Chế biến nông sản, thực phẩm Việt Nam sau VKFTA
Trong bối cảnh doanh nghiệp (DN) Việt Nam chưa tận dụng lợi thế đa dạng về nông sản, thực phẩm trong nước thì nhiều DN Hàn Quốc đang tranh thủ nhanh chân đầu tư ồ ạt vào Việt Nam. Việc đầu tư này cũng để đón đầu lợi thế xuất khẩu sản phẩm nông sản thực phẩm khi Hiệp định thương mại Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) sẽ chính thức có hiệu lực vào cuối năm 2015.
Nhìn nhận về lợi thế cạnh tranh khi DN Hàn Quốc chuyển sang ưu tiên nhập khẩu nông sản, thực phẩm Việt Nam, đại diện Công ty CJ Freshway (Hàn Quốc) cho biết, thị trường truyền thống nhập khẩu nông sản thực phẩm của Hàn Quốc là Trung Quốc, Indonesia và một số nước châu Âu. Thế nhưng, khi Hiệp định thương mại Việt Nam - Hàn Quốc vừa ký kết tháng 5 vừa qua, thị phần nhập khẩu hàng nông sản, thực phẩm của Hàn Quốc ngay lập tức dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á. Trong đó, đặc biệt là Việt Nam. Cụ thể, năm 2014, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng nông sản, thực phẩm từ Việt Nam của Hàn Quốc là 30 tỷ USD nhưng chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2015, tổng kim ngạch nhập khẩu nông sản thực phẩm từ Việt Nam tại Hàn Quốc đã tăng hơn gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến con số này trong năm 2015 sẽ tăng lên 70 tỷ USD.
Có 2 lý do khiến cho DN Hàn Quốc có sự thay đổi trong thị phần nhập khẩu là giá cả và chất lượng sản phẩm nông sản Việt Nam. Về giá thành, sản phẩm nông sản, thực phẩm nhập khẩu từ thị trường truyền thống sẽ bị đánh thuế lên tới 27%. Thế nhưng, khi Hiệp định thương mại Việt Nam - Hàn Quốc có hiệu lực thì hàng nông sản, thực phẩm nhập khẩu từ Việt Nam sẽ được hưởng mức thuế ưu đãi 0%. Giá thành hiện tại của nông sản thực phẩm Việt Nam cũng rẻ hơn so với sản phẩm cùng loại tại các thị trường truyền thống đến 10%. Quan trọng hơn, chất lượng hàng Việt Nam đã chiếm được sự tín nhiệm của người dân Hàn Quốc.
Thống kê từ Trung tâm Xúc tiến thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, từ đầu năm 2015 đến nay, hơn 1.000 DN Hàn Quốc đã sang Việt Nam để tìm hiểu thị trường cũng như tìm kiếm đối tác liên kết. Một số hệ thống phân phối sản phẩm lớn của Hàn Quốc tại Việt Nam như Lotte Mart, E-mart, CJ Freshway… đã mở rộng thị phần tiêu thụ sản phẩm nông sản của Việt Nam trong hệ thống phân phối trong nước cũng như tại nước sở tại. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất là vấn đề an toàn vệ sinh môi trường chưa được các DN quan tâm, sản phẩm chế biến đóng gói nhập khẩu từ Việt Nam thường lẫn tạp chất. Sản phẩm không được bảo quản cũng như kỹ thuật canh tác không đúng quy trình tiêu chuẩn nên chất lượng không đồng đều. Sản phẩm đa dạng, phong phú nhưng chủ yếu vẫn là xuất khẩu thô, rất ít có những sản phẩm mới có tính đột phá, dẫn dắt thị trường.
Trên thực tế, DN nước ta đang đối mặt sự cạnh tranh khốc liệt từ việc hàng loạt DN Hàn Quốc ồ ạt đầu tư trực tiếp tại Việt Nam. Ông Claudio Karjalainen, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam, cho biết, đã có 400 DN Hàn Quốc đầu tư nhà máy chế biến nông sản, thực phẩm trực tiếp tại Việt Nam (trong tổng số 1.078 DN Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam). Những thành phẩm do các DN này sản xuất tại Việt Nam cũng được nhận những chính sách ưu đãi về thuế giống như DN nội địa.
Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương, cho rằng bất kỳ hiệp định thương mại nào cũng có hai mặt. Với Hiệp định thương mại Việt Nam - Hàn Quốc, mặt tích cực là mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, thực phẩm của Việt Nam sang Hàn Quốc với nhiều lợi thế về giá thành, giảm thiểu rào cản kỹ thuật. Ngược lại, tăng sức ép cạnh tranh cho DN Việt, vì hiệp định cũng đồng thời tạo điều kiện để DN Hàn Quốc liên kết hoặc đầu tư tại Việt Nam. Điều đáng nói là kiểu đầu tư nhỏ lẻ, kinh doanh thiếu bền vững, chưa chú trọng nhiều đến tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm của DN Việt Nam hiện nay sẽ là khó khăn hạn chế DN Việt Nam tận dụng được lợi thế mà mình đang thụ hưởng. |
ÁI VÂN