Mắc bệnh dài ngày, hưởng chế độ ra sao?

* Một người mắc bệnh ung thư, đã mổ nhưng cần theo dõi, tái khám định kỳ; do làm công việc nặng nên người này bị mất sức lao động, không thể làm nữa. Vậy để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) đau ốm dài ngày chỉ cần làm hồ sơ một lần khi ra viện (mới mổ xong) hay mỗi lần tái khám đều phải làm thủ tục? (Công ty CP Thiết bị Việt Anh, quận Bình Thạnh, TPHCM)

* Bà NGUYỄN THỊ THU, Phó Giám đốc BHXH TPHCM: Người lao động nếu nghỉ việc do mắc bệnh thuộc danh mục cần chữa trị dài ngày (do Bộ Y tế ban hành) thì sau mỗi đợt nghỉ để khám và điều trị (nội trú hoặc ngoại trú) xong cần nộp hồ sơ để thanh toán trợ cấp ốm đau.

* Thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cấp cho người lao động mắc bệnh dài ngày được sử dụng bao lâu? Hiện doanh nghiệp đang có người lao động mắc bệnh dài ngày, nhưng thẻ BHYT lại bị khóa và được cơ quan BHXH trả lời khi nào duyệt hồ sơ ốm đau thì mới khám chữa bệnh được? Ai sẽ chịu trách nhiệm khi người lao động không sử dụng được thẻ BHYT? (Công ty CP Sài Gòn Food, huyện Bình Chánh, TPHCM).

 * Điểm 2.3 khoản 2 Điều 17 Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14-4-2017 của BHXH Việt Nam quy định: Người lao động nghỉ việc đang hưởng chế độ ốm đau do mắc bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày (theo quy định của Bộ Y tế) là đối tượng tham gia BHYT do tổ chức BHXH đóng.

Căn cứ Quyết định số 166/QĐ-BHXH ngày 31-1-2019 của BHXH Việt Nam, khi đơn vị lập hồ sơ giải quyết chế độ ốm đau, trường hợp nghỉ ốm dài ngày, cơ quan BHXH sẽ cấp thẻ thuộc đối tượng tham gia BHYT do tổ chức BHXH đóng có thời hạn tối đa 6 tháng.

Sau thời hạn 6 tháng mà người lao động tiếp tục được cơ quan BHXH duyệt ốm đau do mắc bệnh dài ngày thì cơ quan BHXH sẽ cấp thẻ tương ứng với thời gian được duyệt ốm đau. Trường hợp đơn vị không nộp hồ sơ giải quyết chế độ ốm đau (Phiếu giao nhận hồ sơ 201) kịp thời, ảnh hưởng đến quyền lợi khám chữa bệnh của người lao động thì đơn vị hoàn toàn chịu trách nhiệm. 

Trường hợp từ tháng 1-2019 trở đi chưa được duyệt chế độ ốm đau dài ngày, cơ quan BHXH sẽ cắt thẻ BHYT từ ngày 1-5-2019. Vì vậy, nếu đơn vị có đối tượng ốm đau dài ngày bị khóa thẻ BHYT, đơn vị liên hệ BHXH nơi quản lý để xác định nguyên nhân khóa thẻ và có hướng dẫn cụ thể.

* Đối với trường hợp người lao động vừa có ngày nghỉ không lương trong tháng, vừa có thời gian nghỉ ốm đau và tháng đó không đóng BHXH do nghỉ không lương nhiều ngày thì có được thanh toán trợ cấp ốm đau không? Nếu người lao động đi làm nửa buổi hoặc một vài giờ, sau đó bị bệnh đi khám bệnh trong ngày có giấy nghỉ hưởng BHXH, vậy có được hưởng trợ cấp ốm đau cho ngày đó? (Công ty TNHH Digi Texx, quận 12, TPHCM).

* Căn cứ Quyết định số 166/QĐ-BHXH, khi đơn vị lập hồ sơ giải quyết chế độ ốm đau theo Phiếu giao nhận hồ sơ 201, trường hợp nghỉ ốm dài ngày, cơ quan BHXH sẽ cấp thẻ thuộc đối tượng tham gia BHYT do tổ chức BHXH đóng có thời hạn tối đa 6 tháng. Sau thời hạn 6 tháng mà người lao động tiếp tục được cơ quan BHXH duyệt ốm đau do mắc bệnh dài ngày thì cơ quan BHXH sẽ cấp thẻ tương ứng với thời gian được duyệt ốm đau.

Nếu người lao động vừa có thời gian nghỉ ốm đau, vừa có thời gian nghỉ không lương thì những ngày nghỉ ốm được thanh toán trợ cấp ốm đau, nếu có chứng từ nghỉ hưởng BHXH theo quy định, không thanh toán trợ cấp ốm đau cho những ngày nghỉ không lương. Trường hợp đi làm nửa buổi rồi bị bệnh đi khám, thì được thanh toán trợ cấp ốm đau khi đơn vị đề nghị thanh toán 1 ngày nghỉ ốm.

Bạn đọc gửi câu hỏi theo địa chỉ: Ban Chính trị - Xã hội, Báo SGGP, số 432 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3, TPHCM; hoặc điện thoại 0914 446618, email: duongloan@sggp.org.vn

Tin cùng chuyên mục