Miếu thờ người dạy chữ

Miếu thờ người dạy chữ

Cách đây đã lâu trong chuyến đi du khảo cùng một số nhà báo, nhà văn ở Hà Nội đến thăm thôn Hương Lan, xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, tôi đã bắt gặp một nơi thờ cúng lạ và ấn tượng. Người có chữ gọi đây là Đền thờ Đạo học, còn dân gian qua truyền khẩu gọi một cách chân tình là Miếu thờ Thầy giáo. Người theo Nho học từ lúc dựng đền đã đề ba chữ trên hoành phi là Thiên Cổ Miếu để cung tiến cho nơi thờ tự một tên tuổi giàu tính huyền thoại, đã tồn tại và phát triển cách đây hàng ngàn năm.

Bậc trí thức thời vua Hùng dựng nước được vinh danh ở đây là thầy giáo Vũ Thê Lang cùng với vợ ông là bà Nguyễn Thị Thục, gọi một cách thân tình là bà giáo. Thiên Cổ Miếu là tên chữ sang trọng và giàu ý nghĩa trong triết tự cũng như cảm xúc cho người đến lễ bái thành kính dâng hương. Miếu thờ Thầy giáo lại là một cách vinh danh khác đậm đà nét ân tình làng quê.

Minh họa: K.T.

Minh họa: K.T.

Nơi đền cao, giữa hai bên bàn thờ ông bà giáo có đôi câu đối chữ Hán hàm súc và đầy ngưỡng mộ của lớp hậu sinh đối với con người và đất nước thuở nguồn cội, gửi gắm trong đó có lòng biết ơn sâu sắc đối với người dạy chữ, rèn đức cho con em mình.
Đôi câu đối đó là:

Hùng Lĩnh trung chi thắng tích
Nam Thiên chính khí linh từ

Từ đôi câu đối chữ Hán trong Thiên Cổ Miếu này suy rộng theo nghĩa nôm ta nghiệm thấy, đây là nơi có sự tích danh tiếng của vùng đất trung tâm trọng yếu của miền Hùng Lĩnh Phong Châu cổ. Đây cũng là nơi mang nguyên khí linh thiêng của cả cõi trời Nam.

Với việc dựng miếu thờ người có chữ, người dạy học của tổ tiên mình thuở gây dựng nhà nước Văn Lang, ta nhận ra một điều, người xưa cách mình hàng mấy chục thế kỷ tôn trọng và coi trọng việc học hành của bản thân và con trẻ biết bao. Đứng trước Thiên Cổ Miếu, thắp nén hương vái tạ người thầy giáo thuở vua Hùng cai quản và chăm sóc con dân đất nước mà nhận ra đạo đức, trí tuệ của tiền nhân trong phẩm đức cao dày của người hết lòng vì dân, vì nước. Đền thờ Đạo Học, miếu linh của nguồn văn hóa dân tộc bắt nguồn từ chuyện dạy chữ, dạy nghĩa để làm người.

Từ ngàn xưa, dân tộc ta đã có câu: Tôn sư trọng đạo. Cũng đã lâu rồi trong kho tàng ca dao, dân ca của dân tộc đã có lời ca dao này trong những câu chuyện xã hội, trong lời hát ru mỗi sớm, mỗi chiều của bà, của mẹ:

Muốn sang thì bắc cầu Kiều
Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy

Và cả câu dạy kinh điển nhưng không chút đao to búa lớn này nữa:

Không thầy đố mày làm nên

Cũng những giờ lưu lại ở Thiên Cổ Miếu, tôi được nghe một nhà sưu tầm văn hóa dân gian Phú Thọ kể cho nghe câu chuyện này. Rằng thời ấy, khi người dân ở đây đón mời thầy giáo Vũ Thê Lang đến quê mình dạy học, làng xóm đã chu đáo lo chuyện đời sống ngay cho người có chữ.

Ngày ấy chắc chưa có ngạch bậc lương như bây giờ, cả tiền nữa chắc cũng chưa sẵn nên mọi người đã lấy ruộng vườn làm của nả cấp cho vợ chồng ông giáo cày cấy, lấy việc thu hoạch hoa trái để tạo nguồn sống. Cách trả lương thầy của ngày xưa sao mà thiết thực. Học Điền là tên chữ để gọi về cách trả lương thời cổ của ông bà. Thật lề luật và thực tế. Có cái ăn cái mặc mới có sức mà chuyên tâm lo chuyện dạy chữ rèn người. Tay run dạ đói cái chữ cũng run đói theo thì làm sao có đủ trí lực để lo nổi việc lớn được? Có thực mới vực được đạo. Một câu tục ngữ dân tộc rất giàu duy vật có trong lời răn dạy từ lâu lắm rồi. Càng ngẫm càng thấy đúng. Thiếu nó, không cần nó, ta chỉ là kẻ duy ý chí. Ông bà xưa rất thực tế, cũng thật thực tình và hết sức quan tâm cho việc ai cũng có chữ và đủ chữ để đủ tư cách làm người.

Với hôm nay việc chăm sóc “Học Điền” này cho các thầy cô giáo càng ngày càng được lưu ý hơn. Các thầy cô giáo ai cũng cần có một cuộc sống tạm đủ tiến tới đủ, chưa nói là dư thừa, để toàn tâm, toàn ý trong sự nghiệp dạy chữ cao cả của mình. Chắc chẳng ai muốn nghĩ “nghề dạy học là nghề lấy việc dạy thêm là chính”. Lại càng không muốn mình hoặc nhà trường biến thành cái máy “bòn tiền” của phụ huynh học sinh qua những khoản đóng góp này nọ chứa nhiều vô lý. Thật không vui, khi vẫn còn nơi nọ, chỗ kia làm những chuyện không phải với tư cách, nhân cách người thầy. Ai cũng mong nghề dạy học luôn luôn là một nghề sang trọng. 

PHAN QUẾ

Tin cùng chuyên mục