Không chỉ đem đến cho khán giả những đêm diễn đặc sắc và mới lạ, Liên hoan Xiếc quốc tế 2016 diễn ra từ ngày 28-5 đến 4-6 tại TP Huế còn là cơ hội để các nghệ sĩ Việt Nam học hỏi, giao lưu với các nghệ sĩ xiếc quốc tế nhằm góp phần nâng cao trình độ biểu diễn phục vụ khán giả.
Sự thể hiện khéo léo, phô diễn vẻ đẹp hình thể, sức mạnh dẻo dai của nghệ sĩ kết hợp trang phục, âm thanh và ánh sáng sân khấu Liên hoan Xiếc quốc tế 2016 đã mang đến cho khán giả cảm xúc hồi hộp chờ đợi rồi vỡ òa, trầm trồ thán phục.
Trong 2 đêm đầu tiên trong khuôn khổ Liên hoan Xiếc quốc tế diễn ra ngay tại Trung tâm Thể thao TP Huế, 11 đoàn xiếc trong và ngoài nước đã cống hiến cho người xem giả hơn 20 tiết mục tiêu biểu, đỉnh cao của nghệ thuật xiếc. Trong đó, đoàn xiếc đến từ Ukraina với phần trình diễn “Thăng bằng trên thang” và tiết mục “Đèn xoay” của đoàn xiếc Quế Lâm - Trung Quốc đã làm cho khán giả mãn nhãn trước từng động tác thể hiện sự phối hợp nhuần nhuyễn, ăn ý giữa các nghệ sĩ.
Cùng với đó, những màn nhào lộn trên không của chú hề vui nhộn Krissana KhamKong đến từ Thái Lan hay tiết mục “Thăng bằng trên ống lăn” của NSƯT Phi Vũ và Hoàng Dũng đến từ Nhà hát Nghệ thuật Xiếc Phương Nam của TPHCM đã khiến khán giả hồi hộp đến nghẹt thở. Xen cài là các tiết mục đu vòng điệu nghệ, những màn ảo thuật kinh ngạc… Đặc biệt, phần trình diễn xiếc thú trăn và gấu của Liên đoàn Xiếc Việt Nam tạo nên một không khí vô cùng thích thú, hào hứng, được các khán giả nhí hò reo cổ vũ và vỗ tay tán thưởng.
Tiết mục lắc vòng của đoàn Campuchia
Chị Hải Lan (TP Huế) chia sẻ, ban tổ chức bố trí để mỗi đoàn xiếc trình diễn một tiết mục trong số các tiết mục tham gia dự thi liên hoan ở từng đêm diễn, gắn với từng thể loại đã tạo cho người xem nhiều cung bậc cảm xúc. Đặc biệt, lần đầu tiên tại cố đô Huế diễn ra Liên hoan Xiếc quốc tế đã khiến cho khán giả nơi đây vốn chỉ quen thưởng thức các loại hình nghệ thuật diễn xướng mang tính hàn lâm, bác học như ca Huế, nhã nhạc cung đình… được hòa nhịp cùng “cơn gió lạ” qua những màn biểu diễn nghệ thuật đầy ngẫu hứng bằng kỹ thuật biểu diễn điêu luyện. Qua đó người thưởng thức như được cùng hòa nhịp với từng động tác của người nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu.
Theo ông Trịnh Xuân Hà, Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và tạp kỹ Hà Nội thì Liên hoan Xiếc quốc tế 2016 được tổ chức không chỉ bởi muốn đem đến cho khán giả những đêm diễn đặc sắc, mà còn là cơ hội hiếm có để các nghệ sĩ xiếc Việt Nam học hỏi tài năng, kỹ năng của các nghệ sĩ nước bạn. Năm nay, ban tổ chức chủ động chọn lựa và sắp xếp từng tiết mục nghệ thuật của các đoàn dự thi nên đã đảm bảo hạn chế các tiết mục trùng lắp, chất lượng các đêm diễn tốt hơn, giới thiệu đến công chúng những tiết mục xiếc xuất sắc nhất. Các tiết mục xiếc Việt Nam tham dự cũng đảm bảo tính kỹ thuật và bản sắc văn hóa dân tộc.
Liên hoan Xiếc quốc tế 2016 do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT-DL) phối hợp với Sở VH-TT-DL Thừa Thiên - Huế tổ chức tại Huế quy tụ gần 70 nghệ sĩ, diễn viên của 11 đoàn xiếc đến từ 7 quốc gia gồm: Campuchia, Lào, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, Ukraine và Việt Nam.
Các đoàn xiếc trình diễn trên 30 tiết mục có chất lượng nghệ thuật, có sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật trình diễn xiếc với các yếu tố nghệ thuật khác như xử lý tiết tấu âm nhạc, trang phục, đạo cụ, mỹ thuật sân khấu, âm thanh, ánh sáng... ở các thể loại: Nhào lộn, tung hứng, thăng bằng, hề xiếc, ảo thuật, xiếc thể thao, dây dọc, patin.
Ban tổ chức sắp xếp cho các tiết mục tham dự liên hoan được biểu diễn hai lần trong các đêm diễn từ ngày 28-4 đến 2-6. Tiếp đó, tuyển chọn các tiết mục tiêu biểu, xuất sắc nhất biểu diễn phục vụ công chúng tại đêm gala tối ngày 3-6. Đêm bế mạc và trao giải sẽ diễn ra vào tối ngày 4-6. Hội đồng nghệ thuật chấm điểm các tiết mục theo các tiêu chí về kỹ thuật, nghệ thuật và sự tìm tòi sáng tạo, đặc biệt là các tiết mục mới vừa được dàn dựng, có sự mới lạ, mang lại hiệu quả cao để trao tặng huy chương.
Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Vương Duy Biên cho biết, nối tiếp thành công của 4 lần trước, Liên hoan Xiếc quốc tế năm 2016 lần đầu tổ chức tại Huế là sự kiện văn hóa mang ý nghĩa quan trọng, hội tụ và giới thiệu bản sắc văn hóa của các dân tộc thông qua nghệ thuật xiếc. Đây còn là dịp để tôn vinh, giới thiệu hình ảnh, đất nước và con người Việt Nam với thế giới.
Ông Đào Đăng Hoàng, Trưởng ban tổ chức Liên hoan Xiếc quốc tế 2016 chia sẻ, liên hoan là cơ hội để các nhà quản lý nghệ thuật, các nghệ sĩ xiếc Việt Nam giao lưu, học hỏi; trao đổi và chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong quá trình lao động sáng tạo nghệ thuật. Từ đó, có những đổi mới về phương pháp tổ chức, quản lý, sáng tạo những tác phẩm đạt chất lượng nghệ thuật cao, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng.
VĂN THẮNG