
Một hoạt động đầy ý nghĩa thiết thực trong trong ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26-4 ở Việt Nam khi Sàn giao dịch bản quyền Việt Nam ra mắt với phiên giao dịch đầu tiên tại Café Yesterday (50 Nguyễn Thông, quận 3). Ban tổ chức do Cục Bản quyền tác giả Văn học nghệ thuật Việt Nam (Bộ VH-TT), Viện Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Công ty cổ phần Niên giám Việt Nam Vietbooks, Công ty cổ phần Dịch vụ bản quyền Việt Nam Vietcopyrights phối hợp thực hiện.

Đông đảo văn nghệ sĩ và các nhà doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia buổi ra mắt sàn giao dịch bản quyền Việt Nam đêm 26-4 tại TPHCM. Ảnh: K.Ư
Khán phòng rộng, đông người như thể hiện sự háo hức gặp gỡ “có ý nghĩa mới” giữa các tác giả, giới văn nghệ sĩ cùng những nhà doanh nghiệp, nhà đầu tư, ngân hàng.
Đêm “khai trương” sàn giao dịch thật cảm động khi nhà nhiếp ảnh lão thành, kỷ lục gia Võ An Ninh với hình ảnh quen thuộc, râu tóc bạc phơ, được người nhà dìu xe lăn, đã có mặt và tặng bức ảnh kỷ niệm tuyệt đẹp đến ông Lê Trần Trường An, Tổng Giám đốc Vietbooks.
Chương trình với mục Thời sự bản quyền diễn ra khá nghiêm túc. Về xuất bản sách, đại diện Nhà xuất bản Trẻ đã ký kết xuất bản tác phẩm mới Tôi là Bêtô của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Lần lượt, Công ty Văn hóa Bảo Long - Nhà sách Hồng Ân ký kết với tác giả Nguyễn Tôn Nhan về việc biên soạn cuốn tự điển Hán Việt từ nguyên - Văn ngôn dẫn chứng và Tự điển văn học cổ điển Trung Quốc; Công ty First News ký kết với nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương việc xuất bản tập thơ Hãy cho nhau; hoặc Tổng công ty Văn hóa Sài Gòn ký kết với nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh, thay mặt nhóm biên soạn 100 câu hỏi về Gia Định-Sài Gòn-TPHCM...
Hoạt động bản quyền về phim ảnh gây được sự chú ý trong giới khi ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông Điện ảnh Sài Gòn, ký kết phát hành phim Dòng máu anh hùng với ông Nguyễn Chánh Tín, Giám đốc Hãng phim Chánh Phương và ký kết phát hành phim Mười với ông Lưu Phước Sang, Giám đốc Hãng phim Phước Sang.
Lần đầu tiên, những người tham gia sàn giao dịch cũng khá “lạ mắt” khi chứng kiến việc ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Hãng phim TFS (Đài Truyền hình TPHCM) đặt hàng nhà văn trẻ Nguyễn Thu Phương viết kịch bản phim truyền hình Phiên chợ số. Nội dung phim đặt vấn đề thật “nóng” mang tính thời sự và tâm lý xã hội về thị trường chứng khoán đầy hấp lực đang diễn ra ở Việt Nam.
Phim có vẻ được tăng thêm “độ bảo đảm an toàn” khi đại diện TFS còn tiếp tục ký kết với ông Trần Đắc Sinh, Giám đốc Trung tâm Giao dịch chứng khoán TPHCM, về việc bảo trợ bộ phim dài 30 tập này.
Sôi động trong sàn giao dịch nhất có lẽ là mục “lên sàn” của gần 14 tác phẩm văn học, hội họa, nhiếp ảnh. Đây cũng là lúc các tác phẩm được định đoạt qua phần “đấu giá” của các nhà doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà sưu tập. Trong số các tác phẩm thành công trong phiên giao dịch đầu tiên này có thể kể tên: bộ sách Hồ Chí Minh toàn tập khổ siêu đại; tiểu thuyết Chạy án của nhà văn Nguyễn Như Phong - Phó Tổng biên tập báo An ninh Thế giới; bức tranh thêu tay chữ ký của 100 kỷ lục gia của Công ty XQ tại TPHCM; 10 bộ thiết kế mẫu lịch phong phú đề tài của sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM; bức ảnh Huyền ảo Sa Pa của nhà nhiếp ảnh Hoàng Thế Nhiệm v.v...
Gần 5 tiếng đồng hồ dành cho đêm khai trương sàn giao dịch tuy chưa tải hết nội dung chương trình nhưng những người tổ chức đã chuẩn bị một khoảng thời gian dài mấy tháng trời, từ lúc triển khai ý tưởng đến thực hiện. Hoạt động giao dịch bản quyền có thể không xa lạ gì với một số quốc gia trên thế giới nhưng nó vẫn còn mới mẻ và còn “khá trẻ” ở Việt Nam.
Với mục đích thu hút đầu tư, xác lập giá trị, tạo giao dịch, khai thác kinh doanh và quản lý danh mục đầu tư bản quyền, hy vọng Sàn giao dịch bản quyền Việt Nam sẽ khởi đầu cho sự chuyên nghiệp của hoạt động kinh doanh bản quyền văn hóa phẩm trong thời kỳ hội nhập hiện nay.
Kim Ửng