
Không hẹn mà gặp, câu chuyện “thời sự mạng xã hội” những ngày gần đây liên quan đến hai cái tên nghệ sĩ: ca sĩ Đức Tuấn và hoa hậu Kỳ Duyên. Cả hai trở thành tâm điểm của cơn “ném đá” dữ dội từ cư dân mạng, một do dòng trạng thái cá nhân chia sẻ trên facebook và một do bức hình bị ai đó chụp trong lúc ngủ trên máy bay bị phát tán trên mạng. Câu chuyện trên một lần nữa khiến những người quan tâm phải đặt ra câu hỏi: Đâu là nguồn cơn của những cơn hung hăng ngày càng tăng xuất hiện trên mạng?

Các dòng trạng thái trên Facebook thường gây ra nhiều tranh luận trong cộng đồng mạng
Từ “bức tử” sự nghiệp
Mọi việc bắt nguồn từ một status (dòng trạng thái trên facebook) của ca sĩ Đức Tuấn sau khi Mỹ cho phép kết hôn đồng tính trên toàn lãnh thổ nước này cũng như facebook đón nhận sự kiện này bằng cách tạo ra một phần mềm để những ai ủng hộ và hưởng ứng có thể nhuộm hình lục sắc trên avatar của mình: “Cũng chả hiểu cái luật đó có liên quan gì đến Việt Nam mà mấy bạn Việt Nam ăn mừng như đúng rồi. Đổi avatar như là quốc khánh của nhà bạn ấy… Có những thứ bất thường do chính người ta làm cho nó bất thường chứ thật ra nó cũng rất bình thường như vạn vật trong vũ trụ này”. Ngay lập tức dòng chia sẻ này bị một số báo mạng copy lại, đăng tải kèm những nhận định đầy ác ý, cho rằng ca sĩ Đức Tuấn kỳ thị người đồng tính, rằng giữa dòng chảy ủng hộ và đồng cảm với người đồng tính của đại đa số thì anh đi ngược, vân vân và vân vân.
Từ đấy, một làn sóng chỉ trích, kêu gọi tẩy chay ca sĩ Đức Tuấn bắt đầu lan tràn trên mạng xã hội. Không chỉ đăng đàn kêu gọi tẩy chay, nhiều facebooker còn mang những hình ảnh của Đức Tuấn ra chế với dụng ý đầy giễu cợt. Thậm chí sau khi lên án Đức Tuấn, một người còn dẫn link bài hát Nếu một mai em sẽ qua đời do ca sĩ này thể hiện với ngầm ý “cáo phó” sự nghiệp của anh.
Sự việc Đức Tuấn chưa kịp lắng xuống thì tiếp đó, cư dân mạng lại truyền tay nhau hình ảnh Hoa hậu Kỳ Duyên và mẹ trên một chuyến bay. Theo đó, người đẹp gốc Nam Định nằm ngủ trong tư thế gác chân lên ghế khá phản cảm. Lập tức một luồng ý kiến chỉ trích Hoa hậu Việt Nam 2014 gay gắt khi cho rằng cô là con gái thì phải biết giữ ý, không nên có những hành động kém duyên như thế ở nơi công cộng. Hơn nữa, cô lại là đại diện sắc đẹp của một đất nước…
Trước đó không lâu, từ một bài trên trang facebook của một trong số những thành viên của cái gọi là “Tập đoàn Thánh bóc”, ca sĩ Hồ Ngọc Hà cũng bị cư dân mạng ném đá không thương tiếc vì cho rằng cô đang “cặp” với một đại gia buôn ngà voi và kim cương, là người thứ ba phá vỡ hạnh phúc gia đình người khác. Mặc dù chẳng ai kiểm chứng thông tin trên thực hư thế nào nhưng cư dân mạng đồng loạt hùa vào ném đá. Hàng loạt fanpage được lập ra kêu gọi tẩy chay cô, thậm chí kêu gọi tẩy chay cả những thương hiệu cô làm đại diện.
Đến “bức tử” sinh mạng
Trào lưu “ném đá hội đồng”, cách nói chỉ việc cư dân mạng theo tâm lý đám đông phản đối, tẩy chay, thậm chí chửi bới một quan điểm, góc nhìn hoặc hành vi nào đấy đang ngày càng trở thành “đặc sản” của mạng xã hội. Điều đáng nói là xu hướng trên ngày càng hung hãn, quá khích và thậm chí ác độc.
Có một thực tế rằng, nhiều cư dân mạng bây giờ chẳng cần biết đầu đuôi tranh luận thế nào, trong cuộc câu chuyện ai sai ai đúng mà… sẵn sàng lao theo số đông. Ném đá là ảo nhưng tổn thương lại là thật, khi nạn nhân bị cô lập, tẩy chay giữa cộng đồng. Thậm chí, bắt nguồn từ một vấn đề nhỏ, nhiều thành viên sẵn sàng “xé ra to”, chuyển cuộc tranh luận gay gắt mà chuyện ca sĩ Đức Tuấn ở trên có thể xem là ví dụ. Rõ ràng, đọc kỹ có thể thấy anh không hề kỳ thị giới đồng tính mà chỉ bày tỏ thái độ về trào lưu chạy theo ủng hộ quyết định cho phép hôn nhân đồng tính ở tận bên Mỹ.
Có thể góc nhìn này trùng hay không trùng quan điểm với số đông nhưng nó không đáng để bị lên án, tẩy chay, mang ra làm trò đùa, thậm chí có người còn đòi công khai số điện thoại của anh để những người phản đối gọi vào quấy rối. Hay như vụ hình cô hoa hậu ngủ bị phát tán, một chuyên gia truyền thông xã hội bày tỏ quan điểm, rằng “chỉ những kẻ lệch lạc nhân cách mới dí điện thoại vào háng người khác chụp hình. Chỉ những kẻ vô văn hóa mới mang hình ảnh đó lên cười cợt, bình loạn và... phê phán”.
Vụ nữ sinh 15 tuổi ở Đồng Nai tự tử vì bị bạn trai tung clip ân ái lên mạng mới đây một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về những thảm cảnh từ mạng xã hội. Cái chết có lẽ là cách giải thoát cho cô bé khi bị mọi người tấn công và dè bỉu. Kẻ tung clip sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật nhưng những người gián tiếp hay trực tiếp đẩy em vào chỗ chết liệu có trăn trở, suy nghĩ hoặc chịu trách nhiệm?
Chỉ cần vài phút gõ bàn phím, chỉ cần vài giây là người ta có thể dễ dàng khiến ai đó “lên bờ xuống ruộng”, thậm chí bức tử sự nghiệp và tính mạng một con người. Nếu ông bà ta từng đúc kết “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” thì trong thế giới mạng xã hội hôm nay, việc cân nhắc bảy thậm chí nhiều lần hơn trước khi post là điều rất cần. Có lẽ không ít người cũng đang chịu đựng những thương tổn sâu sắc, có khi đến hết cả cuộc đời, bởi đám đông ảo đầy vô cảm vẫn đang gõ phím hàng phút hàng giây trên mạng xã hội.
GIA BÌNH