Mỗi năm phát hiện khoảng 1200 phụ nữ mắc ung thư buồng trứng

Hội Ung thư Việt Nam kết hợp với Bệnh viện Ung bướu TPHCM vừa tổ chức hội thảo “Liệu pháp kháng sinh mạch: Cải thiện sống còn cho bệnh nhân ung thư cổ tử cung và ung thư buồng trứng”.
Mỗi năm phát hiện khoảng 1200 phụ nữ mắc ung thư buồng trứng

(SGGPO).- Hội Ung thư Việt Nam kết hợp với Bệnh viện Ung bướu TPHCM vừa tổ chức hội thảo “Liệu pháp kháng sinh mạch: Cải thiện sống còn cho bệnh nhân ung thư cổ tử cung và ung thư buồng trứng”.

Theo bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng - Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, so với ung thư vú, ung thư buồng trứng và cổ tử cung ở giai đoạn muộn có số ca mắc mới chỉ bằng khoảng 10%, nhưng các bệnh nhân ung thư buồng trứng và cổ tử cung có tỷ lệ tử vong cao hoặc kết quả điều trị rất hạn chế.

Tại Việt Nam, mỗi năm phát hiện khoảng 1.200 trường hợp phụ nữ ung thư buồng trứng, với tỷ lệ sống toàn bộ 5 năm chỉ khoảng 45%. Ung thư buồng trứng có tỷ lệ tử vong cao nhất trong các loại ung thư phụ khoa. Sự nguy hiểm của ung thư buồng trứng chính là có triệu chứng dễ bị nhầm lẫn với các bệnh về tiêu hoá, nên phần lớn phát hiện bệnh ở các giai đoạn muộn.



Tương tự, ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến thứ hai ở tại Việt Nam, với hơn 5.000 trường hợp mắc mỗi năm. Hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung là do vius HPV (Human Papilloma Virus), loại virus lây truyền chủ yếu qua đường tình dục. Mặc dù việc tầm soát và chủng ngừa HPV đã được tiến hành rộng rãi, nhưng ung thư cổ tử cung vẫn là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ, với hơn 2.400 ca mỗi năm.

Để đối phó với 2 căn bệnh ngặt nghèo trên, tại hội thảo, các chuyên gia trong nước và quốc tế đều ghi nhận hiệu quả của phương pháp điều trị kháng sinh mạch Bevacizumab. Đây là một liệu pháp “nhắm trúng đích” tiên tiến vừa mới được áp dụng trên thế giới khoảng 1-2 năm nay trong chỉ định kết hợp hóa trị ung thư cổ tử cung dai dẳng, tái phát hoặc di căn và ung thư buồng trứng giai đoạn tiến xa mới chẩn đoán hay tái phát.

Quốc Ngọc

Tin cùng chuyên mục