Địa danh nào của thành phố Cần Thơ nổi tiếng nhất? Người xứ “gạo trắng nước trong” chẳng khó chọn, đó chính là bến Ninh Kiều. Nơi có nhiều cái “nhất” so với các địa danh khác như: thời gian “sống” trong ngày cao nhất; số lượng, mật độ du khách cao nhất; chợ hoa lâu đời nhất; có công viên, bến tàu du lịch sớm nhất; vào văn thơ nhạc họa nhiều nhất; giá nhà, đất “kịch sàn” nhất...
1. Nằm ngay “đầu vàm” hữu ngạn sông Hậu, bến Ninh Kiều là nơi hợp lưu của ngã ba sông Hậu và sông Cần Thơ. Suốt 65km sông Hậu chảy qua thành phố, khúc sông này sôi động, rực rỡ nhất. Đối diện bến Ninh Kiều, nhấp nhô xanh mướt của cồn Ấu, xóm Chài. Đêm về trời nước mênh mang, hoa sóng dát vàng vờn bóng nước; cây cầu thế kỷ Cần Thơ lấp lánh ánh đèn, du thuyền 2-3 tầng nhấp nháy trên sông...
“Đèn xưa lần dở” mới thấy hết vị thế “địa linh” của bến Ninh Kiều. Thuở đầu mở đất là nơi cánh thương hồ đợi chờ con nước lên để trao đổi hàng hóa, giao lưu bạn bè, dần tiến tới lập trạm trung chuyển, lưu giữ hàng hóa rồi thành chợ, khởi đầu cho một đô thị phồn vinh sau này.
Trên cầu đi bộ ở bến Ninh Kiều
Thời Pháp, địa danh này có tên “Le quai de Commerce”, dân bản địa gọi là bến Hàng Dương bởi dương liễu rủ dọc bờ. Mới đầu chỉ là bến chợ, bến “Lục tỉnh” có hàng trăm ghe, tàu trải dài suốt bến, tỏa khắp miệt Hậu Giang, ngược tận Nam Vang. Bên cạnh chùa Ông (Quảng Triệu Hội quán - 1894) của người Hoa là dãy nhà một trệt một lầu (khách sạn Tây Hồ của dòng họ Vương, đến nay vẫn còn)… Bến dần được chỉnh trang xây gạch, cẩn đá xanh ngăn sóng thủy triều. Sau đó mới dành riêng một khoảng đất dài 440m, rộng 14m; một đầu là chợ Cần Thơ, còn lại xây công viên, đặt ghế đá, chừa lề đường làm nơi dạo mát ngắm cảnh.
Khi bỏ “Ngũ trấn” lập nên “Lục tỉnh” (1832), Cần Thơ vẫn nép mình đâu đó. Vậy mà đến đầu thế kỷ 19, nơi đây “phố xá trù mật, buôn bán tấp nập” do người Pháp xây dọc bến sông hàng loạt công trình lớn như Bugalo (nay là khách sạn Ninh Kiều 1) dành cho sĩ quan Pháp, được coi là xưa nhất trong hệ thống khách sạn ở ĐBSCL; nhà lồng chợ Cần Thơ, trước cả chợ Bến Thành (1914); chi nhánh Ngân hàng Đông Dương chủ yếu phục vụ xuất khẩu (gạo) cho cả vựa lúa Nam Kỳ, nhờ vậy, “các cuộc thi về gạo và trạm gạo đã được tổ chức đầu tiên tại Cần Thơ để từ năm 1921, việc quy chuẩn hóa hạt gạo đồng bằng là bắt buộc” (Sophia Keiga, nghiên cứu sinh Đại học Provence - Pháp).
