“Mẹ biết mẹ buồn đó!”

Bạn tôi viết trên trang cá nhân: “Giờ mà chưa đặt vé để về Tết với mẹ, mẹ biết mẹ buồn đó!”. Cụm từ “Mẹ biết mẹ buồn đó” đang là trend (xu hướng) trên mạng xã hội thời gian gần đây. Ngoài bắt trend “cho bằng bạn bằng bè”, bạn tôi còn có thêm một mục tiêu khác, đó là bán vé máy bay!

Biết là như thế, nhưng không hiểu sao, đọc xong dòng trạng thái đó, tôi vừa phì cười vừa gật gù. Phải rồi, cũng đâu còn sớm gì nữa mà không tính đến chuyện mua vé máy bay để về quê ăn Tết với mẹ. Giờ này, hẳn trong lòng những người mẹ cũng đang thắc thỏm, không biết năm nay con mình có về ăn Tết hay không?

Tết là dịp đoàn tụ gia đình. Ảnh: N.HA

Tết là dịp đoàn tụ gia đình. Ảnh: N.HA

Đến bây giờ, tôi vẫn chưa quên cuộc điện thoại vào dịp cuối năm, lúc tôi còn học ở Hà Nội. Năm đầu tiên, trường nhập học muộn nên đợt nghỉ Tết Dương lịch, dù nhà cách Hà Nội hơn 200 cây số, nhưng tôi quyết định ở lại, đợi đến Tết Âm lịch rồi về luôn, cũng là một cách tiết kiệm tiền xe. Sau ngày 20 tháng Chạp, trường bắt đầu nghỉ học, nhiều sinh viên từ các tỉnh thành đã rời Hà Nội để về ăn Tết. Lẽ ra, tôi cũng đã về quê rồi, nhưng theo lời rủ rê của một số bạn cùng lớp, tôi quyết định ở lại thêm ít ngày, tranh thủ làm thêm kiếm tiền về tiêu Tết. Đến ngày 23 tháng Chạp, vẫn chưa thấy tôi về, mẹ liền gọi điện, giọng đầy lo lắng: “Sao vẫn chưa về em? Quân kia về cả rồi mà!”.

“Quân kia” mà mẹ nói, là sinh viên cùng làng cũng ra Hà Nội học như tôi. Lúc đó, tôi mường tượng đến cảnh đoàn tụ vui vầy của những gia đình kia. Và chắc mẹ cũng không mong gì hơn điều đó. Khi nghe tôi nói lý do, bỗng nhiên tôi cảm nhận được bên kia điện thoại có tiếng thút thít. Hẳn là cùng với sự mong ngóng thì lòng mẹ cũng đang xáo trộn, vừa nóng ruột vừa thương.

Tôi nhớ đến một người bạn. Gọi là bạn nhưng anh lớn hơn tôi mấy tuổi. Có một năm, anh lên kế hoạch ở lại TPHCM ăn Tết. Nhưng rồi sau cuộc điện thoại của mẹ, chỉ với một câu hỏi: “Ở trong đó có gì ăn không con?” thì anh quyết định phải về. Đúng chiều 30 Tết, khi xóm trọ đã vắng hoe vắng hoắt, anh vội vội vàng vàng ra sân bay đánh cược vào số phận. Cũng may, lần đó có người bỏ vé, nên anh không phải ăn Tết xa nhà như dự định.

Sau này anh kể rằng, câu hỏi của mẹ khiến anh nhận ra, mẹ đã lo lắng cho mình biết chừng nào. Dù anh đã đi làm, tiền lương cũng khá, và một khi xác định ở lại thành phố ăn Tết, thì anh cũng đã phải chuẩn bị đồ ăn thức uống cả rồi. Nhưng khi nghe mẹ hỏi: “Ở trong đó có gì ăn không con?”, anh như muốn vỡ òa. Thì ra, sự lo lắng của mẹ cho con lúc nào cũng thường trực, từ những điều nhỏ nhất. Vậy nên anh quyết định về. Về để ăn những món ăn do mẹ nấu, để được lắng nghe tiếng nói cười của mẹ. Hơn hết là để mẹ được yên tâm khi thấy con mình vẫn mạnh khỏe.

Giờ thì mẹ anh đã đi xa, dẫu không còn người ngóng đợi mình vào mỗi dịp cuối năm, nhưng Tết năm nào anh cũng về. Về để thắp hương lên bàn thờ mẹ, như một thông báo cho mẹ được an lòng nơi chín suối, rằng, năm nay con cũng về nhà ăn Tết!

Tôi xa nhà ngót nghét cũng hơn 10 năm. Hầu như dịp cuối năm nào, trong cuộc điện thoại đường dài, bao giờ mẹ cũng hỏi: “Chừng nào về đó em?”. Có năm tôi nửa đùa nửa thật: “Năm nay em không về đâu mẹ ơi”. Tất nhiên sau đó thể nào tôi cũng về. Duy nhất một năm vì có lý do nên tôi không thể về đoàn tụ cùng gia đình. Và đó là năm mà tôi thấu hiểu cảnh ăn Tết ở một nơi xa là như thế nào, càng thấu hiểu hơn nỗi lòng của mẹ cũng như của người thân trong nhà. Sau lần đó, tôi đều tự nhắc mình, Tết đến, dù có bận rộn cỡ nào cũng cố gắng thu xếp để về nhà. So với anh bạn của mình, tôi nghĩ mình là người may mắn vô cùng khi vẫn còn một người luôn vì mình mà mong mỏi mỗi dịp năm hết Tết đến.

Những năm gần đây, nhiều người - đa phần là giới trẻ, lựa chọn ăn Tết ở một nơi xa. Họ tranh thủ thời gian nghỉ lễ để chu du và khám phá thêm những vùng đất mới. Tôi không có thành kiến gì với lựa chọn này, có điều, nếu họ biết rằng, ngoài lý do Tết là dịp đoàn tụ đầy thiêng liêng và ý nghĩa trong truyền thống của người Việt, còn một lý do cũng quan trọng không kém, đó là nơi quê nhà vẫn luôn có một người mong ngóng và lo lắng cho mình. Người đó không ai khác chính là mẹ. Ra đi hay trở về cũng được, nhưng hãy cân nhắc thật kỹ, cốt sao để mẹ được yên lòng, đừng để “Mẹ biết mẹ buồn đó!”.

Khác với mọi năm, ngay khi đặt xong vé máy bay, tôi liền gọi điện cho mẹ: “Em đặt được vé rồi mẹ ơi!”. Ở đầu dây bên kia, giọng mẹ tôi như reo vui: “Rồi mùng mấy về đó em?”. Trả lời mẹ xong, cảm giác nôn nao bỗng nhiên cộm lên trong lòng, tôi chỉ mong thời gian trôi thật nhanh để có thể về với mẹ!

Tin cùng chuyên mục