Tôi chưa có dịp tiếp xúc với mẹ chồng của cô bạn, nhưng qua lời kể của bạn, những câu chuyện chắp nối mỗi ngày một ít về bà, tự nhiên tôi thấy người phụ nữ ấy thật đặc biệt, thật đáng yêu và từ lúc nào không biết, bà bỗng trở nên như người thân của chính tôi.
Thời trẻ, bà làm cho một cơ quan nào đó của nước ngoài, hàng ngày phải tiếp xúc và sử dụng tiếng Anh nên bà nói tiếng Anh khá lưu loát. Có lẽ thừa hưởng cái gien của bà nên các con bà, trong đó có anh chồng của bạn tôi cũng nói tiếng Anh rất giỏi.
Bạn tôi kể: ở nhà, hàng ngày mấy mẹ con nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh, chính vì thế đôi khi bạn tôi thấy mặc cảm, tủi thân. Chẳng gì bạn tôi cũng đã từng du học ở Nga, nói tiếng Nga rất chuẩn, chỉ tiếc ở nhà không có ai ngoài anh chồng có thể “Pa-rút-xki” (nói tiếng Nga - NV) với chị, nhưng đến khi họ nói tiếng Anh, chị đành hậm hực chịu trận. Bạn tôi quyết tâm phải học cho bằng được và học cho thật giỏi để đừng ai “qua mặt” mình. Biết ý định của con dâu, mẹ chồng của bạn tôi khuyến khích rất nhiều và tạo mọi điều kiện để bạn tôi đi học.
Không chỉ nói “tiếng Tây” mà phong cách “Tây” của bà thể hiện ra trong mọi sinh hoạt hàng ngày. Mỗi chủ nhật, nếu như không họp mặt ở nhà, bà lại rủ con trai, con dâu và cháu nội đi uống cà phê, đi ăn sáng ở một chỗ dễ thương nào đó. Bạn tôi kể, ngày chủ nhật là ngày đoàn tụ của đại gia đình. Anh em chồng chị đều đã có gia đình riêng nhưng cứ đến ngày chủ nhật lại tụ tập nhau về nhà bố mẹ, tổ chức nấu nướng, ăn uống, vui chơi với nhau cả ngày. Không đợi nhắc nhở, mỗi gia đình nhỏ tự đóng góp mỗi nhà một món hoặc góp tiền đi chợ nấu ăn. Chuyện riêng của mỗi nhà trở thành nỗi lo chung của đại gia đình. Ai cũng tự thấy mình có trách nhiệm với những thành viên khác. Cứ thế, anh em gần gũi nhau hơn, yêu thương nhau hơn. Ai cũng mong cái tổ ấm đại đồng đường ấy sẽ mãi rộn rã tươi vui. Thế rồi một cơn bệnh đột ngột quật bà ngã xuống.
Như đàn gà con táo tác, anh em ngơ ngác, sờ đâu cũng thấy thiếu. Cái trật tự vốn có bỗng đảo lộn hết. Với cương vị trưởng nam, anh chồng của bạn tôi đã cố lèo lái để duy trì cái tổ ấm yêu thương của gia đình, để anh em đừng “lạc” nhau vì mất mẹ. Mỗi tuần, anh em họ vẫn tụ tập nhau để duy trì cái nếp nhà mà người mẹ đã dày công gìn giữ, thế nhưng không khí họp mặt không còn rộn rã như xưa.
Qua những tâm sự thường nhắc về mẹ, họ chợt giật mình khi nhận ra lâu nay mình chỉ biết tận hưởng niềm hạnh phúc do mẹ ban tặng mà chưa một lần hiểu được những nỗi niềm sâu kín trong lòng mẹ. Ngay cả căn bệnh mà mẹ vẫn âm thầm chịu đựng cũng không ai biết được để chăm lo cho mẹ nhiều hơn. Cho đến bây giờ, mỗi lần nhắc về những ngày vui đã qua, bạn tôi vẫn ngậm ngùi: Chính nhờ tấm lòng yêu thương bao la của người mẹ mà anh em của họ như cột chặt vào nhau. Giờ đây, dù không còn mẹ nhưng mãi mãi trong lòng bạn tôi vẫn tươi nguyên hình bóng một người mẹ luôn là một mẫu mực cho con cháu trong nhà…
Yến Nhi