Giáo dục tài chính

Môn học cho trẻ em thời khủng hoảng

 Giới trẻ Trung Quốc lo tiết kiệm
Môn học cho trẻ em thời khủng hoảng

(SGGP12G).- Trong thời khủng hoảng kinh tế, tại Mỹ đang có xu hướng phát triển bộ môn “giáo dục tài chính” trong trường học nhằm giúp học sinh biết cách chi tiêu hợp lý và tiết kiệm hơn.

Học từ nhà đến trường

Trong thời kỳ kinh tế khó khăn hiện nay, nhiều gia đình thuộc tầng lớp trung lưu Mỹ phải đối mặt với các quyết định khó khăn. Các bậc cha mẹ phải cân nhắc kỹ tất cả khoản chi tiêu của con cái như chi phí học thêm, quần áo, trò chơi điện tử, các khoản đi cắm trại, nghỉ mát... Cha mẹ, con cái và ông bà phải cùng nhau tính toán những khoản chi tiêu trong gia đình.

Gia đình trở thành nơi đối thoại giữa các thế hệ về các ưu tiên chi tiêu. Những cuộc thảo luận này sẽ giáo dục tất cả thành viên gia đình về những lựa chọn cần thiết trong thu nhập, chi tiêu, để dành, đầu tư và cả làm từ thiện. Thậm chí, cha mẹ và ông bà cũng có thể tham gia các lớp học tài chính của con cháu.

Môn học cho trẻ em thời khủng hoảng ảnh 1

Dạy trẻ biết cách tiết kiệm trở nên cấp bách trong cảnh khó khăn kinh tế

Ngay từ khi còn nhỏ, trẻ cũng nên được nhà trường giáo dục về tình hình tài chính của gia đình và nhà trường. Chẳng hạn, từ khi học mẫu giáo đến lớp 2, nên tập trung dạy trẻ biết cách để dành cũng như hành vi tiêu dùng. Trẻ em từ lớp 3 đến lớp 6 nên học về giá trị của các khoản trợ cấp. Trẻ từ lớp 7 đến trung học có thể học cách hình thành và tập thói quen sử dụng thẻ tín dụng và tài khoản đúng mục đích.

Theo ông Sarah Bulgatz, Giám đốc PR của Tập đoàn Charles Schwab, việc giáo dục đó để trẻ quen dần và biết cách lựa chọn cũng như thỏa hiệp. Khi học về các quyết định chi tiêu hằng ngày, học sinh sẽ biết được các kỹ năng quan trọng để quản lý tiền bạc.

Học ở nhiều kênh thông tin

Hiện nay, hằng ngày trẻ tiếp xúc rất nhiều thông tin quanh vấn đề tiền bạc như các đoạn quảng cáo trên truyền hình, truyền thanh, các chương trình quảng cáo khuyến mãi..., tham quan các khu mua sắm, quan sát một máy rút tiền ATM, thanh toán hóa đơn ở nhà... Cùng những cách này, các bậc cha mẹ được khuyên hãy thảo luận với con về các chủ đề như so sánh giá giữa các cửa hàng, các loại hàng giảm giá, coupon, giữa hàng hiệu với hàng phổ thông...

Với trẻ chưa đến tuổi đi học, các bậc cha mẹ nên giải thích cho con hiểu, tiền từ đâu có để khi cần đến rút tại các máy ATM. Dạy cho trẻ biết giá trị của lao động cũng như những gì có thể dùng tiền mua, những gì không nên mua...

Các bậc cha mẹ cũng có thể cùng con tới một ngân hàng địa phương để tạo cơ hội giáo dục tài chính.

Judy Fisher, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Village Bank ở thị trấn St. George, bang Utah, cho biết, ngân hàng luôn rộng tay chào đón khách hàng trẻ em, vì khi đến ngân hàng, các em học được cách dùng thẻ ATM, thẻ tín dụng, giao dịch ngân hàng điện tử, kiểm tra tài khoản... và quan trọng hơn là các em học được cách tiết kiệm.

Hiện nay, nhiều định chế tài chính, các công ty và các tổ chức phi lợi nhuận đang hợp tác với Hội đồng Kiến thức tài chính và các cơ quan của Chính phủ Mỹ nhằm cung cấp những giáo trình tài chính cho cả giáo viên và phụ huynh. Ngoài ra, có nhiều website và cả trò chơi điện tử cũng góp phần nâng cao nhận thức của trẻ em về chi tiêu và tiết kiệm .

 Giới trẻ Trung Quốc lo tiết kiệm

Trước tình hình kinh tế có chiều hướng xấu, giới trẻ Trung Quốc bắt đầu cắt giảm chi tiêu, từ mua sắm quần áo đến ăn uống. Trên các trang web và blog nổi tiếng trong giới trẻ Trung Quốc, tính tiết kiệm đang được ca ngợi khi cuộc khủng hoảng tài chính “tấn công” kinh tế Trung Quốc.

Wang Hao, 24 tuổi, làm việc tại Bắc Kinh, đã vạch ra cho mình một “chiến dịch” chỉ xài 100NDT/tuần (gần 15 USD). Không chỉ thế, Wang còn “lôi” thêm được 55.000 người khác cùng tham gia bằng cách đưa “chiến dịch” này lên blog của mình và diễn đàn trên Internet. Wang nói: “Khủng hoảng tài chính đã dạy cho giới trẻ Trung Quốc, trong đó có tôi, bài học về chi tiêu”.

Sự phát triển kinh tế mạnh mẽ trong nhiều năm qua đã thúc đẩy chi tiêu của người dân Trung Quốc tăng cao, đặc biệt ở người tiêu dùng trẻ từ 20-30 tuổi. Họ sẵn sàng chi tiêu hết thu nhập, thậm chí còn nhiều hơn, cho quần áo thời trang, đồ điện tử, giải trí... nhưng giờ đây, họ bắt đầu tiết kiệm. Ngoài “chiến dịch” của Wang, có trang web cũng đưa ra chiến dịch tương tự, hay một số diễn đàn còn chỉ cách làm món ăn với giá dưới 10 NDT...

Theo thống kê, trước đây những nhân viên trí thức như Wang, làm việc ở các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Đông..., thường chi tiêu khoảng 2.500 NDT/tháng so với thu nhập bình quân 2.200 NDT/tháng, nghĩa là chi tiêu nhiều hơn khả năng kiếm tiền. Nhưng nay Wang cho biết, khi xảy ra khủng hoảng tài chính, anh cảm thấy nhiều áp lực với công ty đang làm việc và lo sợ khả năng bị mất việc nên anh phải thay đổi cách chi tiêu.


NGỌC LÊ (theo Reuters)

Tin cùng chuyên mục