Mộng mơ Oscar

Mùa Oscar đến gần. Cũng như mọi năm, giải thưởng danh giá nhất của điện ảnh thế giới - đã xa - lại càng xa tầm với của các nhà làm phim Việt.
Và đâu đó còn man mác buồn… giá mà phim ảnh của ta có được tinh thần của bóng đá U.23 thì biết đâu… đã có chuyện về một câu chuyện cổ tích thần kỳ xứng đáng được dựng phim. 
Nhưng “bao giờ cho đến tháng 10” khi khán giả còn không nhớ nổi tên một bộ phim nào khả dĩ mon men đến được “vòng gửi xe” của các nhà tuyển trạch Oscar. Lần gần đây nhất, điện ảnh Việt có được vinh dự xướng tên trong đề cử 5 phim nói tiếng nước ngoài hay nhất đã cách nay 1/4 thế kỷ khi bộ phim “Mùa đu đủ xanh” của đạo diễn Trần Anh Hùng ra mắt và tạo tiếng vang tại Liên hoan phim Cannes. Sau đó, phim nhận được vô số lời khen của các nhà phê bình và khán giả về “một bài thơ bằng hình ảnh”, về sự mộc mạc, trong trẻo, thanh cao của mảnh đất Việt qua thân phận người phụ nữ bình dị. Và mặc dù không phải sản phẩm Việt 100%, nhưng “có còn hơn không” khi bối cảnh được quay ở Việt Nam với đạo diễn, diễn viên, ngôn ngữ chính đều là Việt Nam (đạo diễn Trần Anh Hùng đã xa quê hương Việt Nam từ năm 12 tuổi). Như thế, có thể thấy, vỉa quặng với hàm lượng nghệ thuật tinh khiết đang ở ngay mảnh đất quê hương, chỉ cần với tay thôi là đã tìm ra hạnh phúc, không cần phải vay mượn, chắp vá như thực tế đang diễn ra trong làng điện ảnh Việt.
Cái chính là có nhìn ra không và có dũng cảm nhìn nhận vấn đề hay không. Năm qua, nhất là dịp tết, hàng loạt bộ phim Việt được trình chiếu với tần suất mỗi tuần một phim đã tạo hứng khởi bởi doanh thu tương đối khả quan. Trong 4 phim nội tham gia thị trường tết thì ít nhất có 2 phim sau 5 ngày công chiếu đã kiếm được mỗi phim từ 30 - 50 tỷ đồng. Thật khác xa các năm trước khi may mắn lắm mới có 1 phim trúng đậm, còn lại hoặc chỉ hòa vốn, thậm chí mất trắng. Điều đáng nói là dù chi phí sản xuất tăng cao, nhiều phim trên mức 10 tỷ đồng, song sắc màu ấm áp đã ngập tràn bức tranh đại cảnh: “Em chưa 18” có doanh thu 170 tỷ đồng, “Cô gái đến từ hôm qua” sau 10 ngày khởi chiếu thu được 60 tỷ đồng, “Cô ba Sài Gòn” đạt xấp xỉ 60 tỷ đồng. Kết quả đó cho thấy khán giả Việt vẫn ủng hộ phim Việt, vẫn hết mình vì phim Việt dù đâu đó còn đầy sạn, còn chưa tiệm cận đến sự hoàn hảo. Thật ra, theo phân tích, sở dĩ phim Việt thắng được trên sân nhà dịp tết một phần cũng nhờ yếu tố “may mắn” khi phim ngoại đổ bộ cũng dạng “tầm tầm bậc trung”, chưa có “bom tấn” đình đám. Nhưng cũng không thể phủ nhận sự nỗ lực chung của những nhà làm phim phía Nam (phía Bắc từ nhiều năm đã không còn tham gia thị trường điện ảnh, chắc là vì sợ mất nhiều hơn được) với sự trau chuốt về hình ảnh, âm nhạc và nội dung.
Nhìn chung đó là tín hiệu đáng mừng về sự chuyên nghiệp, sự gắn kết giữa nhà sản xuất và nhà phát hành khi cố gắng tạo ra sản phẩm “tử tế” đúng nghĩa. Nhưng còn đó nỗi lo canh cánh: chẳng lẽ chỉ có hài và hài, dù hài phảng phất tính “nhân văn”?! Dĩ nhiên là thị trường quyết định, song chả lẽ năm nào cũng hài và lại hài?! Có thể hiểu những giọt nước mắt của nhà sản xuất, diễn viên Ngô Thanh Vân trong buổi họp báo ra mắt phim “Tấm Cám” hay sự bồn chồn, lo lắng của nhà sản xuất, diễn viên Thanh Thúy khi mấy ngày tết chỉ đứng ngồi ở rạp đếm số khán giả ra vô suốt các buổi chiếu phim “Siêu sao siêu ngố”. Và không ai nỡ trách tại sao họ lại chọn lối đi “an toàn” đậm chất giải trí như vậy. Có chăng là tự trách mình - những khán giả bỏ tiền ủng hộ phim Việt - nhưng lại quá dễ dãi trong thẩm định giá trị nghệ thuật.
Tất nhiên, phim nghệ thuật kén khán giả, ngay những phim được đề cử giải Oscar cũng thưa thớt người xem. Song không vì thế mà chúng ta được phép thỏa mãn với doanh thu vài chục tỷ đồng, mà thật ra chỉ đáng giá bằng chuỗi ngọc đeo cổ một minh tinh màn bạc đứng trên thảm đỏ đêm trao giải Oscar. Nhìn sang các nước láng giềng, có thể thấy Campuchia, Philippines, Thái Lan đều đã có phim được giải cao nhất ở các liên hoan phim danh giá, còn ta vẫn cứ là ta với giấc mộng không thành. Chẳng lẽ cứ hài lòng với chút tiếng cười hay cố cười của các “siêu phẩm” mang chất “ao làng”. Đã đến lúc bơi ra hải phận quốc tế với tư duy mới, nhân lực mới và cần nhất lòng quả cảm dám làm một bộ phim mang thương hiệu Việt. Và đấy mới là “khởi nghiệp” trong tạo ra sản phẩm văn hóa mang tính toàn cầu. Mong lắm thay!

Tin cùng chuyên mục