Để đưa con trai và 5 đồng đội bí mật vượt biển ra Bắc tiếp nhận vũ khí đạn dược chi viện cho chiến trường miền Nam trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, má đã bán hết tài sản, mua gỗ đóng thuyền, tiếp tế lương thực cho bộ đội mà chưa bao giờ tính toán thiệt hơn. Má tên Nguyễn Thị Mười ở khu phố Hải Tân, thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Người dân ở đây gọi má là má Mười Rìu.
Cả nhà diệt Mỹ
Năm 1961, má tròn 40 tuổi, có chồng là Lê Văn Rìu và con trai là Lê Hà cùng ở đơn vị 555 - một đơn vị làm nhiệm vụ đặc biệt chốt tại căn cứ Minh Đạm. Lúc đó việc đóng thuyền chở chiến sĩ bí mật vượt biển ra Bắc tiếp nhận vũ khí cực kỳ khó khăn.
Tại một buổi họp, lãnh đạo đơn vị thông báo chỉ thị của Trung ương Đảng và Bộ Quốc phòng về việc chuẩn bị ra Bắc tiếp nhận đạn dược chi viện cho chiến trường miền Nam. Vị đại đội trưởng hỏi: “Bây giờ phải có ghe, ai có tiền không?”. “Có, tôi có 100 đồng”, nữ chiến sĩ Nguyễn Thị Mười tự nguyện hiến 100 đồng để mua thuyền và xin làm hậu cứ bắt liên lạc, tiếp tế lương thực, tổ chức vận chuyển vũ khí khi đoàn tàu từ Bắc trở về. Má nghĩ thân mình chẳng tiếc, tiếc chi tiền vàng.
Được người chỉ huy động viên như thổi thêm ngọn lửa cách mạng. Má Mười dùng số tiền 100 đồng mua thuyền, mua máy chạy ghe cùng 12 cheo lưới, 6 bộ quần áo nâu, làm 6 giấy tờ thế thân (giấy căn cước).
Chuyến ghe đầu tiên bí mật vượt biển ra Bắc có 6 chiến sĩ là Nguyễn Sơn, Thôi Văn Nam, Trần Văn Phủ, Nguyễn Văn Thanh (tự Nhung), Võ An Ninh (tự Liễu) và con trai má - Lê Hà. Cả 6 chiến sĩ đều mặc quần áo nâu giả làm ngư dân đánh bắt cá trên sông. Tiễn con trai và 5 đồng đội ra đi, bà động viên con: “Cứ đi chiến đấu. Cả nhà ta đều diệt Mỹ”. Lời nói ấy tiếp thêm sức mạnh cho 6 chiến sĩ.
Trên chiếc ghe mui trần ấy, mỗi người đem theo 1 ống sữa bò, ít gạo, muối và lòng yêu nước vô hạn.
“Thân tui chẳng tiếc…”
* Má Mười Rìu lần mò đến bên bàn thờ. Bàn tay nhăn nhúm sờ lên tấm ảnh bà cùng đồng đội trong lần ra Hà Nội gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Má nhìn những tấm ảnh đen trắng ghi dấu một thời trận mạc, rồi tấm Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng. Ánh mắt má ánh lên hình ảnh Tổ quốc thanh bình hôm nay và bao đồng đội thân yêu của má đã nằm xuống. |
Để đón chuyến tàu chở vũ khí đầu tiên từ ngoài Bắc vào, má đã bán 2 cây vàng và đôi bông tai để mua 6 tấn gạo cất giấu dự trữ.
Chuyến vũ khí đầu tiên về bến Lộc An ngày 10-3-1963, trên đó có 19 tấn vũ khí và 16 người. Khi thuyền vào đến của biển Lộc An, má đã bắt liên lạc và đảm bảo tuyệt đối bí mật, vì lúc này trên bờ có nhiều mật thám địch lùng sục khắp nơi. Má sắp xếp 2 chiến sĩ ở lại canh gác vũ khí và sẵn sàng hy sinh hủy tàu và vũ khí nếu bị lộ. Má Mười lại vận động bà con chuyển vũ khí từ thuyền vào kho Vàm Láng cất giấu an toàn.
Trong hai năm, từ 1963 đến 1965, má tổ chức đón và chuyển trên 50 tấn vũ khí của 3 lượt tàu không số. Số vũ khí sau đó được chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam, 2 chuyến vũ khí sau cùng chi viện cho chiến dịch giải phóng Bình Giã.
Cuối năm 1965, má Mười chuyển vào hoạt động tại chiến khu D. Tại đây, má tiếp tục xây dựng lực lượng, tổ chức nuôi dưỡng chiến sĩ cách mạng hoạt động ngoại tuyến. Thời gian này, lương thực thực phẩm thiếu hụt, bộ đội phải ăn rau tàu bay, riêng má nhường phần ăn cho chiến sĩ, phải nhai rễ cây rừng và uống nước suối để cầm cự.
Sau nhiều trận sốt rét, răng má rụng gần hết.“Thấy răng tui rụng gần hết, ông Đông, đại đội trưởng đơn vị bảo: Mười ơi, tao cho mày ít tiền, mày đi trồng răng nhé. Tui bảo thân tui chẳng tiếc, tiếc chi hàm răng”, má Mười cười nhớ lại.
Suốt thời gian hoạt động bí mật trong rừng, hai vợ chồng má không có dịp gặp nhau. Má không ngờ rằng ngày gặp lại chồng tại bến Lộc An cuối năm 1965 lại là lần gặp cuối. Chồng má hy sinh trong một trận càn. Để má yên tâm chiến đấu, đơn vị giấu, không cho má biết.
4 năm sau khi chồng má hy sinh, đơn vị mới cho hay. Lúc đó con trai Lê Hà của má đã 31 tuổi. Đất nước chưa được giải phóng, nhiệm vụ cách mạng mang nặng hai vai, biến đau thương thành hành động cách mạng, má tiếp tục chiến đấu.
Ngày 29-4-1975, Vũng Tàu - Côn Đảo giải phóng, nước mắt má tuôn trào bên đồng đội. Người còn người mất, người vĩnh viễn nằm lại chiến trường. 6 chiến sĩ đầu tiên của đoàn tàu không số vượt biển trên chiếc ghe má đóng năm xưa, bây giờ chỉ còn lại 3 người là Nguyễn Sơn, Thôi Văn Nam và con trai Lê Hà của má.
Hiện má Mười Rìu được Lữ đoàn 125 Hải quân hỗ trợ hàng tháng ngoài chế độ chính sách của Nhà nước. Má ở với người con trai thứ 2 tên Nguyễn Văn Thắng. Má bảo: “Nó bị khùng do bị sức ép của bom. Trong đầu nó còn mảnh đạn đó. Nó khùng nên đẻ con, con nó cũng khùng”.
Thấy chúng tôi thắc mắc tại sao anh Thắng lại mang họ Nguyễn, ông Lê Hà (con trai lớn của má) phân trần: “Trở về từ chiến trường năm 1972, nó mất trí nhớ. Khi ra phường làm lại hộ khẩu, nó nói họ Nguyễn. Thấy nó vậy nên gia đình cũng chẳng sửa lại họ nữa. Tội nghiệp, thằng con trai nó cũng bị khùng theo nó”. Nỗi đau hậu chiến vẫn mãi đeo đẳng bà mẹ chiến sĩ này đến tận bây giờ…
Mai Thắng