Mở cửa nền kinh tế giúp doanh nghiệp phục hồi

Chiều 10-9, Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế TPHCM (CIIS) phối hợp Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam tổ chức hội thảo trực tuyến “Đồng hành cùng doanh nghiệp ứng phó rủi ro khủng hoảng Covid -19”.

Tại hội thảo, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho rằng, dịch Covid-19 có thể xem là phép thử bởi tương lai có thể xuất hiện nhiều biến động với những ảnh hưởng lớn hơn trong bối cảnh các nền kinh tế thế giới đang ngày càng gắn kết, ràng buộc và phụ thuộc lẫn nhau. 

Nền kinh tế Việt Nam đang chịu sức ép lớn từ lực cầu vốn đang rất yếu đối với hàng hóa, sản phẩm và dịch vụ, nay lại đứng trước nguy cơ năng lực của nguồn cung bị ảnh hưởng. “Sau 2 lần điều tra, chỉ có 2% DN chưa bị ảnh hưởng, đại đa số các DN không đủ dòng tiền thu - chi và không ít DN đã ngừng hoạt động hoặc phá sản”, TS Võ Trí Thành nói. 

Cùng quan điểm, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, cho biết có tới 84% số DN tại TPHCM đang gặp khó khăn và rất khó khăn, chỉ có 10% DN tiếp cận được các gói hỗ trợ, hơn 80% số DN chưa tiếp cận được vì nhiều nguyên nhân. 

Tuy vậy, các ý kiến tại hội thảo đều đồng tình Chính phủ đã có nhiều nỗ lực, chủ động và quyết liệt để khống chế dịch, đồng thời mở cửa lại nền kinh tế là biện pháp quan trọng nhất giúp sản xuất, kinh doanh phục hồi. Niềm tin của nhà đầu tư vẫn được duy trì thể hiện qua số lượng các DN mới được thành lập, các dự án đầu tư của các công ty tư nhân lớn được khởi công, nhiều công trình từ nguồn vốn đầu tư công được hoàn thành và đưa vào sử dụng, số lượng vốn FDI vẫn tiếp tục tăng trưởng, xuất - nhập khẩu vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng và tiêu dùng trong nước vẫn duy trì ổn định.

Thời gian tới, DN cần tận dụng tốt hơn, hiệu quả hơn các kênh hỗ trợ của các cơ quan nhà nước; thực hiện chiến lược giảm chi phí không cần thiết ở mức tối đa, chuyển đổi mô hình kinh doanh, xây dựng hệ thống làm việc an toàn và số hóa để giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh lây lan và ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động. Chuyển đổi sản phẩm gắn với nhu cầu thị trường và gắn với xu thế tiêu dùng, tiếp cận thị trường và giữ liên lạc thường xuyên với các đối tác cả trong quá trình gián đoạn, tăng cường khai thác thị trường trong nước. Về lâu dài, các DN cần tận dụng các lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do và chiến lược đầu tư nước ngoài trong dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Chiều 10-9, Cục Thống kê TPHCM cho biết đang phối hợp với các sở ngành triển khai điều tra (bằng phương pháp trực tuyến) nhằm thu thập thông tin về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN); đánh giá mức độ hỗ trợ và sự lan tỏa của các chính sách đối với DN trong thời gian qua nhằm đưa ra giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giúp DN ứng phó tốt hơn trước dịch bệnh.

Thời gian triển khai thu thập thông tin bắt đầu từ ngày 10 đến 20-9, dự kiến công bố kết quả vào cuối tháng 9-2020.

Tin cùng chuyên mục