Món nợ với quá khứ và tương lai...

Đài tưởng niệm liệt sĩ ở Melbourne được xây dựng bằng tiền đóng góp của nhân dân. Đó là nơi người dân Australia ghi nhớ công ơn của 60.000 liệt sĩ đã hy sinh trong Thế chiến thứ 1 và thứ 2. Đặc biệt nhất ở kiến trúc này là bệ đá hoa cương đen đặt giữa đài liệt sĩ với dòng chữ “Greater love hath no man” (Dịch thoát: Không hạnh phúc nào hơn khi hiến dâng mình cho hạnh phúc người khác).

Trên đỉnh đài là một vuông cửa bằng thủy tinh chiếu rọi ánh sáng bên trong và người thiết kế đã tính toán ngày 11-11 hàng năm, là ngày lễ hòa bình của người Australia, vào đúng 11 giờ, ánh sáng mặt trời sẽ chiếu thẳng thành một đường dài bên trong Đài tưởng niệm và sẽ dừng lại ở phiến đá hoa cương trong vòng 4 phút. Đài tưởng niệm liệt sĩ ở thủ đô Canberra là một lớp học trực quan của các em học sinh tiểu học, hàng ngày rất nhiều đoàn học sinh nối đuôi nhau tới đây.

Đứng giữa một không gian hoành tráng với tiếng ầm ào như thực của máy bay và xe tăng còn nguyên vết đạn từ các trận chiến mang về trước những đôi mắt trong veo đầy ngưỡng mộ của các em nhỏ, người Việt Nam nào mà không thấy chạnh lòng. Họ đã dựng tượng những người anh hùng Australia vào tâm hồn của từng công dân Australia ngay từ bé bằng những bài học sinh động nhất ở một nơi trang nghiêm nhất của thủ đô.

Từ Đài liệt sĩ này ta có thể nhìn thấy tòa Quốc hội bằng một con đường thẳng tắp. Ý nghĩa ấy chắc ai cũng hiểu, bởi khi những con người đương đại trước khi quyết định vận mệnh của đất nước xin hãy thận trọng mà hướng nhìn về Đài tưởng niệm để nhớ đất nước này đã tồn tại và lớn lên bằng những giọt máu linh thiêng đằng kia. Thật là một ý tưởng quá tuyệt vời…

Hơn bất kỳ đất nước nào, có lẽ Việt Nam ta rất cần một con đường như con đường này để ở chốn nghị trường, những người mang trọng trách với nhân dân không phút nào được quên những dòng máu đã đổ xuống ngày hôm qua của đồng đội mình… Càng gợn lòng hơn bởi với một bề dày lịch sử mấy ngàn năm chống ngoại xâm, với hai chiến thắng giành độc lập vang dội khắp hoàn cầu, vậy mà chúng ta đã không có được những công trình tôn vinh anh hùng liệt sĩ của mình xúc động và hoành tráng đến như vậy!

Ở Côn Đảo, 2 vạn chiến sĩ cách mạng đã ngã xuống ở vùng đất linh thiêng này, trong từng nắm đất ở đây đã hòa trộn cùng máu của những liệt sĩ đã ngã xuống. Nhưng chúng ta đã giữ gìn và bảo tồn các di tích nơi đây như thế nào? Bước vào những trại tù khét tiếng: Phú Hải, Phú Sơn, Phú Tường, Phú Thọ… bây giờ thật khó tìm được cảm giác hãi hùng của nơi được gọi là “địa ngục trần gian” ngày xưa, bởi hầu hết đã hoang phế, chỉ có một vài phòng giam dựng tượng những hình nhân người tù bằng plastic khá vô hồn. Và Nhà tưởng niệm cũng đã được xây dựng rất bề thế trước nghĩa trang, nhưng không hề có khắc tên tuổi các liệt sĩ như Nhà tưởng niệm Củ Chi đã làm, mà hầu như chỉ để bán đồ lưu niệm là chính?!

Đã 30 năm qua, dẫu không tìm thấy hài cốt, nhưng tên tuổi liệt sĩ chắc chắn phải còn lưu lại trong sổ sách, hồ sơ của địch, tại sao suốt bao nhiêu năm qua, ta vẫn chưa tìm được. Nhà tưởng niệm phải có nhiệm vụ ghi lại hết tên tuổi của các liệt sĩ trong suốt hơn 100 năm trường chinh giành độc lập dân tộc. Không làm được điều này là chúng ta có tội với những dòng máu linh thiêng nơi đây.
 
Ta không đủ lực như Australia để dựng nên những Đài liệt sĩ hoành tráng dường kia. Nhưng nếu như những công trình được xây dựng từ những vùng đất linh thiêng mà không có sức thuyết phục, không nhắc nhớ cho nhiều thế hệ nối tiếp những tấm gương hy sinh của người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc thì ta đã mắc một món nợ lớn với quá khứ và tương lai của dân tộc…

BÍCH CHÂU

Tin cùng chuyên mục