Ma trận kit test, thuốc điều trị Covid-19

Bộ Y tế đã khuyến khích người dân chủ động sử dụng test nhanh để phát hiện Covid-19 và kết quả này được công nhận. Tuy nhiên, với việc trên thị trường hiện có nhiều loại kit test nhanh không có nguồn gốc, xuất xứ đang gây hoang mang cho người sử dụng, đặc biệt có nguy cơ dẫn đến sai lệch trong kết quả xét nghiệm.
Một loại thuốc xách tay từ Nga được quảng cáo có tác dụng điều trị Covid-19. Ảnh: VIẾT CHUNG
Một loại thuốc xách tay từ Nga được quảng cáo có tác dụng điều trị Covid-19. Ảnh: VIẾT CHUNG

Loạn giá

Kit test nhanh Covid-19 là mặt hàng sinh phẩm y tế kinh doanh có điều kiện, phải được cơ quan y tế cấp phép, đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nhưng theo tìm hiểu của phóng viên, việc kinh doanh mặt hàng này rất hỗn loạn. Tại khu vực kinh doanh thiết bị y tế tại phố Phương Mai, Hà Nội, chúng tôi nhận được nhiều lời mời chào mua các loại kit test của Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Mỹ và Việt Nam sản xuất với nhiều mức giá.

Tại một cửa hàng đối diện với Bệnh viện Lão khoa Trung ương, chủ hàng giới thiệu bộ kit test Biocredit của Hàn Quốc có giá từ 80.000-85.000 đồng/bộ tùy theo số lượng mua, tăng 20% so với giá bán vào thời điểm cuối năm 2021.

Theo chủ hàng, sở dĩ loại kit test này tăng giá do khan hàng, hơn nữa đây là loại được Bộ Y tế cấp phép và các cơ sở y tế dùng rất nhiều. Trong khi đó, tại khu vực chợ thuốc Hapulico, cũng loại kit test Biocredit, nhiều hàng chỉ chào bán với giá chưa tới 70.000/bộ, mua thoải mái số lượng. Tại khu vực phố dược phẩm Ngọc Khánh, chúng tôi được giới thiệu một số loại kit test nhập khẩu có giá bán từ 65.000-100.000 đồng/cái tùy vào nguồn gốc xuất xứ và độ nhạy của sản phẩm. Một số cửa hàng cho biết, nếu muốn giá mềm hơn nữa có thể mua hàng “xách tay” nước ngoài, bán theo hộp từ 50-100 kit giá khoảng 1,2-3 triệu đồng tùy loại.

Không chỉ có các loại test nhanh bằng cách lấy dịch mũi, dịch tỵ hầu mà gần đây, những loại test nhanh bằng nước bọt cũng đang được nhiều nơi chào bán, nhất là trong các hội nhóm trên mạng xã hội Facebook.

Theo quảng cáo, loại test bằng nước bọt này chủ yếu là hàng Trung Quốc và Đức có độ chính xác tới 98%, dễ sử dụng, không gây khó chịu như test ngoáy mũi thông thường nên giá bán cũng đắt hơn so với các loại kit phải ngoáy mũi. Tuy nhiên, hầu hết loại kit test bằng nước bọt đều chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành nên khó bảo đảm về chất lượng.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Lê Thị Thúy (ở Nhân Chính, Hà Nội) cho biết, do công việc thường xuyên phải đi lại giao dịch nhiều nơi, tiếp xúc đông người nên tuần nào chị cũng mua kit về để test cho bản thân và mọi người trong nhà. Nhưng điều băn khoăn nhất là giá kit test thay đổi hàng ngày, thậm chí cùng một loại, mức giá chênh nhau hàng chục ngàn đồng.

Cẩn trọng thuốc trôi nổi

Số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội liên tục tăng rất cao gần đây khiến nhiều người lo lắng, đổ xô đi mua tích trữ các loại thuốc hạ sốt, kháng sinh, vitamin, nước súc họng, thuốc xịt mũi, viên xông họng… khiến các mặt hàng tăng giá. Đặc biệt, một số người không tiếc tiền tìm mua số loại thuốc ngoại được rao bán trên mạng với quảng cáo là hàng xách tay từ Nga và Trung Quốc về có tác dụng phòng ngừa và điều trị Covid-19 như thuốc Arbidol có thành phần Umifenovir và thuốc Areplivir có hoạt chất Favipiravir.

Ma trận kit test, thuốc điều trị Covid-19 ảnh 1 Nhiều người tìm mua khẩu trang, kit test nhanh Covid-19. Ảnh: VIẾT CHUNG

Trước hiện tượng trên, dược sĩ Hà Quang Tuyến, Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cảnh báo, Arbidol là thuốc kháng virus phổ rộng được cấp phép sử dụng để dự phòng và điều trị cúm mùa tại Trung Quốc và Nga từ năm 2006. Còn thuốc Umifenovir được Trung Quốc thử nghiệm trên bệnh nhân Covid-19 ngay giai đoạn đầu bùng phát dịch, nhưng hiệu quả của Umifenovir đối với Covid-19 là không đồng nhất giữa các nghiên cứu. Nhiều nghiên cứu hiện cũng tạm dừng sử dụng Umifenovir do hiệu quả không cao hoặc nguy cơ, tác dụng không mong muốn lớn hơn nhiều so với hiệu quả. 

“Mỗi thuốc kháng virus chỉ có chỉ định trên một số đối tượng bệnh nhân Covid-19 nhất định. Do vậy, việc dùng các thuốc kháng virus này cần đúng chỉ định của bác sĩ. Đồng thời, trong quá trình sử dụng cũng cần giám sát cẩn thận các tác dụng phụ để tránh xảy ra các rủi ro có thể xảy ra”, dược sĩ Hà Quang Tuyến khuyến cáo và khẳng định thuốc Arbidol và Areplivir đều chưa được cấp phép lưu hành và nhập khẩu chính thức tại Việt Nam. Các sản phẩm do các trang mạng xã hội, các nhóm, các diễn đàn rao bán đều là hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng.

Từ hôm nay 21-2, theo Thông tư số 02/2022/TT-BYT của Bộ Y tế, giá test nhanh Covid-19 chỉ từ 78.000 đồng, áp dụng thống nhất tại các cơ sở y tế nhà nước trên toàn quốc.

Theo ghi nhận của PV trước khi mức giá mới được áp dụng, tại nhiều cơ sở y tế, nhất là cơ sở tư nhân, vẫn loạn giá. Tại Bệnh viện đa khoa Hồng Ngọc (Hà Nội) đang sử dụng 2 loại kit test nhanh Covid-19 do Việt Nam và Mỹ sản xuất có giá là 200.000 đồng/mẫu cho kit test của Việt Nam, còn của Mỹ là 300.000 đồng. Nếu thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR là 790.000 đồng/mẫu; trường hợp xét nghiệm cho người có nhu cầu xuất cảnh giá lên tới 1.290.000 đồng/mẫu.

Trái ngược với mức giá cao ngất ngưởng trên, tại một số bệnh viện công như: Đức Giang, Việt Đức, Hà Đông… giá xét nghiệm Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế vào khoảng 100.000 đồng/mẫu đối với test nhanh và 518.400 đồng/mẫu đối với RT-PCR.

Tin cùng chuyên mục