Mộng mơ miệt Tây sông Hậu

“Về kinh ăn cá”
Mộng mơ miệt Tây sông Hậu

Du hành đến ĐBSCL, đi sâu về phía Tây sông Hậu sẽ đến tỉnh Hậu Giang, thủ phủ là thành phố mới Vị Thanh theo tỉnh lộ 61 (cũ) dài 62km hoặc đi đường 61B (mới) dài 47km, nối liền thành phố Cần Thơ với thành phố Vị Thanh xuyên qua những cánh đồng mênh mông, bát ngát của miền thôn dã.

Về Vị Thanh - Long Mỹ

Đến thành phố Vị Thanh, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là con kênh Xà No dài tít tắp, thẳng băng như sợi chỉ giăng. Kênh Xà No được đào thời Pháp, cách đây trên 100 năm (1901). Đây là con đường giao thông thủy huyết mạch của vùng Tây sông Hậu, nối liền các vùng kinh tế nông nghiệp trọng điểm của thành phố Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang và Kiên Giang. Chạy dọc bờ kênh dài theo mặt tiền thành phố là bờ kè bê tông kiên cố với quy mô hoành tráng. Vỉa hè bên bờ kè thông thoáng, sạch đẹp có nhiều cây xanh, cây kiểng với đa chủng loại như ngô đồng, hoàng hậu, cọ, kè, cau đỏ, liễu, bằng lăng, dừa kiểng…

Kênh xáng Xà No

Đặc biệt, ở khu vực trước trung tâm chợ Vị Thanh có khu công viên vườn tượng dài hơn 500m, trưng bày các tác phẩm nghệ thuật của nhiều nghệ sĩ điêu khắc, từ các  nơi về tham dự Festival lúa gạo Việt Nam (năm 2009) và kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (2010). Hiện vườn tượng là một trong điểm nhấn về du lịch của tỉnh Hậu Giang.

Khi chiều xuống, bên dòng kênh Xà No, thành phố Vị Thanh êm đềm và tĩnh lặng lạ kỳ. Du khách có thể nhàn nhã tản bộ để đón những làn gió mát lành bên bờ kênh; thưởng thức hàng chục tác phẩm điêu khắc bằng đá trắng của các tác giả danh tiếng. Các tác phẩm cách điệu với hình tượng nghệ thuật mang nội dung sâu sắc nhưng gần gũi, phản ánh được “cái chất” đồng bằng như tác phẩm: Dòng sông, Tình mẹ, Thiếu nữ nằm, Mẹ con, Hoa Hậu Giang, Gia đình hạnh phúc, Cùng học…

Vào dịp lễ hội, kênh Xà No là nơi diễn ra những cuộc tranh tài quyết liệt của các đội ghe ngo đến từ khắp vùng sông nước Nam bộ. Hai bên bờ kênh chật kín người thưởng thức trong không khí tưng bừng, sôi nổi. Các vận động viên gắng sức chèo mái dầm thoăn thoắt, đưa những chiếc ghe ngo lướt nhanh như tên bắn để về đích. Đua ghe ngo là môn thể thao mang đặc trưng văn hóa dân gian Khmer rất được người dân ĐBSCL ưa thích.

Sau một đêm yên bình bên dòng kênh Xà No, sáng hôm sau, chúng tôi khởi hành về huyện Long Mỹ thăm đền thờ Bác Hồ ở ấp 3, xã Lương Tâm. Đường về xã (dài gần 20km) chạy dọc theo những con rạch rợp bóng mát với những vườn cây, cánh đồng, bên xóm làng thanh bình, yên ả. Đền thờ Bác Hồ được xây dựng theo mô-típ kiến trúc truyền thống, có kết hợp hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc Việt, vừa trang nghiêm, bề thế nhưng cũng có phần bình dị, ấm áp. Trong đền thờ, giữa chính điện là tượng và án thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh trang nghiêm, tĩnh lặng. Ở nhà trưng bày có nhiều phiên bản, tư liệu, tranh ảnh, hiện vật liên quan đến cuộc đời, thân thế, sự nghiệp cách mạng của Bác Hồ với bố cục hợp lý, giới thiệu rõ nét về thời tuổi trẻ, cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Giữa không gian thoáng đãng, yên tĩnh, rợp bóng cây xanh, bạn sẽ được nghe lại những câu chuyện thời chiến tranh rất cảm động, phản ánh tấm lòng trung kiên, bất khuất của quân dân Long Mỹ quyết liệt bảo vệ, gìn giữ đền thờ Bác với niềm tin ngày toàn thắng, thống nhất non sông, Bác Hồ sẽ vào thăm nhân dân miền Nam.

