“Mở đường” sau những chuyến đi

Đoàn đại biểu TPHCM do đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, làm trưởng đoàn, vừa kết thúc tốt đẹp chuyến thăm, làm việc tại Hàn Quốc và Nhật Bản.

Trước đó, đồng chí Phan Văn Mãi đã có chuyến công tác tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Mỹ. Trọng tâm trong các chuyến thăm là gặp gỡ, kết nối với các đối tác, doanh nghiệp.

Các cuộc tiếp xúc, trao đổi đều tập trung nội dung đổi mới sáng tạo, công nghệ chip bán dẫn, kinh tế xanh - chuyển đổi xanh và thúc đẩy các dự án liên quan đến đường sắt đô thị… Đây được xem là những chuyến đi mang tầm hợp tác quốc gia ngay sau các chuyến đến thăm, làm việc của các nguyên thủ, lãnh đạo các nước Mỹ, Hàn Quốc và Hoàng gia Nhật Bản. TPHCM luôn là địa phương đi đầu trong việc triển khai cụ thể các hợp tác ở tầm quốc gia.

Riêng ở Mỹ, chỉ sau 2 tuần khi hai nước trở thành đối tác chiến lược toàn diện, bản thỏa thuận kết nghĩa đầu tiên đã được ký giữa TPHCM với TP New York. Vào năm 1995, 3 tháng trước khi Mỹ và Việt Nam bình thường hóa quan hệ ngoại giao, TPHCM và TP San Francisco cũng đã kết nghĩa.

Trong chuyến thăm và làm việc tại Hàn Quốc, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi gặp xã giao Thị trưởng TP Seoul Oh Se-hoon

Trong chuyến thăm và làm việc tại Hàn Quốc, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi gặp xã giao Thị trưởng TP Seoul Oh Se-hoon

Nếu với các đối tác quốc tế, Việt Nam còn nhiều tiềm năng để thúc đẩy hợp tác về các vấn đề chiến lược và là một đối tác quan trọng thì ở chiều ngược lại, TPHCM cũng sớm nhận ra cơ hội tận dụng các nguồn lực trong và ngoài nước. Để từ đó nâng cao năng lực thông qua trao đổi, hợp tác, kết nối và sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm hỗ trợ các chiến lược về chuyển đổi, tái cơ cấu và phát triển mới các mô hình, giải pháp mô hình kinh doanh, kinh tế mới của thành phố.

Điển hình như việc TPHCM hợp tác với nhiều cơ quan, tổ chức quốc tế (Ngân hàng Thế giới - World Bank, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA, Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản - JBIC…) trong việc đánh giá và triển khai các kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu. Thành phố cũng chủ động tổ chức và đồng tham gia làm mentor - huấn luyện viên cho các công ty khởi nghiệp tiềm năng của thành phố, nghiên cứu thành lập các câu lạc bộ của mạng lưới Đổi mới sáng tạo Hoa Kỳ tại TPHCM…

Lễ ký Biên bản ghi nhớ thiết lập quan hệ kết nghĩa giữa TP New York và TP Hồ Chí Minh sáng 22-9 (giờ địa phương) với sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: TTXVN

Lễ ký Biên bản ghi nhớ thiết lập quan hệ kết nghĩa giữa TP New York và TP Hồ Chí Minh sáng 22-9 (giờ địa phương) với sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: TTXVN

Khi Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TPHCM đã được thông qua trong Kết luận số 49 của Bộ Chính trị thì các bước tiếp theo đòi hỏi phải tiếp cận kịp thời các kỹ thuật, cách thức vận hành, quản lý (ở các quốc gia phát triển) để triển khai đồng bộ, hiệu quả. Do đó, song song với việc sớm hoàn chỉnh đề cương đề án là các cơ hội tiếp xúc, tìm hiểu, trao đổi thực tế của Chủ tịch UBND TPHCM và đoàn công tác với các đối tác, đơn vị nước bạn từ kinh nghiệm triển khai dự án, phát triển metro và hệ thống giao thông kết nối đến cách thức phát hành vé tàu cũng như áp dụng công nghệ thông tin trong việc vận hành tuyến metro (của TP Busan - Hàn Quốc).

Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM là “chìa khóa vàng” mở ra nhiều cơ hội, trong đó có cả cơ hội tăng cường giao lưu, học hỏi kinh nghiệm bởi nhiều lĩnh vực thành phố gần như vừa tìm hiểu vừa áp dụng trong điều kiện phải hạn chế thấp nhất mức độ rủi ro. Chuyển đổi xanh hay phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) cho đến mô hình trung tâm tài chính quốc tế đều là những bài học mới mà cũng là “bài tập khó” để chính quyền thành phố nỗ lực tiếp cận, triển khai, vận hành, quản lý.

Riêng về công nghiệp bán dẫn, với tư cách là một trong những địa phương dẫn đầu về chất lượng nguồn nhân lực, TPHCM phải tận dụng tốt sự dịch chuyển chuỗi công nghiệp bán dẫn đang diễn ra và sẽ xác lập Trung tâm Công nghiệp bán dẫn tại Đông Nam Á trong vòng 10 năm tới. Điều cốt lõi là với tư cách là đối tác chiến lược toàn diện, Việt Nam sẽ mở cửa vùng trữ lượng đất hiếm, từ đó mở ra một giai đoạn phát triển, hợp tác, cùng khai thác mới cho Việt Nam và thành phố.

Vấn đề là không chỉ bệ phóng phát triển kinh tế, nó còn mang đến cơ hội thấu hiểu, gắn kết cộng đồng người Việt trên thế giới, khẳng định vị thế người Việt trong xu thế toàn cầu hóa với bản sắc chân thành, thân thiện, hợp tác, hòa bình đã được truyền tải qua những chuyến đi.

Tin cùng chuyên mục