Mong muốn có thêm Ấn Độ tham gia RCEP

Với vai trò là nước Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam mong muốn các nước ASEAN cùng 6 quốc gia đối tác thúc đẩy, sớm kết thúc hoàn toàn đàm phán Hiệp định RCEP, để tiến tới ký kết hiệp định này vào tháng 11-2020 tại Hà Nội. 

Hôm nay 23-6, Hội nghị Bộ trưởng các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) giữa kỳ lần thứ 10 được tổ chức dưới hình thức trực tuyến, với sự tham gia của 15 Bộ trưởng các nước, do Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Trần Tuấn Anh làm chủ tọa.

Bộ trưởng Bộ Công thương của Việt Nam làm chủ tọa sự kiện này

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao nỗ lực của các nhà đàm phán Hiệp định RCEP đã đạt từ đầu năm đến nay. Các cuộc họp, thảo luận chuyên sâu theo hình thức trực tuyến của các bên vẫn được tiến hành theo đúng tiến độ, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Với vai trò là nước Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN duy trì vai trò dẫn dắt và hợp tác chặt chẽ với 6 nước đối tác để thúc đẩy, sớm kết thúc hoàn toàn đàm phán Hiệp định RCEP, nhanh chóng hoàn tất, chuẩn bị cho lễ ký kết hiệp định vào tháng 11-2020 tại Hà Nội. 

Bộ trưởng các nước tham gia đàm phán, thảo luận thông qua hình thức hội nghị trực tuyến

Bộ trưởng các nước tham gia đàm phán RCEP ghi nhận thách thức chưa từng do đại dịch Covid-19 đối với thương mại, đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu; cần tăng cường hợp tác để thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Trong bối cảnh bảo hộ mậu dịch đang nổi lên thành xu hướng, Bộ trưởng các nước nhất trí rằng việc ký kết RCEP trong năm 2020 sẽ phát đi tín hiệu về việc các nước tham gia đàm phán ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, tăng cường hội nhập kinh tế trong khu vực.

Hội nghị nhất trí tiến tới ký kết Hiệp định RCEP trong năm 2020 này

Hội nghị cũng thảo luận về sự tham gia của Ấn Độ vào Hiệp định RCEP, nhìn nhận Ấn Độ luôn là một thành viên quan trọng trong đàm phán Hiệp định RCEP. Việc tham gia của Ấn Độ sẽ đóng góp cho sự tiến bộ và thịnh vượng chung của toàn khu vực nên Hiệp định RCEP vẫn tiếp tục mở để Ấn Độ tham gia.

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (viết tắt là RCEP) là một hiệp định thương mại tự do (FTA) bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 5 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do (Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand). 

Tin cùng chuyên mục