Mang xuân đến với bệnh nhi ung thư

Dù không đi được, phải ngồi xe lăn, khi ven truyền dịch vẫn còn găm trên cánh tay bé bỏng, hơn trăm bệnh nhi ung thư tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM vừa có một ngày “Xuân yêu thương” trọn vẹn.

Niềm vui của các bệnh nhi

Thấy các bạn cùng phòng xúng xính áo dài sắc màu, mang giày dép chuẩn bị theo ba mẹ xuống sân bệnh viện tham gia ngày hội “Xuân yêu thương”, bé Lều Thị Nga (5 tuổi) trằn trọc không ngủ trưa được, háo hức đòi mẹ ẵm xuống sảnh. Trước mặt bé Nga là một sân khấu đầy hoa mai hoa đào, có cả mấy con lân nhảy theo tiếng trống tưng bừng. Rồi tới mười mấy gian hàng quà tết có trái cây, bánh kẹo, thú nhồi bông, tò he, bong bóng, tô màu vẽ tranh, tô tượng… Bé Nga reo lên vui mừng, bấm vai mẹ đòi tới quầy tô màu.

Các anh chị tình nguyện viên tươi cười lấy ghế cho bé ngồi, lấy tranh vẽ sẵn và mấy cây bút màu sặc sỡ chỉ bé Nga tô. Cô bé hồ hởi tô nguệch ngoạc một con cào cào, vừa tô vừa quay sang mẹ cười thích chí. Tô màu xong, bé được qua gian hàng thú nhồi bông, nhận phần quà của mình. Khi tới gian hàng chụp ảnh tết, bé Nga được các tình nguyện viên ân cần mặc cho chiếc áo dài xinh xắn màu đỏ, không quên gắn cho cô bé một chiếc cài tóc trên đầu.

Mang xuân đến với bệnh nhi ung thư ảnh 1 Trao quà tết cho bệnh nhi đặc biệt khó khăn
Chị Thào Thị Dâu (mẹ bé Nga) mắt rưng rưng, kể: “Cháu bị u mô bào ác tính 2 năm nay. Nhà tôi ở tận xã Cư San, huyện M’Đrăk, tỉnh Đắk Lắk. Từ ngày bé bệnh, tôi đưa con đi đi về về suốt. Nhà chỉ làm nương rẫy nên phải mượn tiền hàng xóm để điều trị cho con. Nhiều ngày liền bé đau, rên khóc tội lắm. Bữa nay thấy lễ hội tết, bé năn nỉ mẹ cho xuống đây chơi. Nhìn con cười vui, tôi rất xúc động”.

Vừa nhận xong một thú nhồi bông tiên cá, bệnh nhi Đỗ Mỹ Hạnh (5 tuổi rưỡi) được mẹ là chị Lê Thị Mỹ Hà (ở xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) ẵm qua gian hàng chụp ảnh tết. Cứ mỗi lần nghe các cô chú kêu cười lên đi con, bé Hạnh nở nụ cười thật tươi dù da mặt bé rất xanh xao. Chiếc mấn hoa cài trên mái đầu giờ đã không còn sợi tóc nào nữa cứ rớt xuống mấy lần, chị Hà lại lượm lên rồi chỉnh sửa ngay ngắn cho con.

Nhìn con trong vòng tay của các tình nguyện viên, được hướng dẫn chơi trò chơi, được tặng quà, chụp ảnh tết rộn ràng, chị Hạnh xúc động, mắt đỏ hoe. Chị cho biết con mình nhập viện đã 8 tháng, bác sĩ nói bé bị bướu nguyên bào thần kinh, giờ đã di căn xuống thượng thận. 

Là bệnh nhi điều trị u não suốt 6 năm nay tại Bệnh viên Ung bướu, bé Tống Mỹ Anh (7 tuổi) vô cùng thích thú khi được mẹ dẫn xuống lễ hội “Xuân yêu thương”. Mẹ của bé là chị Nguyễn Thị Thúy Hằng chia sẻ: “Xuống đây bé được tặng quà, được lì xì tết, được đi khắp các gian hàng chơi các trò chơi nên mặt rạng rỡ vậy đó. Chứ hồi nãy, ngồi trên phòng bệnh, bé đau lắm. May là có lễ hội tết dành cho các bệnh nhi, con tôi đã có được một ngày ấm áp”.

Mong bệnh nhi được tiếp động lực

Đây là năm thứ hai ngày hội “Xuân yêu thương” được tổ chức ở Bệnh viện Ung bướu TPHCM. Ngày hội do bệnh viện phối hợp cùng nhóm thiện nguyện “Doanh nghiệp và nhà báo” thực hiện, nhằm chia sẻ khó khăn với các em nhỏ đang điều trị tại bệnh viện không có điều kiện về quê đón Tết Nguyên đán.

Các hoạt động của ngày hội được tổ chức tỉ mỉ, chu đáo, với mong muốn đem lại niềm vui cho bệnh nhi, giúp các bé quên đi đau đớn, tiếp tục chiến đấu với bệnh tật.

Ngoài phát phiếu mua hàng cho bệnh nhi và tổ chức 12 gian hàng tết, ngày hội còn diễn ra các hoạt động yêu thương khác như biểu diễn văn nghệ, ảo thuật, tổ chức hội thi tô tượng cho các bé. Ban tổ chức cũng đi thăm hỏi và trao quà tại 6 phòng bệnh cho những bệnh nhi không thể xuống tham gia ngày hội, với 180 phần quà.

Mỗi phần quà gồm sữa, bánh kẹo và bao lì xì 500.000 đồng. 20 phần quà đặc biệt cho các bệnh nhi hoàn cảnh thật sự rất khó khăn và 50 suất cho bệnh nhân người lớn cũng được trao ngay tại sân khấu diễn ra lễ hội, mỗi suất là một triệu đồng.

Theo TS Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM, đối với người bệnh ung thư, đặc biệt là trẻ em, thì việc điều trị rất lâu dài và khó khăn; hầu như tất cả phương án điều trị ung thư đều gây triệu chứng phụ rất khó chịu, người bệnh có thể muốn từ bỏ điều trị.

“Ngoài việc chăm lo vật chất, mong sao các cháu đủ điều kiện điều trị, thì vấn đề tinh thần cũng rất quan trọng. Tại bệnh viện, chúng tôi mong muốn có nhiều chương trình  ý nghĩa giúp các bé cũng như thân nhân cảm thấy thoải mái, ấm áp, có động lực”.

Tin cùng chuyên mục