Mình thật tuyệt!

Buổi sáng một ngày cuối tháng tư lịch sử, tôi đến thăm cô học trò cũ của mình cách đây đã 40 năm. Tuy ít có dịp gặp mặt, nhưng những thông tin về cô, tôi vẫn thường xuyên cập nhật. Bởi Bùi Thị Hồng Nga nhiều năm qua đã “nổi tiếng” khắp vùng sông nước miền Tây Nam bộ…
Mình thật tuyệt!

Buổi sáng một ngày cuối tháng tư lịch sử, tôi đến thăm cô học trò cũ của mình cách đây đã 40 năm. Tuy ít có dịp gặp mặt, nhưng những thông tin về cô, tôi vẫn thường xuyên cập nhật. Bởi Bùi Thị Hồng Nga nhiều năm qua đã “nổi tiếng” khắp vùng sông nước miền Tây Nam bộ…

Bóng tối và ánh sáng

Sinh năm 1958 trong một gia đình có 7 anh chị em, Bùi Thị Hồng Nga lúc nhỏ là đứa bé năng động, bụ bẫm, ai nhìn cũng yêu. Nhưng một cơn sốt bại liệt lúc vừa 8 tháng tuổi đã khiến Hồng Nga trở thành người khuyết tật. Học hết cấp 3, gia đình không muốn cho học nữa nhưng cô học trò nhỏ vẫn cố gắng và thi đậu vào khoa Anh văn Trường Đại học Cần Thơ, năm nào cũng là học sinh giỏi. Buồn thay, năm 1982 Hồng Nga không đủ tiêu chuẩn tốt nghiệp vì chỉ nặng có 36kg. Không bỏ cuộc, Nga làm đơn khiếu nại đến Bộ GD-ĐT và cuối cùng được phân công về giảng dạy tại Trường THPT Nguyễn Việt Hồng ở TP Cần Thơ. 7 năm đứng lớp với cô giáo Bùi Thị Hồng Nga là chuỗi ngày hạnh phúc, nồng ấm bên cạnh học trò thân yêu.

Chị Bùi Thị Hồng Nga bên gian hàng sản phẩm của người khuyết tật

Mùa hè năm 1988, Hồng Nga có đi chữa đôi chân tại Trung tâm Phục hồi chức năng bại liệt ở TPHCM nhưng thất bại, phải sử dụng đôi nạng suốt đời. Và sau đó, “biến cố” thứ hai lại tàn nhẫn xảy ra khiến Hồng Nga thêm cú sốc nặng cả về thể chất lẫn tâm hồn khi bị giảm biên chế lúc chỉ mới 31 tuổi. Hàng ngày, Hồng Nga ngồi một mình trong khu vườn sau nhà chứ không dám ra trước cửa vì không thể chịu được cảnh thấy học trò và đồng nghiệp của mình chạy xe ngang qua. Hồng Nga từng tâm sự: “Tôi muốn từ giã thế giới đau buồn này vì nghĩ mình là người đã bị loại ra khỏi xã hội, tự ti mặc cảm đến cùng cực”.
May mắn thay, sau những tháng ngày thui thủi với số phận của mình, qua chiếc radio luôn gắn chặt như người bạn thân thiết trong lúc buồn nản, Nga tìm được “ánh sáng cuối đường hầm”. Vào một sáng chủ nhật, Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM với mục “Tìm bạn qua đài” đã cho Nga động lực để sống. Thế là từ lá thư đầu tiên gửi đi, hàng trăm lá thư đã được hồi âm từ bạn bè khắp nơi. Không chỉ vậy, năm 1990, qua thời gian trao đổi thư từ, Nga còn tìm được một người tình nguyện làm “đôi chân” suốt đời cho mình. Đó là anh Phan Đức Long, quê ở cù lao Ông Hổ, TP Long Xuyên (An Giang) hơn Nga 5 tuổi, hoàn toàn lành lặn. Chính người chồng “hơn cả tuyệt vời” này đã chung vai sát cánh cùng Nga, trở thành “đôi chân” để cô gái khuyết tật bước tiếp trên những chặng đường mới. Còn nhớ khi gặp mặt trực tiếp anh Long, Nga đã muốn cắt đứt tình cảm, nhưng Long đã trải lòng với Nga: “Thân thể anh lành lặn nhưng trái tim anh đang… khuyết tật và anh muốn có em!”. Chính câu nói đó khiến Nga bớt tủi thân và gật đầu.

Những ký ức không quên

Sau khi mẹ qua đời vì bệnh nan y, năm 1994, Hồng Nga về nhà mở lớp dạy tiếng Anh và sau đó chính thức bước vào một thế giới khác, bao la và đầy ắp tình người hơn: Thế giới của người khuyết tật (NKT).
Năm 2000, khi đi dự một hội trại với 3 người bạn khuyết tật ở Cần Thơ, thấy bạn bị lạc đường đến 2 lần, Nga rất buồn và nhen nhóm trong lòng về một tổ chức cho NKT.