Đến năm 1958, bến có tên mới là Ninh Kiều, nhắc nhở trận thắng lẫy lừng của nghĩa quân Lam Sơn: Ninh Kiều máu chảy thành sông, tanh hôi vạn dặm/Tốt Động thây chất đầy nội, nhơ để ngàn năm (Bình Ngô đại cáo - Nguyễn Trãi). “Cầu tàu Lục tỉnh” sử sách ghi rõ đã thay mặt cả nước đón đoàn tù chính trị từ Côn Đảo trở về (đợt hai, tháng 10-1945), tiếp sức cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vừa bùng nổ.
Từ một bến sông, qua gần một thế kỷ, thành tên của một đơn vị hành chánh, quận trung tâm Ninh Kiều. Cũng bởi sự đắc địa trên bến dưới thuyền, tính “trung tâm” vẫn đi suốt đến tận bây giờ, các cơ sở công quyền, dịch vụ thương mại, ngân hàng, khách sạn nhà hàng… luôn nằm lệch về hướng này, nơi có bến Ninh Kiều. Bến Ninh Kiều như là “mặt tiền” của Cần Thơ.
2. Chiếc ghe tam bản chòng chành khi bà Hai Nhọn (67 tuổi) cúi người xuống để kéo chiếc neo liệng lên mũi ghe. Đôi tay hằn gân xanh bám chặt đuôi mái chèo, rướn người nhịp nhàng khua mái chèo dưới nước. Tách bến một đoạn, bà Hai Nhọn lẹ làng giật máy, hướng mũi ghe ra giữa dòng sông Hậu. Gió mát lạnh, nắng hửng sóng sánh mặt sông, chiếc tam bản chạy êm ru như khi “bắt cua” ở đầu vàm. Ghe ra giữa sông lớn rồi luồn dưới chân cầu Cần Thơ, vòng quanh cồn Ấu - xóm Chài… “Hồi nhỏ tôi đã lênh đênh theo cha bán lu dọc ngang sông rạch miền Tây. Lúc giặc giã thì chèo đò đưa đón, nuôi giấu cán bộ, tải thương “mấy ông đằng mình”. Từ ngày thống nhất đất nước tới giờ, tôi bám khúc sông này đưa đón khách”, bà Hai Nhọn tâm sự.
Nhà bà Hai Nhọn ở xóm Chài. Cái xóm đã tạo hồn cho bến Ninh Kiều. “Bến sông đời người”, các cụ nói vậy. Suốt nhiều thế hệ, nước ròng nước lớn vỗ về, cưu mang bao phận người. Khi con tôm con cá cạn kiệt, họ chuyển sang chở đò rước khách. Mỗi năm Cần Thơ có hơn triệu du khách, hầu như ai cũng dạo gót bến Ninh Kiều. Hơn trăm ghe tàu du lịch trên bến hiện giờ toàn của dân xóm Chài. Và nhiều số phận đã đổi thay, lên đời. Nổi nhất là bà Nguyễn Thị Gương (50 tuổi), lúc 13 tuổi bà đã theo nghiệp cha trên chiếc đò chèo mỏng manh. Chắt chiu, lăn lộn, nay có hẳn công ty, làm chủ 15 chiếc tàu du lịch lớn nhỏ. Dân bến “xanh mặt” khi bà bỏ trên 200 triệu đồng mua một lúc mấy chiếc tàu thanh lý, bỏ thêm nửa tỷ đồng để sửa sang cho đạt tiêu chuẩn đón khách tứ xứ thăm chợ nổi, sông rạch Cần Thơ. Có ngày, Công ty TNHH Hoa Gương của bà đón cả chục đoàn khách.
Bao nhánh sông trôi đi xa nguồn cội/ Nhưng phù sa mãi xuôi về phương Nam và xóm Chài tuy còn nghèo nhưng cái tình thâm trầm sâu lắng lắm. Tháng Giêng âm lịch năm nào, lễ hội cầu an (Tống phong hay Tống ôn - tống gió) mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an quy mô nhất vẫn tổ chức ở miếu Bà (xóm Chài) với hàng ngàn lượt người tham dự. Lễ độc đáo đi nghinh (tống bè thủy lục), múa lân với cả trăm tàu dập dìu từ đầu vàm vẫn như thuở nào. Sự kiện tang thương sập cầu Cần Thơ (ngày 26-9-2007), dân xóm Chài quày quả hai bờ chở người, cơm nước, đưa rước thi hài người xấu số suốt mấy ngày và không ai ngửa tay cầm tiền công nào cả...
