Nghiên cứu của cơ quan xúc tiến thương mại London & Partners (L&P) cho thấy, London vẫn là thành phố thu hút số lượng các start-up trong lĩnh vực công nghệ nhiều nhất ở lục địa già. Năm ngoái, các start-up công nghệ đã thu hút được 1,8 tỷ bảng Anh (2,3 tỷ USD) tiền đầu tư, giảm gần 30% so với năm 2017. Đây cũng là năm đầu tiên trong 6 năm qua vốn đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ ở thủ đô nước Anh sụt giảm. Tuy vậy, lượng vốn đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp kể trên tại London vẫn nhiều gấp đôi so với Berlin (Đức), thành phố đứng thứ 2 châu Âu về thu hút các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, với tổng lượng vốn đầu tư đạt 936,53 triệu bảng Anh (1,2 tỷ USD). Theo sau là Paris (Pháp), với 797,04 triệu bảng (1,02 tỷ USD).
Thống kê của L&P cũng cho thấy, Anh tiếp tục là nước có tầm ảnh hưởng lớn trong ngành công nghệ châu Âu, với tốc độ tăng trưởng ổn định của các công ty tư nhân “unicorn” (kỳ lân)- thuật ngữ để chỉ những công ty khởi nghiệp xuất sắc và giá trị vốn trên 1 tỷ USD. Đầu tư vào các start-up công nghệ tại London được đẩy mạnh với việc tăng cường đầu tư vào các ngành công nghệ mới nổi như fintech (công nghệ tài chính), trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ chuỗi khối (blockchain).
Lý giải về sức hút của London với giới doanh nghiệp non trẻ trong lĩnh vực công nghệ, giới chuyên gia cho rằng, thành phố này đang sở hữu nhiều thế mạnh như dân trí cao, tỷ lệ thuận với chất lượng chất xám, cùng chính sách linh hoạt trong hoạt động đầu tư cũng như chỉ số kinh tế ổn định. Đây là những yếu tố then chốt quyết định sự thành bại trong kỷ nguyên mà thông tin và sự liên kết nắm vai trò quyết định. Trong thời gian Brexit xảy ra, nhiều khả năng vị trí này của London sẽ bị ảnh hưởng vì chịu tác động của dòng chảy nhập cư, tự do thương mại cũng như các cơ chế về đầu tư, kinh doanh. Bên cạnh đó là nỗi lo kinh tế suy giảm sẽ khiến London trở nên kém hấp dẫn hơn trong giới đầu tư công nghệ. Dự báo của Chính phủ Anh cho biết, nếu không đạt thỏa thuận Brexit với EU, kinh tế Anh suy giảm 0,2% trong năm nay. Kinh tế Anh đã giảm tốc mạnh trong nửa sau của năm 2018. Tiêu dùng và đầu tư kinh doanh ở nước này cũng đã sa sút kể từ năm 2016.
Giới start-up công nghệ ở Anh cũng như nhiều công ty khác đang theo dõi sát sao tiến trình đàm phán giữa Anh và EU. Nhiều doanh nghiệp tại Anh đang kêu gọi hoãn kế hoạch Brexit nhằm tránh viễn cảnh xấu Anh rời khỏi EU vào ngày 29-3 mà không có thỏa thuận nào. Theo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ Anh, 41% công ty tin rằng hỗn loạn từ Brexit sẽ ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh và họ vẫn chưa chuẩn bị cho khả năng đó. Từ cuộc trưng cầu dân ý về Brexit vào tháng 6-2016, giới doanh nghiệp lớn lẫn nhỏ tại Anh phàn nàn rằng việc không chắc chắn về các quy định thương mại trong tương lai khiến họ hoãn kế hoạch đầu tư. Do lo ngại Brexit, các ngân hàng và công ty tài chính đã chuyển ít nhất 800 tỷ bảng (1.000 tỷ USD) tài sản ra khỏi nước này sang các nước EU khác.