có khi nhìn thấy mưa ở xa xa trên biển, anh em tiếc hùi hụi và cứ mong có vài giọt nước mưa rơi trên đảo”, Chính trị viên Hoàng Văn Sinh đảo Đá Đông A kể.
Sau chuyến đi, trở về với cuộc sống nơi đất liền, bỗng dưng mỗi chúng tôi có thói quen sử dụng nước rất tiết kiệm. Mỗi lần đưa tay vặn vòi lấy nước, tôi đều mở cho nước chảy rất nhỏ bởi chợt nhớ đến đến ly nước mưa mát lạnh đầy nghĩa tình từ sự tiết kiệm từng giọt nước và trên hết nhớ đến hình ảnh cán bộ, chiến sĩ trên các đảo đang ngày đêm cầm súng bảo vệ biển trời Tổ quốc.
THÁI PHƯƠNG