“5 năm trở lại đây, khi lượng khách du lịch đến nhiều, bến rạo rực hẳn lên”, anh Năm Xuân, ngoài 50 tuổi, thợ chụp ảnh đã hơn 25 năm, tiếp chuyện. Anh là thế hệ tiếp nối các bậc đàn anh: Văn Mười, Văn Kỉnh, Hoàng Xuân Sít… những nhiếp ảnh gia nổi danh trên bến Ninh Kiều ngày trước. Nhịp sống ở đây nhanh, mạnh, đậm đà hơi thở châu thổ. Ẩm thực đường phố đã “vô đối” rồi. Sáng sớm có chén tàu hũ nước cốt dừa thơm nức mùi gừng, gói xôi màu ngậm đầy hương nếp, lát bánh tét lá cẩm nóng hừng hực cho mấy dì mấy bác tập thể dục buổi sáng. Hoàng hôn vừa buông lại ngào ngạt đậu phộng rang, chuối nướng, vị ngọt lịm của mía lùi, bắp, củ năng, củ sắn đến gánh hột vịt lộn, xe mì, quầy chè cùng đủ loại trái cây đồng bằng căng mọng. Trong các tuyến phố chuyên doanh thời trang, đồ lưu niệm, trái cây, đi bộ, chợ đêm…nối vô đường Hai Bà Trưng, du khách mê mẩn, phấn khích “phố ăn vặt” đối diện nhà lồng chợ cổ (hai tuyến đường Phan Bội Châu - Phan Chu Trinh). Hoạt động từ 17 giờ mỗi ngày nhưng sôi động nhất từ 19 - 22 giờ với gần 70 lô thiết kế di động, chuyên bán đồ nướng dân dã theo kiểu miền Tây, chỉ với 5.000 - 15.000 đồng là trên tay đã thơm lựng cây xiên chả cá, bò lụi, đậu hũ, khoai….
Rất nhiều sự kiện văn hóa lớn được tổ chức tại đây, dưới chân tượng đài Bác Hồ. Bến Ninh Kiều trở thành địa danh du lịch - văn hóa nổi tiếng “từ xưa lận”.
3. Nhà hàng Nam Bộ nằm giữa con đường Hai Bà Trưng, giao với đường Ngô Quyền. Leo lên tầng bốn, lai rai “vài ve”, hóng gió sông hay ngắm bình minh ló dạng thật tuyệt vời. Mặt sông sóng sánh ánh bạc, văng vẳng tiếng đờn giọng ca; phía dưới có “đèn ba ngọn” hằn sâu ký ức kẻ xa xứ; người xe xuôi ngược...
Cần Thơ đa sắc, luôn luôn mới cũng bởi lòng người rộng mở. Câu chuyện về ông Tây “Xuyên Mekong”, chủ nhà hàng Nam Bộ này thật lý thú. Benóit Perdu, dân thân mật gọi ông là Ben, người vùng Normandie (Pháp), lấy vợ Hải Phòng, định cư tại thành phố Cần Thơ hơn chục năm rồi. Là dân chuyên nghiệp, Ben nắm lấy ngay cơ hội khai thác triệt để vị thế đắc địa “trên bến dưới thuyền” khi mở nhà hàng Nam Bộ nhưng có đủ món ăn Âu, Á, kèm luôn khách sạn 7 phòng tiêu chuẩn 4 sao; làm luôn nhà hàng Sao Hôm trong nhà lồng chợ cổ ngó ra mặt sông. Trước đó, ông đóng 2 - 3 chiếc tàu lớn, lập công ty đưa khách ngao du dòng Mekong huyền thoại. Cởi mở, nói tiếng Việt rành rẽ, khoái canh chua cá lóc, chả giò rế, cá kho tộ, tép rang… Ben hiện là thành viên của Hiệp hội Du lịch thành phố Cần Thơ.