Tại đây tôi gặp thuyết minh viên Nguyễn Thị Trúc Xuân, cô gái Hậu Giang hiền lành, chân chất. Trúc Xuân cho biết đã gắn bó với đền thờ Bác Hồ từ tuổi thơ; lúc ấy, cô thường theo các anh chị đến sinh hoạt tại đền thờ. Sau khi tốt nghiệp THPT, Trúc Xuân xin về đây công tác.  “Được góp phần lo việc hương khói, chăm sóc đền thờ Bác là điều tôi vô cùng hạnh phúc”, Trúc Xuân tâm sự. Riêng tôi bỗng nghiệm ra rằng, nếu ta làm một việc có ý nghĩa, dù lớn hay nhỏ, đó là niềm hạnh phúc.

Đền thờ Bác Hồ ở xã Lương Tâm

“Về kinh ăn cá”

Theo nhà văn Sơn Nam trong tác phẩm biên khảo Lịch sử khẩn hoang Nam bộ, kênh Xà No được đào do sáng kiến của hai đại chủ điền người Pháp là Duval và Guéry. Năm 1900, hai nhân vật này đã vận động toàn quyền Paul Doumer cho đào kênh Xà No gấp để họ được thâu lợi sớm!

Sau khi người Pháp cho đào con kênh Xà No xuyên qua cánh đồng trũng của vùng Tây sông Hậu nối liền Cần Thơ - Rạch Giá, cũng là lúc bắt đầu có sự dịch chuyển, bố trí lại mật độ dân cư ở vùng đất này. Cứ 500m có một cống dẫn nước; 1.000m tới, có con kênh đào nhỏ, cắt ngang, gần như thẳng góc với kênh Xà No. Người bản địa và dân tứ xứ họp lại dọc theo bờ kênh làm ruộng, lập vườn, buôn bán và lập chợ ở mỗi đầu kênh giáp mối. Xóm chợ ban đầu thưa thớt vài mái nhà lá, dần dần trở nên sung túc, đông vui. Từ Vàm Xáng Xà No đến thành phố Vị Thanh ngày nay có nhiều chợ, theo thứ tự đầu tiên là Một Ngàn đến Mười Lăm Ngàn. Xưa kia, khu vực này là “vựa” cá đồng lớn của miền Tây. Ngày nay số lượng thủy sản vẫn còn nhưng đã giảm sút nhiều do tác động của con người. 

“Kinh” là phương ngữ của người miền Tây gọi những con kênh đào. Có lẽ trong chúng ta ai cũng đã từng nghe câu ca dao đã trở thành lời hát ru man mác tình quê: “Gió đưa gió đẩy… về rẫy ăn còng/Về sông ăn cá… về đồng ăn cua”. Nhưng do đặc điểm địa lý, những vùng đất nằm sâu trong đồng bằng Tây sông Hậu không có sông lớn tự nhiên mà chỉ có những con “kinh” do nhà Nguyễn và người Pháp xưa kia đào đắp để dẫn thủy nhập điền, cũng như phục vụ giao thông, vận chuyển lương thực. Vùng đất Một Ngàn đến Mười Lăm Ngàn nằm dọc theo kênh Xà No, có nhiều con kênh nhỏ khứa ngang, xuyên sâu vào những đồng lúa mênh mông, tạo ra môi trường lý tưởng cho các loài cá đồng sinh sôi nảy nở. Bạn hãy thử du hành một chuyến “về kinh ăn cá” thay vì “về sông ăn cá”.

Bắt đầu từ chợ Một Ngàn rồi lần lượt đến các chợ khác dọc theo kênh Xà No như chợ Ba Ngàn Rưỡi, chợ Bảy Ngàn, chợ Mười Bốn Ngàn (thuộc huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) để tham quan, khám phá và tìm mua… cá đồng.

