Mình đã làm điều gì xấu?

Hôm nay là ngày đầu tiên của mùa Xuân bên này, thời tiết ấm áp hơn được một chút, nắng vàng sáng rực, trời trong veo. Mẹ tôi bước ra sân, reo nhỏ, cây mộc lan đã ra chi chít nụ rồi. Bà bảo, “trời đẹp quá, phải mà đi chợ được nhỉ”. Nhưng rồi bà tặc lưỡi, bước lại vào nhà.

Dáng người nhỏ nhắn, lưng hơi còm, nhìn không khác gì với cụ bà người Á Đông vừa bị người đàn ông da trắng tấn công ngày hôm kia. Thấy nhói lòng, sợ hãi. Mấy tuần nay, bà chẳng dám đi đâu. Các bà bạn hàng ngày gọi điện thoại cho nhau, dặn dò, đừng đi đâu nhé, bây giờ tình hình ghê lắm. Người Á Đông mình bị họ bắt nạt, đánh đập, mà toàn tấn công người lớn tuổi, thôi cứ ở nhà cho lành.

Người dân giơ các biểu ngữ phản đối thù hận nhằm vào người gốc Á tại Atlanta. Ảnh: AP
Vợ chồng chị bạn ở gần đây đang chuẩn bị về California thăm con trai, cũng e dè, nói: chưa bao giờ cảm thấy bất an như vậy. Từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu, cụm từ “China virus”, “Kungfu virus” được loan truyền, sử dụng rộng rãi thì nạn kỳ thị ghét bỏ người Á Đông càng tăng cao. Thoạt đầu, có vẻ như những đợt tấn công vào người Việt, người Hàn chỉ là sự bốc đồng, là sự nhầm lẫn vì người Tây phương không phân biệt được các nét khác biệt đặc trưng của từng giống dân châu Á, cứ nhìn tóc đen mũi thấp mắt một mí là họ cho rằng đây là người Trung Quốc. Nhưng về sau, sự kỳ thị này có vẻ đã thành một phong trào cực đoan. Bây giờ, chỉ cần Á Đông, da vàng, là đã hội đủ điều kiện để bị ghét bỏ.

Con trai tôi, sinh ra, lớn lên ở Mỹ, trước đây không cảm thấy có sự khác biệt gì. Một năm trở lại đây, thường hỏi tôi, tại sao bây giờ người Á Đông lại bị tấn công hả mẹ? Mình đã làm điều gì xấu?

Mỗi ngày con bước ra đường, đến trường, ghé nhà bạn, đi mua sắm, tôi luôn dặn dò con, đừng nói lớn tiếng, đừng làm chuyện gì nổi bật, đừng phô trương, đừng ăn mặc trang phục khác người, đừng gây sự chú ý. Luôn có những người chỉ cần một cử chỉ, hành động trái ý họ, là họ sẽ có lý do để gây hấn với con, chỉ vì con là người Á Đông. Con không cần phải làm điều gì xấu để họ ghét bỏ tấn công con. Chỉ là, trong một xã hội đang biến động, tất cả mọi người đều đang phải chịu đựng nhiều tai ương, chia lìa, mất mát, bệnh tật, chết chóc… Và trong hoàn cảnh như thế, một số người sẽ muốn tìm một lý do, muốn trút sự phẫn nộ vào một nơi nào, một ai đấy. Và điều tồi tệ là tất cả người Á Đông chúng ta trở thành nguồn gốc, lý do cho sự mất mát của họ một cách bất hợp lý, bất công, bất nhân.

Buổi chiều ngồi uống cafe, chung quanh là người Mỹ gốc... khắp nơi. Da vàng, với nhiều chủng khác nhau, gốc Hoa, gốc Việt, gốc Hàn, gốc Thái , gốc Nhật v.v... Da trắng, gốc Anh, gốc Ý, gốc Pháp, gốc Đông Âu, Bắc Âu. Da màu, gốc Phi, gốc Nam Mỹ, gốc Haiti v.v... Một xã hội hợp chủng quốc thu nhỏ, hòa quyện với nhau, tôn trọng sự khác biệt và chia sẻ không gian chung. Buổi chiều này, không ai hỏi ai “mình đã làm điều gì xấu?”.

Lại nghĩ đến câu hỏi khác của con, “bây giờ mình phải làm gì hả mẹ?”. Chỉ muốn về nhà, ôm ông bà, ôm con, bảo nhau rằng, cố gắng lên, mọi thứ rồi sẽ qua. Nghĩ đến tấm bảng con trai treo trong phòng năm rồi, lúc Covid bắt đầu hoành hành, con viết lên tấm bảng dòng chữ : “don’t die !” (Đừng chết!). Mỗi ngày, nhìn bảng và tự nhắc mình. Don’t die!  

Tin cùng chuyên mục