“Bến Ninh Kiều đổi thay nhiều rồi, lẹ lắm. Làm mới chợ cổ, công viên...”, bà Hai Nhọn khoe vậy. Qua nhiều lần nâng cấp, bến Ninh Kiều trở thành công viên du lịch lớn nhất thành phố (hơn 10.000m²). Mới hơn năm trước, chính quyền thành phố triển khai dự án xây kè dọc hai bờ sông Cần Thơ dài trên 10km, từ bến Ninh Kiều đến tận chân cầu Cái Răng. Cùng với việc hoàn thành bờ kè Cái Khế dài 2km, từ bến phà Cần Thơ (cũ) đến đầu rạch Khai Luông đã gắn với Khu du lịch Sông Hậu, Cần Thơ kỳ vọng sẽ có tuyến kè ven sông đô thị đẹp nhất Việt Nam. Ngành du lịch Cần Thơ sẽ mở thêm hai tuyến du lịch trên sông đi Phong Điền - Cái Răng, vô cả những con rạch nhỏ, cả ngày lẫn đêm bằng hai loại tàu nhanh và tàu chậm kết nối với bến Ninh Kiều.
28 Tết Bính Thân vừa rồi, bến Ninh Kiều lại “nóng rực”, khánh thành cầu đi bộ. Cây cầu nhìn ngay ra ngã ba sông, dài 200m, rộng 7,2m, từ bến Ninh Kiều vắt sang nhà hàng Hoa Sứ (cồn Cái Khế). Cầu uốn lượn hình chữ S; có hai bông sen lớn gắn đèn LED đa màu nằm gọn trong chiếc đăng cá cách điệu đặc trưng của sông nước đồng bằng. Cầu có mái che nghiêng tạo bóng mát; độ dốc thấp, người lớn tuổi và người ngồi xe lăn có thể dễ dàng di chuyển. Chân cầu có thêm vườn hoa, tiểu cảnh, bến du thuyền… Trên dòng sông Hậu, bến Ninh Kiều rực rỡ, lung linh hơn rất nhiều, thu hút mỗi ngày hàng trăm lượt du khách trong và ngoài thành phố đến vui chơi.
“Trong nhiều sự đổi thay, cầu Cần Thơ và cầu đi bộ Ninh Kiều tạo được quan tâm nhiều nhất bởi tính “dân sinh”, mức độ thụ hưởng, đó là sự tiếp nối sinh động hiện tại với quá khứ; hiện đại với bản sắc, truyền thống. Một nét văn hóa, một điểm nhấn du lịch mới”, ông Lê Văn Mỹ, Phó Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Cần Thơ, nhận định.
Sông nước phương Nam. Hạt ngọc châu thổ. Tích xưa “Cầm Thi giang” thêm sâu đậm trong lòng người Tây Đô và bạn bè gần xa
Vũ Thống Nhất
Mời bạn đọc gửi bài dự thi về địa chỉ: Tòa soạn Báo Sài Gòn Giải Phóng, số 399 Hồng Bàng, phường 14, quận 5, TPHCM; hoặc gửi qua địa chỉ email: cuocthiphongsukysu@sggp.org.vn. Tác giả dự thi ghi rõ: Bài tham dự cuộc thi Phóng sự - Ký sự báo chí 2015 - 2016: “Ấn tượng đất nước - con người Việt Nam”, cùng địa chỉ cư ngụ, số điện thoại liên lạc. Bài gửi dự thi chưa đăng trên bất kỳ ấn phẩm nào hoặc đã phổ biến qua mạng. Ban tổ chức không hoàn trả bản thảo tác phẩm dự thi. Thể lệ cuộc thi đăng tại địa chỉ www.sggp.org.vn. |