Ngày 1-5-2001, Nga thành lập Câu lạc bộ (CLB) Người khuyết tật và làm chủ nhiệm với 20 hội viên, văn phòng CLB đặt tạm tại nhà chị Nguyễn Thị Nhiễu (Phó chủ nhiệm) ở hẻm 310, đường 30 Tháng 4, phường Hưng Lợi, TP Cần Thơ. Rồi Nga xin được sự tài trợ của Công ty Bảo hiểm Prudential 30 triệu đồng, Sở LĐTB-XH  TP Cần Thơ hỗ trợ hơn 17 triệu đồng trong 9 tháng để mở lớp dạy may miễn phí cho 13 NKT. Sau đó, Công ty May Hiền Hòa ở quận Thủ Đức (TPHCM) đã tiếp nhận 10 học viên của lớp đến làm việc.

Từ những bước đi ban đầu đó, cuối năm 2002, Hồng Nga lại mạnh dạn mở tổ hợp Nhịp Cầu để dạy thí điểm nghề thủ công mỹ nghệ miễn phí cho NKT với kinh phí 3 triệu đồng từ một chị trưởng chi nhánh Prudential Cần Thơ, nhằm hỗ trợ cho 10 học viên. Ngồi trên xe lăn và kể lại những ngày đầu khó khăn đó, Hồng Nga vẫn giữ nụ cười trên môi: “Lúc đó em thấy một anh ở Bến Tre làm mấy cái kẹp tóc bằng gáo dừa để trên mâm trước sân nhà đẹp quá nên mở lời mời anh về dạy chị em làm thử coi có bán được không. Sau này thành công và có tiền rồi, tổ hợp mới được nâng lên thành Cơ sở Nhịp Cầu”.

Qua Cơ sở Nhịp Cầu, trong ký ức của Nga không thể nào quên việc giành được một trong 15 giải chính thức của cuộc thi “Ngày Sáng tạo Việt Nam lần thứ nhất” (do Ngân hàng Thế giới tổ chức năm 2003). Số tiền thưởng 10.000USD với cô như một giấc mơ thần kỳ. Số tiền đó đã giúp Nga mở được 3 khóa huấn luyện dạy nghề miễn phí, đào tạo và giải quyết việc làm cho nhiều NKT. Từ đó đến nay, song song với sự phát triển của CLB, Nhịp Cầu không ngừng lớn lên, giải quyết được phần nào những khó khăn của học viên. Những sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ sơ dừa, gáo dừa… đã ngày càng tinh tế hơn. Cơ sở còn giao lưu, liên kết với hội NKT ở các tỉnh khác để có nhiều mặt hàng với chất liệu, mẫu mã đa dạng hơn, như bằng tre, cói, gỗ, len… Theo đà phát triển, Cơ sở Nhịp Cầu đã tìm được thêm đầu ra cho sản phẩm ở các showroom, khách sạn, siêu thị… trong vùng.

Ghi nhận những hoạt động không mệt mỏi của Hồng Nga và tập thể anh chị em trong CLB NKT, tháng 11-2007, UBND TP Cần Thơ ra quyết định thành lập Hội NKT TP Cần Thơ và giao cho cô gái năng động Bùi Thị Hồng Nga giữ chức chủ tịch. Theo Hồng Nga, ngoài mục tiêu xóa đói giảm nghèo, còn phải giúp NKT tự tin vào chính mình, tự khẳng định mình và giúp họ giao tiếp với bạn đồng cảnh và cộng đồng. Bên cạnh đó, con số 316 xe lăn, 68 xe lắc và nhiều nạng, nẹp, tay chân giả đến với NKT (tính đến năm 2015) phần nào đã cho thấy sự cố gắng của vị nữ Chủ tịch Hội NKT TP Cần Thơ.

Như cánh én bay hoài không mỏi để dệt mùa xuân cho đời, người phụ nữ sống với phương châm “Người đang sống là người giúp cho những người khác sống” đã biến bi kịch của chính mình thành niềm vui và hết lòng giúp đỡ những người đồng cảnh ngộ, để bao quanh cô bây giờ là những gương mặt rạng ngời và Bùi Thị Hồng Nga chính là “Gương phụ nữ điển hình” nhất (giải bình chọn năm 2009 của TP Cần Thơ).

