Mái ấm của một nhà khoa học

Với niềm say mê khoa học, GS-TSKH Trần Ngọc Thêm là một nhà nghiên cứu đầu ngành về Văn hóa học, Ngôn ngữ học và Đông phương học. Hiện ông là Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng của Trường Đại học KHXH&NV thuộc ĐHQG TPHCM. Trong gia đình ông, triết lý văn hóa học luôn được ứng dụng trong phương pháp nuôi dạy con, trở thành mạch nguồn để giữ gìn nếp nhà một cách khoa học.
Mái ấm của một nhà khoa học

Với niềm say mê khoa học, GS-TSKH Trần Ngọc Thêm là một nhà nghiên cứu đầu ngành về Văn hóa học, Ngôn ngữ học và Đông phương học. Hiện ông là Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng của Trường Đại học KHXH&NV thuộc ĐHQG TPHCM. Trong gia đình ông, triết lý văn hóa học luôn được ứng dụng trong phương pháp nuôi dạy con, trở thành mạch nguồn để giữ gìn nếp nhà một cách khoa học.

Mái ấm của một nhà khoa học ảnh 1

Gia đình GS-TSKH Trần Ngọc Thêm.

Rèn con tự lập

Gia đình GS-TSKH Trần Ngọc Thêm có may mắn là cả hai vợ chồng đều hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy văn hóa học. Vợ ông là Ths. Nguyễn Thị Tuyết Ngân hiện cũng đang công tác tại trung tâm do ông làm giám đốc. Nhờ vậy gia đình rất thống nhất trong việc áp dụng khoa học và triết lý văn hóa học vào việc nuôi dạy con cái.

Ths. Nguyễn Thị Tuyết Ngân chia sẻ về kinh nghiệm nuôi dạy con của mình: “Thay vì chăm bẵm từng ly từng tí, tôi chọn cách rèn luyện để con có thể tự làm mọi việc. Bởi bạn không thể có mặt mọi lúc mọi nơi, càng không thể dõi theo con suốt đời nên hãy mạnh dạn đặt niềm tin vào con trẻ để cho con trải nghiệm, học hỏi trong sự hướng dẫn của mình. Tôi tập cho con làm những việc trong khả năng và độ tuổi, cả bé trai lẫn bé gái khi còn nhỏ đều phải biết biết dọn dẹp góc học tập, khi cao đến tầm bếp phải biết nấu nướng vài món ăn cơ bản và ở lứa tuổi nào cũng phải biết xử lý những tình huống bất ngờ khi cần thiết”.

Bé Thi Nga (11 tuổi), con gái út của giáo sư, kể: “Lúc còn đang học mầm non, con đã được mẹ dạy nhớ số nhà, số điện thoại của ba mẹ. Mẹ luôn có một kho bài tập thú vị để rèn luyện cho chúng con về những tình huống có thể gặp phải: nếu bị lạc trong siêu thị hay ở khu vui chơi đông người thì làm thế nào; nếu chẳng may bị kẻ xấu khống chế thì xử lý ra sao…” Ths. Tuyết Ngân nhớ lại, có lần đưa con đi tham gia cuộc thi “Nét vẽ xanh”, khi các thầy cô phụ trách giục các mẹ vào phụ giúp con, chị kiên quyết từ chối: “Việc của bé, cứ để bé tự làm, thành tích không quan trọng bằng ý thức tự lập”. Đi thi Olympic môn toán, các phụ huynh thường cho con mang theo máy tính, riêng chị Tuyết Ngân luôn bắt con mình phải tự làm các phép toán cộng trừ nhân chia.

Với cách giáo dục như thế, ý thức cá nhân của các bé sẽ được hình thành ngay từ những năm tháng đầu đời. Đứa trẻ ham thích làm việc sẽ hãnh diện được tự mình rửa những cái chén đĩa mình vừa ăn, biết mạnh dạn nhận lỗi nếu trót lỡ đánh vỡ và được hướng dẫn xử lý “bãi chiến trường mảnh vụn” của mình. Đứa trẻ ấy khi lớn lên sẽ có ý thức trách nhiệm giải quyết những công việc của chính mình, biết chấp nhận thất bại, biết mạnh dạn nhận lỗi và có thể bình tĩnh, tự tin tự mình xử lý mọi tình huống.

Nuôi dạy con bằng triết lý văn hóa học

Từ triết lý âm dương vốn là cái hồn của văn hóa Việt Nam, GS Trần Ngọc Thêm luôn chú ý giáo dục cho con nhận thức về tính hai mặt của mọi vấn đề trong cuộc sống. Bé Thi Nga kể rằng, ngay từ lúc còn học mầm non, ba mẹ đã dạy hai anh em phân tích mặt tốt mặt xấu trong mỗi sự việc.

GS Thêm chia sẻ: “Có những lúc bé vui vì thành công, nhưng cũng có những lúc bé chán nản vì những điều không được như ý. Chẳng hạn, khi bé học lớp 1, tết đến cô giúp việc về quê, mẹ hỏi bé việc này có hại gì và có lợi gì, bé bảo: “Điều hại là cả nhà phải vất vả hơn; còn điều lợi là chúng con được học cách làm việc nhà và đi đâu thì cả nhà cùng đi”. Khi cô giao cho bạn khác làm lớp trưởng, bé thấy điều có lợi là mình có nhiều thời gian dành cho việc khác, sẽ gần gũi, hòa đồng với các bạn hơn. Ngược lại, khi cháu quá phấn khích vì thành công, vợ chồng tôi sẽ nhắc bé nghĩ xem thành công đó tiềm ẩn những nguy cơ gì để tránh cho con ngủ quên trên chiến thắng”. Nói rộng ra, trẻ luôn cần được rèn luyện góc nhìn đa chiều về cuộc sống, hiểu biết và có đủ bản lĩnh đối mặt với cái xấu, cái ác, sự giả dối… để sống tốt, sống đẹp, sống trung thực hơn.

Văn hóa còn là sự lựa chọn. Trong thời đại hội nhập, những giá trị truyền thống được gìn giữ luôn đi kèm với việc học hỏi tiếp thu những yếu tố mới từ bên ngoài. Ở gia đình GS. Thêm, trong những ngày tết cổ truyền, ông bà vẫn dạy cho con cháu tự gói bánh chưng. Trong khi một mặt thì giữ gìn truyền thống, mặt khác những tri thức hiện đại như việc giáo dục giới tính luôn được đem ra trao đổi trong gia đình một cách rất thẳng thắn.

Văn hóa còn là sự dung hòa giữa việc chăm sóc gia đình và công việc ngoài xã hội. Khi được hỏi: “Ở nhà ba mẹ khó hay dễ?”, bé Thi Nga cười đáp: “Ba mẹ con vừa khó vừa dễ. Khó vì hay nhắc con không được vét đĩa, không được nhai thành tiếng, không được ngồi co chân lên ghế, không được lên mạng quá nhiều thời gian, phải ngăn nắp gọn gàng; nhưng ba mẹ cũng dễ vì cho con học tất cả những gì con thích, thường xuyên đưa chúng con vào hiệu sách và lần nào cũng cho mua sách thoải mái; ba mẹ hay dắt chúng con đi dự các sự kiện văn hóa và cùng chúng con đi chơi vào dịp cuối tuần“.

PHAN NGỌC

PHAN NGỌC

Tin cùng chuyên mục