Máy chữa cháy chú Chì

Mỗi năm đến Ngày toàn dân phòng cháy chữa cháy (4-10), nhiều bà con ở phường Nguyễn Thái Bình, quận 1 thường nhắc tới chú Lý Nhơn Thành, Trưởng ban Bảo vệ dân phố của phường. Nhưng bà con nơi đây thường quen gọi chú bằng cái tên thân thuộc là chú Chì. Hình như từng khúc quanh cuộc đời chú Chì đều ít nhiều “gắn liền” với các vụ cháy.
Máy chữa cháy chú Chì

Mỗi năm đến Ngày toàn dân phòng cháy chữa cháy (4-10), nhiều bà con ở phường Nguyễn Thái Bình, quận 1 thường nhắc tới chú Lý Nhơn Thành, Trưởng ban Bảo vệ dân phố của phường. Nhưng bà con nơi đây thường quen gọi chú bằng cái tên thân thuộc là chú Chì. Hình như từng khúc quanh cuộc đời chú Chì đều ít nhiều “gắn liền” với các vụ cháy.

Ông Lý Nhơn Thành (chú Chì) với máy chữa cháy đeo trên vai.

Ông Lý Nhơn Thành (chú Chì) với máy chữa cháy đeo trên vai.

Lúc nhỏ, khi đang cùng đám bạn đá banh ngoài đường, bỗng nhiên chú Chì bỏ banh để rượt theo xe buýt. Cú bỏ banh đó, đội chú Chì bị thủng lưới, nhưng bù lại việc chú Chì ôm bình chữa cháy rượt theo xe buýt đã dập tắt được ngọn lửa đang phát ra từ phần sau xe. Lớn lên khi có gia đình, chú Chì trực tiếp tham gia vụ cháy lớn nhất của khu vực phía Nam lúc bấy giờ. Là một trong những người được tin đầu tiên vụ cháy Trung tâm Thương mại quốc tế ITC (quận 1), thay vì phụ giúp vợ vận chuyển hàng hóa ra ngoài, chú Chì lại lao vào hướng dẫn mọi người thoát hiểm và tham gia khống chế ngọn lửa từ tầng 1 tràn xuống. Gần nửa tiếng sau, chú Chì bất tỉnh vì ngộp khói, bỏng da và mất nhiều máu do vết thương quá nặng ở mông trong lúc chữa cháy.

Kể từ đó, chú Chì tham gia vào công tác xã hội và bảo vệ trật tự an ninh ở khu phố của mình. Công việc này cũng ít nhiều gắn liền với công tác phòng cháy tại địa phương. Sau khi được tập huấn, chú Chì về khu phố vận động bà con trang bị bình chữa cháy và dọn dẹp nhà cửa, đi lại đường dây điện để phòng cháy an toàn. Không ai gợi ý, nhưng chú Chì tự nguyện trang bị đèn cao áp, máy phát điện, máy bơm, vòi chữa cháy, mặt nạ phòng hơi độc… và dành hẳn một phần trong nhà mình để chứa thiết bị đó. Chú Chì tâm sự: “Qua tập huấn và chứng kiến nhiều vụ cháy tại địa bàn, tôi nhận thấy nếu lực lượng tại chỗ được tập huấn kỹ lưỡng, thiết bị đầy đủ thì sẽ khống chế hiệu quả ngay từ đầu khi vụ cháy xảy ra. Bởi đây là lực lượng đầu tiên phát hiện cháy và lúc đó cháy chưa lớn, ngọn lửa chưa bao trùm diện rộng”.

Từ suy nghĩ như vậy, chú Chì bắt đầu mày mò nghiên cứu, chế tạo những thiết bị chữa cháy cho Ban bảo vệ dân phố của mình. Chú Chì giải thích: “Nói chế tạo thì nghe có vẻ cao sang chứ thực tình, tôi chỉ mày mò tìm kiếm và tận dụng những vật dụng xung quanh mình mà thôi”. Thật vậy, các vòi chữa cháy và dây dẫn hiện nay không thích ứng với các vòi nước sinh hoạt trong gia đình. Chú Chì đã sử dụng bộ tiếp nước của máy giặt và để tăng thêm độ chắc chắn, không bị xì thì thêm một “cổ dê” ở đầu vòi. Thế là có nước trực tiếp để chữa cháy. Để tăng áp lực nước, chú Chì mua cái máy bơm nước nhỏ dùng để rửa xe. Máy bằng nhựa nhẹ và gọn.

Và thế là để luồn lách cơ động trong các hẻm nhỏ ở khu phố của mình, chú Chì đi đặt may cái ba lô có lỗ dây dẫn tiếp nước, tiếp điện và vòi dẫn. Chiếc máy bơm bỏ vừa vặn cái ba lô vác ở sau lưng. Cứ thế mà cơ động tiếp cận ngọn lửa. Cái vòi xịt có nhiều chức năng như phun sương để làm mát môi trường và phun tia mạnh để khống chế ngọn lửa… thì nhờ thợ hàn, thợ tiện làm. Thời gian qua, chiếc máy chữa cháy cơ động đã giúp anh em bảo vệ dân phố khống chế thành công khá nhiều vụ cháy.

Mấy ngày gần đây, bà con khu phố lại thấy chú Chì trầm tư, rồi lâu lâu lại lấy cuốn sổ nhỏ trong túi ra ghi ghi, chép chép. Mới đây, khi gặp chú Chì ở trụ sở Ban bảo vệ dân phố, chú Chì phân trần: “Trong lúc tình cờ đi rửa xe, tôi thấy người thợ xịt bột tuyết. Tôi lẳng lặng lấy một nùi giẽ nhúng xăng rồi đốt. Ngọn lửa phừng phừng vậy mà chỉ cần xịt một lớp bột tuyết là tắt ngúm. Tôi đang đặt thợ làm 2 cái bình bằng inox loại dày. Nếu thành công, chiếc máy này sẽ giúp anh em tụi tôi khống chế các vụ cháy do điện, hóa chất hay xăng dầu”.

Qua thiết kế, máy chữa cháy mới này gồm 1 bình chứa bột tuyết và một bình chứa khí. Hai bình này khoảng 20kg và cũng được bố trí vừa vặn trong cái ba lô để người chữa cháy tại chỗ có thể thao tác nhanh chóng, cơ động gọn gàng trong các hẻm sâu, ngõ nhỏ. Với đặc thù thành phố có cả chục ngàn con hẻm như vậy trong gần 2.000 khu dân cư hiện hữu, máy chữa cháy tự chế của chú Chì đóng góp không nhỏ vào công tác chữa cháy tại chỗ.

Đoàn Hiệp

Tin cùng chuyên mục