Chính sách cho giáo viên thư viện

Mơ ước và thực tế: khoảng cách còn xa

Mơ ước và thực tế: khoảng cách còn xa

“Làm thư viện cả ngày chỉ đọc sách, có phải làm gì đâu!”. Đó là cách nghĩ khá đơn giản về công tác thư viện của nhiều người. Nhưng “...cứ thử làm chừng nửa tháng sẽ biết!”.

  • Thủ thư - nghề không dễ

Để quản lý số sách lên đến cả ngàn quyển trong một thư viện, công việc của người phụ trách không phải nhỏû. Hệ thống sổ sách thư mục do cô Nguyễn Thị Thanh Thúy, phụ trách thư viện Trường Tiểu học Chi Lăng thực hiện có đến hàng chục quyển sổ. Một quyển sách được cô ghi vào 3 quyển sổ khác nhau, sổ nhập sách, sổ quản lý theo lĩnh vực, và sổ tra cứu theo tên sách … Cách phân chia này giúp giáo viên và học sinh rất dễ tra cứu khi cần.

Mơ ước và thực tế: khoảng cách còn xa ảnh 1

Giáo viên thư viện vẫn âm thầm làm cầu nối đưa tri thức đến cho giáo viên và học sinh.

Mỗi lần nhập sách về, cô mất đến cả tuần để vào sổ. Đâu chỉ có thế, cô còn bận rộn với nhiệm vụ phục vụ công tác giảng dạy: giới thiệu các loại sách tham khảo đúng với nhu cầu giáo viên, rồi còn phải soạn tư liệu phục vụ cho giáo viên khi thao giảng, đầu tư thời gian để làm mô hình dạy học…

Ở thư viện Trường THCS Đức Trí, quận 1, cô Nguyễn Thị Giàu bận rộn từ 7 giờ sáng đến chiều tối mới trở về nhà. Theo cô, thủ thư phải chịu khó đọc, tìm nguồn sách mới và bổ ích cho công tác chuyên môn của người thầy từ các báo.

Với chừng ấy công việc, cộng thêm việc phục vụ đọc và cho mượn sách, bổ sung sách… bằng thái độ nhẫn nại cộng với lượng tri thức không nhỏ, người phụ trách thư viện ngày ngày cần mẫn phục vụ cho việc giảng dạy và nhu cầu học tập trong nhà trường.

Đứng sau những thành công của giáo viên bao giờ cũng có mặt người phụ trách thư viện. Cô M., một nhân viên thư viện, cho biết, chuẩn bị cho tiết thao giảng, có giáo viên đưa một danh sách từ khó nhờ tra cứu giúp. Hoặc có giáo viên hối người phụ trách thư viện soạn tài liệu tham khảo gấp cho tiết dạy có dự giờ của mình vào hôm sau.

  • Đem sách đến người đọc

Người làm công tác thư viện yêu nghề đều có chung một mong ước phát triển số lượng bạn đọc. Trong bối cảnh thú đọc sách đang dần bị thu hẹp so với nhiều phương tiện giải trí khác, nhiều trường đã có cách riêng để đưa học sinh đến với sách.

Ở Trường THPT Nguyễn An Ninh, quận 10, tất cả HS được phát thẻ thư viện miễn phí, riêng những HS “góp 1 cuốn sách để đọc được nhiều sách hơn” được tặng thêm thẻ ưu tiên. Cô Ngô Thị Xuân, thủ thư Trường THPT Nguyễn An Ninh có cách “câu” độïc giả rất đơn giản: Khi cần là phải đáp ứng ngay, phải làm cho người mượn sách cảm thấy thoải mái nhất... Đó cũng chính là phương châm của thầy phụ trách thư viện Nguyễn Văn Quý, Trường PTTH Nguyễn Thị Minh Khai.

Là thư viện có quy mô khá lớn trong số các trường phổ thông với trên 25.000 bản sách tiếng Việt (hơn 8.000 tên sách) và hơn 10.000 bản sách tiếng nước ngoài, thầy Quý áp dụng việc quản lý thư viện theo hệ thống mở: bất kỳ học sinh nào cũng được mượn sách, thời gian mở cửa thư viện kéo dài đến sau giờ ra về. Khi bạn đọc cần một quyển sách mà thư viện không có, thầy sẽ giới thiệu một quyển sách khác có nội dung đáp ứng được yêu cầu người đọc. Cách quản lý thân thiện mang tính phục vụ của thư viện đã giúp cho số lượt học sinh đọc sách tăng lên nhiều lần.

Để đưa sách đến với học sinh tiểu học, cô Nguyễn Thị Thanh Thúy đã tổ chức cho nhóm học sinh Trường Tiểu học Chi Lăng thuyết trình, giới thiệu những quyển sách hay trước tất cả học sinh trong buổi chào cờ hàng tuần.

  • Lương nhẹ- việc nặng!

Từ suy nghĩ công tác thư viện là “chuyện nhỏ, đơn giản, nhàn hạ, ngồi mát đọc sách”, nhiều trường bố trí giáo viên dự khuyết làm công tác thư viện. Do vậy, đa số cán bộ phụ trách thư viện trong các trường phổ thông hiện nay đều thiếu nghiệp vụ thư viện.

Thầy Nguyễn văn Quý, Phụ trách thư viện Trường PTTH Nguyễn Thị Minh Khai, nhận định: Thiếu nghiệp vụ thư viện, người phụ trách sẽ không thể tổ chức quản lý sách, không lập được kế hoạch bổ sung và giới thiệu sách, từ đó không thể phục vụ được công tác chuyên môn trong nhà trường.

Chỉ có những người yêu nghề mới gắn bó lâu dài với thư viện, bởi hiện nay, người phụ trách thư viện không được hưởng lương và các tiêu chuẩn của giáo viên đứng lớp như trong quyết định của Bộ trưởng Bộ GD - ĐT ban hành về quy định tiêu chuẩn trường học. Một người có thâm niên trên 14 năm phụ trách thư viện như cô Nguyễn Thị Thanh Thúy ở Trường Tiểu học Chi Lăng, chỉ nhận được chưa đến 600.000đ/tháng.

Ngay cả khi cô tốt nghiệp cao đẳng ngành thư viện vào năm 2003 thì mức lương vẫn không thay đổi. Thu nhập chưa tương xứng với công sức lao động nên nhiều giáo viên thư viện bỏ việc khiến nhà trường phải luôn thay đổi người phụ trách thư viện. Những lớp ngắn hạn bồi dưỡng công tác thư viện liên tục mở nhưng số người làm công tác thư viện không nghiệp vụ vẫn cứ tồn tại.

Và, từ thực tế nhãn tiền của những người đi trước, sinh viên tốt nghiệp đại học ngành thư viện không muốn chọn thư viện nhà trường là nơi phát triển nghề nghiệp trong khi ngành giáo dục lại chưa có biên chế cho ngành thư viện.

Xem ra mong ước của cố Thứ trưởng Bộ GD – ĐT Lê Vũ Hùng “muốn khẳng định vị trí của cán bộ thư viện trường học, từ đó tính toán đến chế độ, chính sách cho họ đầy đủ hơn” còn lâu mới thực hiện được. 

LÂM VY - DOANH DOANH 

Tin cùng chuyên mục