Mở cửa trường học là xu hướng tất yếu

Chiều 25-2, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về việc triển khai dạy học trong bối cảnh dịch Covid-19.

Tình thế buộc chúng ta phải thích ứng

Báo cáo tại phiên giải trình, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, do tình hình dịch diễn biến phức tạp nên đến ngày 20-2, một số tỉnh thành đã quyết định lùi thời gian tổ chức học trực tiếp. Tại phiên giải trình, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (Quảng Bình) đề nghị Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đánh giá hiệu quả mở cửa trường trên các phương diện như các địa phương đã đảm bảo đủ điều kiện an toàn, chất lượng dạy học; các khó khăn, thách thức sẽ được giải quyết thế nào... Các đại biểu khác bày tỏ băn khoăn trước tình trạng trường lớp lúc mở, lúc đóng khi xuất hiện ca nhiễm.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại phiên giải trình
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, đây là thời điểm ngành giáo dục đứng trước thách thức chưa từng có, khó khăn phát sinh rất lớn, dịch bệnh ngày càng phức tạp. Ngành giáo dục đã chỉ đạo rất quyết liệt, nhất quán, toàn diện, bám sát thực tế và phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để triển khai việc mở cửa trường học. Mong muốn cho trẻ trở lại trường là nguyện vọng của toàn dân. Các địa phương đều có kịch bản ứng phó, lộ trình, phương án, tổ chức diễn tập... thể hiện sự quyết tâm cho trẻ đi học. Tuy nhiên, ngay sau tết, dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều lớp học phải kết hợp trực tiếp và online, nhiều ca nhiễm khiến xã hội và phụ huynh lo lắng.

Theo Bộ trưởng, định hướng nhất quán của Bộ GD-ĐT là đưa học sinh quay lại trường; do dịch phức tạp nên một số nơi đi học rồi lại nghỉ, nhưng mở cửa trường học là xu hướng tất yếu. Bộ trưởng cũng cho rằng, khó có phương án nào toàn diện, đáp ứng được mọi điều, mà chúng ta phải chọn phương án khả dĩ nhất. “Tình thế buộc chúng ta phải thích ứng. Đề nghị Bộ Y tế sớm tiêm vaccine cho trẻ dưới 12 tuổi để phụ huynh yên tâm cho con đến trường”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phát biểu. Tính đến 11 giờ trưa 25-2, tỷ lệ học sinh đến trường trên cả nước là 88%.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, thủ tục mua vaccine cho trẻ từ 5-11 tuổi cơ bản đã xong, Bộ Y tế đang đề nghị với hãng cung cấp vaccine chậm nhất đến 30-4 để đẩy nhanh bao phủ vaccine cho trẻ ở độ tuổi này. Trước ý kiến cho rằng đã đến lúc xem Covid-19 là cúm mùa thông thường, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên thông tin, lãnh đạo Tổ chức Y tế thế giới mới đây nhận định lúc này coi Covid-19 như cúm là quá sớm; và tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp, năm 2022 có thể xuất hiện biến chủng mới.

Chốt lại phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, mở cửa trường học là cấp thiết, học trực tuyến chỉ là giải pháp tình thế. Tuy nhiên, việc đưa học sinh trở lại trường đang đối mặt nhiều thách thức lớn, do đó Bộ GD-ĐT cần tiếp tục thực hiện dạy học an toàn, linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn địa phương và cơ sở giáo dục. Bộ Y tế cũng cần nghiên cứu, đánh giá rủi ro về sức khỏe đối với học sinh dưới 12 tuổi, phối hợp với Bộ GD-ĐT có phương án đảm bảo an toàn cho học sinh chưa tiêm phòng. Việc mở rộng tiêm vaccine cho trẻ dưới 5 tuổi cũng cần thử nghiệm và triển khai từng bước thận trọng để phụ huynh và xã hội yên tâm, ủng hộ. Sau phiên giải trình, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục sẽ hoàn thiện kết luận, gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành làm cơ sở tiếp tục giám sát việc dạy và học trong bối cảnh Covid-19.

Đề nghị ban hành Luật Nhà giáo

Cùng ngày, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về việc thực hiện chính sách pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông.

Báo cáo tại phiên giải trình, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, hiện vẫn còn những bất cập trong tuyển dụng giáo viên. Việc phân cấp tại địa phương trong công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo còn nhiều bất cập. Hầu hết ở các địa phương, cơ quan chuyên môn là sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT không phải là đơn vị chủ trì, đầu mối về tuyển dụng giáo viên nên không chủ động trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học và không chủ động điều tiết được giáo viên thừa, thiếu. Bên cạnh đó, còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ ở một số môn học, cấp học, địa phương. Hiện ngành giáo dục thừa 10.178 giáo viên, thiếu 94.714 giáo viên. Vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ ở một số môn học, cấp học và một số địa phương như trong cùng một địa phương thừa giáo viên các môn như Ngữ văn, Toán…, thiếu giáo viên dạy các môn đặc thù như Tin học, Tiếng Anh, Nghệ thuật…

Từ thực tế trên, trong nhiệm kỳ của Quốc hội khóa XV, Bộ GD-ĐT đề nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục có ý kiến với Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật Nhà giáo để tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng, ban hành các chính sách, pháp luật về tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông nói riêng, đội ngũ nhà giáo nói chung, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Bộ GD-ĐT cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ GD-ĐT giao bổ sung số biên chế giáo viên còn thiếu cho ngành giáo dục theo lộ trình (94.714 biên chế trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2026)… 

Tin cùng chuyên mục