Mâu thuẫn khó giải

Tổ chức bảo vệ rừng phi lợi nhuận của châu Âu FERN cho biết, Liên minh châu Âu (EU) đang tập trung vào giảm tình trạng phá rừng toàn cầu. 
Châu Âu mâu thuẫn về nguồn nhiên liệu từ gỗ
Châu Âu mâu thuẫn về nguồn nhiên liệu từ gỗ

Theo các thỏa thuận khí hậu quốc tế như Hiệp định Paris, sử dụng chất đốt sinh học như gỗ được coi là không ảnh hưởng đến lượng khí thải carbon toàn cầu, mặc dù hoạt động này cũng thải khí nhà kính không thua kém so với đốt nhiên liệu hóa thạch. Vì vậy, EU đang xem xét lại cách tính mức khí thải carbon trong lĩnh vực sử dụng đất, thay đổi cách sử dụng đất và rừng (LULUCF).

Theo đó, nếu các nước EU khai thác rừng và qua đó làm giảm mật độ che phủ rừng, thì tác động của hoạt động khai thác này đối với lượng khí thải carbon phải được tính toán cụ thể lại.

Theo kế hoạch, vào ngày 19-6, các bộ trưởng môi trường của EU sẽ nhóm họp để thống nhất quy tắc tính toán khí thải carbon từ việc khai thác rừng trong lĩnh vực LULUCF.  Dự thảo của EU về LULUCF cho thấy, với cách tính toán mới, trong giai đoạn 2021-2030, lượng khí carbon dioxide tối đa từ LULUCF mà Phần Lan được phép thải ra là 4,5 triệu tấn, trong khi Helsinki cho rằng hạn ngạch carbon dioxide ở đây phải là 20-30 triệu tấn/năm.

Tuy nhiên, với lập luận “các cây mới sẽ tiếp tục được trồng lên để hút lượng khí thải carbon sinh ra từ đốt gỗ”, Phần Lan và nhiều nước Bắc Âu vẫn coi nguồn nhiên liệu từ đốt gỗ là năng lượng sạch. Hiện Phần Lan, Thụy Điển, Pháp và Áo đang phản đối dự thảo mới của EU, xuất phát từ mong muốn tăng lượng khai thác gỗ để chuyển từ nhiên liệu hóa thạch và hạt nhân sang nhiên liệu sinh học. Phần Lan đã lên kế hoạch tăng lượng khai thác gỗ rừng từ 66 triệu m³/năm hiện nay lên 80 triệu m³/năm vào năm 2030. Phần lớn lượng khai thác tăng thêm này sẽ được sử dụng làm nhiên liệu đốt.

Bộ trưởng Môi trường Phần Lan Kimmo Tiilikainen cho biết, Phần Lan đang trải qua giai đoạn suy thoái kinh tế kéo dài và tương lai cuộc sống của người dân nước này phụ thuộc nhiều vào ngành kinh tế nhiên liệu sinh học, cụ thể là hoạt động khai thác gỗ rừng. Trong khi đó, Pháp cũng có kế hoạch tới năm 2026 tăng lượng gỗ khai thác thêm 12 triệu m³ (khoảng 20%). Ủy ban Biến đổi khí hậu của Phần Lan thậm chí còn cho rằng sử dụng gỗ đốt thay thế nhiên liệu hóa thạch sẽ chỉ mang lại ích lợi về khí hậu với điều kiện ngừng sử dụng hoàn toàn nhiên liệu hóa thạch, đồng thời đất rừng được bảo tồn tốt và mức tăng tốc độ trồng cây gây rừng được duy trì như hiện nay. Ủy ban này cũng chỉ ra khai thác và sử dụng gỗ mang lại lợi ích cao nhất đối với khí hậu khi gỗ được sử dụng để tạo ra các sản phẩm không làm tăng lượng khí thải carbon như xây nhà và làm đồ gia dụng.

Tiếp tục khai thác gỗ để làm nhiên liệu sinh học hay bảo tồn rừng để lọc khí thải carbon độc hại đang làm đau đầu các chính trị gia và chuyên gia EU, khi xem xét vấn đề khí phát thải carbon từ các hoạt động thuộc lĩnh vực này.

Tin cùng chuyên mục