Buổi sáng, ở bến sông chợ Một Ngàn vô cùng sầm uất, nhộn nhịp người mua, kẻ bán. Bạn sẽ gặp rất nhiều loại cá đồng tươi rói vừa mới được bà con nông, ngư dân đánh bắt đêm qua, đem ra chợ bày bán. Bạn có thể mua một ít cá thác lác về trổ tài nấu ăn. Cá thác lác hiện là đặc sản tiêu biểu của miệt Hậu Giang. Thịt cá thác lác dẻo, dai, khi chế biến thường được nạo ra, quết nhuyễn với gia vị, có hương vị đặc trưng và hấp dẫn. Cũng có thể làm sạch cá rồi băm nhuyễn cả thịt lẫn xương, chế biến thức ăn rất tốt  cho trẻ còi xương, suy dinh dưỡng, phụ nữ có thai và sau khi sinh, người mới ốm dậy, người cao tuổi gầy yếu.

Chị Lê Thị Hoài Thu, chủ một quán ăn ở xã Mỹ Khánh (Phong Điền, Cần Thơ), cho biết: “Tôi hay đi chợ Một Ngàn, mặc dù hơi xa nhưng ở đây cá tươi ngon, giá cả tương đối rẻ”. Chị Hoài Thu cũng chỉ vài “chiêu” chế biến từ cá thác lác. Trong đó, cá thác lác chiên sả là món ngon đặc sắc, dễ làm. Cá làm sạch, kế tiếp dần cá nhẹ bằng chày gỗ, sau đó dùng tay cuộn cá lại từ đầu đến đuôi vài lần, thao tác này làm cho thịt cá bị dần dập và nhuyễn, có tác dụng làm dai thịt cá khi chiên. Sau cùng dùng dao khứa  xiên vào thân cá đến xương. Ướp cá với ớt, sả trộn với bột ngọt và chừng non nửa muỗng cà phê bột nghệ, sau đó để cá thấm chừng 15 phút. Đun nóng chảo, cho dầu vào, đợi sôi, thả cá vô chiên, giữ lửa riu cho cá vàng đều. Cá thác lác chiên sả ăn kèm với rau răm, rau dấp cá, dùng với nước mắm chua cay. Món này “lai rai” rất tuyệt!

Cá thác lác hầm khổ qua là món được các bà nội trợ ưa chuộng. Loại cá này còn chế biến được rất nhiều món ăn khác như: chả cá thác lác chiên, hấp; cá thác lác kho khóm, cà chua; cá thác lác nấu canh cải trời, cải bẹ xanh; cá thác lác chiên giòn, dồn khổ qua, chiên sả… Ngoài đặc sản cá thác lác Hậu Giang đã có thương hiệu, ở các chợ như Một Ngàn, Bốn Ngàn, Bảy Ngàn, Tám Ngàn còn có rất nhiều cá rô, cá lóc, cá sặc rằn, cá chạch, cá chình.

Đến miền Tây, dừng chân miệt Hậu Giang tìm hiểu, khám phá đất nước, con người vùng Tây sông Hậu, đi từ “Một Ngàn” đến “Mười Lăm Ngàn”, “Về kinh ăn cá”, thưởng thức ẩm thực là một chuyến du hành, du khảo hấp dẫn và thú vị.

ĐẶNG HOÀNG THÁM

Mời bạn đọc gửi bài dự thi về địa chỉ: Tòa soạn Báo Sài Gòn Giải Phóng, số 399 Hồng Bàng, phường 14, quận 5, TPHCM; hoặc gửi qua địa chỉ email: cuocthiphongsukysu@sggp.org.vn. Tác giả dự thi ghi rõ: Bài tham dự cuộc thi Phóng sự - Ký sự báo chí 2015 - 2016: “Ấn tượng đất nước -  con người Việt Nam”, cùng địa chỉ cư ngụ, số điện thoại liên lạc.  Ban tổ chức không hoàn trả bản thảo tác phẩm dự thi. Thể lệ cuộc thi đăng tại địa chỉ www.sggp.org.vn.

Tin cùng chuyên mục