Tiếp tục kết nối những bờ vui

Hôm ấy ngồi với nhau, cô học trò của tôi 40 năm trước, nay đã gần 60 tuổi, tâm sự: “Hội bây giờ hiện có hơn 300 người, được chia ra từng CLB như: CLB người điếc, CLB phụ nữ khuyết tật, CLB sinh viên khuyết tật và Cơ sở Nhịp Cầu để dễ hoạt động hơn”. Nga còn rất tự hào về một lớp NKT trẻ năng động, có học thức, đã có thể kế thừa tốt công việc. Kể về Cơ sở Nhịp Cầu, đứa “con cưng” đã trải qua 14 năm đem lại cơm áo cho nhiều chị em; đặc biệt với các khóa dạy tiếng Anh miễn phí, giúp hội viên dễ hòa nhập với cộng đồng thế giới, Nga cho biết, đó là nhờ sự kết nối với nhiều vị khách đến từ Hà Lan, dạy mỗi khóa 2 lớp (lớp thấp, lớp cao) và khó có thể tin được qua hơn 10 năm, Nga đã mời được 158 thầy giáo quốc tịch Hà Lan đến với Cơ sở Nhịp Cầu. Bằng vốn tiếng Anh học được, các nữ học viên khuyết tật đã có thể giao tiếp trong công việc mưu sinh hàng ngày, cũng như phát huy mọi tiềm năng về thể thao, báo chí, giáo dục…

Để lại “con cưng” này cho Huỳnh Thị Hồng Nhung, một học trò cũng linh hoạt, năng động như mình, Hồng Nga lại mở ra chương trình “Sống độc lập” vào tháng 3-2014. Chương trình được sự hỗ trợ của Công ty Nippon foundation và Hiệp hội Chăm sóc con người (Nhật Bản). Đây là dịch vụ còn mới ở Việt Nam, mang ý nghĩa “xóa bỏ rào cản” cho NKT, giúp họ chủ động sống theo ước muốn của bản thân. Chương trình có các dịch vụ tham vấn đồng cảnh, tập huấn kỹ năng, giới thiệu mạnh thường quân và các chính sách liên quan đến NKT. Cụ thể như em Võ Trúc Duyên, qua chương trình “Sống độc lập” đã có thể thực hiện được rất nhiều việc, như biết dạo chơi một mình, đi lễ, tham gia CLB phụ nữ khuyết tật đến phát bánh kẹo cho các em nhỏ, thiết kế trên máy tính, quản lý quán cà phê, giao lưu văn nghệ, hội sách… Hình ảnh cô gái Trúc Duyên gầy gò nằm trên chiếc xe đẩy ngày nào, nay với những người bạn đồng hành trong màu áo tím (sau lưng có in dòng chữ “Xóa bỏ rào cản”) đã rất quen thuộc với người dân TP Cần Thơ bởi Trúc Duyên có mặt ở khắp nơi, năng động còn hơn cả người bình thường. Là user (người sử dụng) của chương trình “Sống độc lập”, nhiều NKT thực sự đã tự nâng cấp được cuộc sống để khẳng định giá trị của chính mình.

* * *

...Từ giã Bùi Thị Hồng Nga, trong tôi vẫn còn đọng lại tin vui mà cô học trò vừa thông báo: Sắp tới, Hội NKT TP Cần Thơ, Cơ sở Nhịp Cầu và cả Hội Thể dục Thể thao NKT TP Cần Thơ sẽ dời đến chỗ mới với diện tích sử dụng 3.000m2. Mọi hoạt động sẽ được mở rộng và thuận tiện hơn.

Trải dài theo từng đoạn đường gian khổ mà Hồng Nga đi qua là bấy nhiêu bằng khen, giấy khen của UBND TP Cần Thơ, của Hiệp hội Paralymic và các tổ chức khác mà ta chỉ cần bấm nút là đã có một bảng thành tích thật dài hiện ra. Nhưng tất cả dường như chỉ là một phần bề nổi của câu chuyện dài khó lòng kể hết được về người phụ nữ tật nguyền suốt đời phấn đấu không ngừng nghỉ này.

Cuối cùng, bằng lòng yêu mến và cảm phục cô học trò cũ, tôi muốn kết thúc bài viết này bằng chính suy nghĩ của Nga: Tôi có những thành công hôm nay cũng nhờ vào ý thức học tập cao, biết vượt lên chính mình, biết sống có ước mơ, biết cho và nhận đúng chỗ nên giờ đây, dù gì đi nữa, tôi cũng có quyền được hãnh diện với “cái riêng của mình thật tuyệt” (trích trong bài tham gia cuộc thi “Mình thật tuyệt” của Nga vào ngày 20-9-2012).

Trăn trở hiện nay của Nga là còn rất nhiều người khuyết tật, do hoàn cảnh khó khăn và nếu không có sự giúp đỡ của các tổ chức đoàn thể trong nước hay các tổ chức thiện nguyện thì khó sử dụng được dịch vụ này. Một trăn trở khác là mấy năm qua, Hội Chữ thập đỏ quốc tế có giúp hàng trăm đôi nẹp chân, hỗ trợ kinh phí để đặt làm hàng trăm chân giả nhưng tìm mãi vẫn không đủ người đến  nhận. Điều đáng nói, nhiều người khuyết tật thà để tật nguyền đi bán vé số, ăn xin chứ không muốn nhận sự giúp đỡ. Đúng là nghịch lý đáng buồn!


NGUYỄN NGỌC TUYẾT

Tin cùng chuyên mục